Hệ thống tài chính toàn cầu đang chứng kiến sự thay đổi tinh tế nhưng được cho là khá lớn. Trọng tâm của sự chuyển biến đó chính là khái niệm “phi đô la hoá”. Dù quá trình đã diễn ra thầm lặng trong nhiều năm, nhưng gần đây đã nhận được động lực mạnh mẽ hơn, khi Trung Quốc sử dụng đồng Nhân dân tệ nhiều hơn cho các giao dịch xuyên biên giới.
Dù diễn ra chậm, nhưng sự chuyển dịch khỏi đồng USD có khả năng sẽ định hình lại trật tự kinh tế toàn cầu và làm tăng biến động, bất ổn trên thị trường tài chính. Khi Trung Quốc tiếp tục khẳng định tiềm lực kinh tế của mình, đồng Nhân dân tệ sẽ trở thành một thách thức không hề nhỏ với trật tự thế giới hiện nay.
Phi đô la hoá trong các giao dịch xuyên biên giới của Trung Quốc
Trước đây, cũng như nhiều quốc gia khác, Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào đồng USD để thực hiện các giao dịch tài chính và thương mại quốc tế. Tuy nhiên, sự phụ thuộc này đã giảm dần trong những năm gần đây, khi Trung Quốc tích cực thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ.
Năm 2010, chưa đến 1% các khoản thanh toán quốc tế của Trung Quốc được thực hiện bằng đồng Nhân dân tệ, trong khi USD là 83%. Tháng 3/2023 là cột mốc quan trọng, lần đầu tiên Nhân dân tệ vượt qua USD. Tháng 3/2024, hơn một nửa (52,9%) các khoản thanh toán của Trung Quốc được thực hiện bằng đồng Nhân dân tệ, đánh dấu mức tăng gấp đôi trong 5 năm.
Sự thay đổi mạnh mẽ này có thể đến từ một số yếu tố. Ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng giao dịch bằng Nhân dân tệ, vì họ muốn đa dạng hoá lượng tiền nắm giữ và giảm tiếp xúc với đồng USD. Hơn nữa, một số quốc gia, bao gồm Brazil và Argentina, đã bắt đầu chấp nhận bằng đồng Nhân dân tệ để giao dịch, qua đó củng cố thêm vị thế của đồng tiền này trong giao thương quốc tế.
Bắc Kinh và PBOC đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xu hướng này. Họ đã thực hiện các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trong thương mại và đầu tư xuyên biên giới, bao gồm thành lập các trung tâm thanh toán bù trừ đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài và mở rộng mạng lưới các thoả thuận hoán đổi tiền tệ song phương.
Sự trỗi dậy của đồng Nhân dân tệ
Tầm ảnh hưởng của đồng Nhân dân tệ trong thương mại quốc tế tăng lên được đánh dấu bằng một số cột mốc quan trọng. Năm 2016, đồng tiền này được đưa vào rổ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF. Đây là tài sản dự trữ được các quốc gia thành viên sử dụng. Động thái này đã công nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của đồng Nhân dân tệ trong kinh tế toàn cầu và mở đường cho việc áp dụng rộng rãi hơn.
Tuy nhiên, con đường hướng đến việc toàn cầu hoá đồng Nhân dân tệ cũng gặp trở ngại. Vào năm 2015-2016, Trung Quốc đối mặt với làn sóng đầu cơ với đồng Nhân dân tệ, xuất phát từ mối lo ngại về rủi ro suy thoái và tình trạng outflow. PBOC buộc phải can thiệp để ổn định đồng Nhân dân tệ. Động thái này cho thấy những thách thức trong việc quản lý một đồng tiền tệ có tầm ảnh hưởng trên toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng năm 2016 đã thúc đẩy việc đánh giá lại chiến lược phi đô la hóa của Trung Quốc. Mặc dù tham vọng ban đầu là đạt được mục tiêu phi đô la hóa toàn diện và mở rộng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) nhưng trọng tâm đã chuyển sang một cách tiếp cận thận trọng hơn.
Trung Quốc bắt đầu ưu tiên phát triển các hệ thống thanh toán thương mại bằng đồng Nhân dân tệ, cho phép các doanh nghiệp không dùng đồng USD trong các giao dịch. Chính phủ cũng thắt chặt kiểm soát vốn để ngăn chặn dòng tiền chảy ra quá nhiều và duy trì sự ổn định tài chính. Các biện pháp này, mặc dù có hiệu quả trong việc bảo vệ nền kinh tế, nhưng cũng hạn chế phạm vi tiếp cận toàn cầu của đồng Nhân dân tệ.
Trong khi đó, tận dụng lợi thế nắm giữ vị thế thống trị, Mỹ đã “vũ khí hoá” đồng USD. Điều này đã làm dấy lên mối lo ngại ở nhiều quốc gia. Do đó ngày càng nhiều nước muốn có lựa chọn thay thế cho đồng USD và Nhân dân tệ nổi lên như một đối thủ tiềm năng.
Đồng tiền tệ nào phổ biến nhiều nhất trong các giao dịch ngoại hối?
Dù Nhân dân tệ tăng giá, song USD vẫn giữ “ngôi vương” trên thị trường ngoại hối. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), năm 2022, đồng USD chiếm 88,5% tổng số giao dịch FX, tiếp theo là đồng euro (30,5%) và đồng yên Nhật (16,7%). Thị phần của đồng USD đã tăng 1,5% kể từ năm 2010, trong khi đồng euro và đồng yên giảm.
Đồng Nhân dân tệ, mặc dù thị phần chỉ là 7%, nhưng đã trở thành đồng tiền ghi nhận thị phần tăng nhanh nhất trên thị trường FX trong thập kỷ qua. Điều này cho thấy, Nhân dân tệ đang dần được chấp nhận như một lựa chọn thay thế khả thi cho đồng USD, đặc biệt là trong giao dịch với Trung Quốc và các đối tác của nước này.
Nhân dân tệ hoá sẽ là tương lai?
Mặc dù việc phi đô la hóa hoàn toàn nền kinh tế toàn cầu có vẻ không khả thi trong tương lai gần, nhưng sức ảnh hưởng của đồng Nhân dân tệ tăng lên chắc chắn là một xu hướng quan trọng. Khi Trung Quốc tiếp tục mở rộng ảnh hưởng kinh tế của mình, đồng Nhân dân tệ có khả năng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong thương mại và tài chính quốc tế.
Chính phủ Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch xuyên biên giới và đang không ngừng xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ mục tiêu này. Trong đó bao gồm việc thành lập các ngân hàng thanh toán bù trừ bằng đồng nhân dân tệ tại các trung tâm tài chính lớn, mở rộng mạng lưới các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ và phát triển các sản phẩm tài chính mới được định danh bằng đồng Nhân dân tệ.
Tuy nhiên, con đường hướng đến “Nhân dân tệ hóa” vẫn có những thách thức. Các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ của Trung Quốc, dù là cần thiết để duy trì sự ổn định tài chính, nhưng cũng hạn chế sức hấp dẫn quốc tế của đồng Nhân dân tệ. Ngoài ra, giá trị của đồng tiền này vẫn được PBOC kiểm soát chặt chẽ, điều này làm dấy lên lo ngại về tính ổn định và khả năng dự đoán lâu dài của đồng tiền này.
Bất chấp những thách thức này, sự phổ biến của đồng Nhân dân tệ tăng lên là một xu hướng đáng chú ý. Diễn biến này thể hiện sự thay đổi cơ bản trong bối cảnh tài chính toàn cầu, một sự thay đổi có thể có tác động sâu rộng đến tương lai của thương mại, đầu tư và quyền lực địa chính trị.
Tham khảo Oilprice