Sử dụng ngân sách cho hoạt động an ninh trật tự, an toàn xã hội

Lan Phương |

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 55/2017/TT-BTC quy định chi tiết về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

Thông tư này quy định chi tiết việc lập, phân bổ dự toán, tổ chức thu, chi ngân sách và kế toán, quyết toán ngân sách nhà nước trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội thuộc nhiệm vụ của Bộ Công an.

Về tổ chức thu ngân sách nhà nước, Thông tư nêu rõ, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước phải tổ chức thu theo quy định của pháp luật đối với từng khoản thu và hướng dẫn của Bộ Tài chính về công tác thu, nộp ngân sách nhà nước.

Cụ thể, thu phí và lệ phí: Thực hiện nộp ngân sách nhà nước theo quy định của Luật phí và lệ phí, Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thu thanh lý tài sản nhà nước, thu từ bán tài sản gắn liền với đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Thực hiện nộp ngân sách nhà nước theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Luật đất đai, Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thu xử phạt vi phạm hành chính: Thực hiện nộp toàn bộ số tiền thu được vào ngân sách nhà nước theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo Thông tư, điều kiện chi ngân sách nhà nước là đã có trong dự toán ngân sách được giao. Trường hợp dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định tạm cấp kinh phí cho các nhiệm vụ không thể trì hoãn được; đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành áp dụng cho lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội; đã được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách hoặc người được uỷ quyền quyết định chi thể hiện dưới hình thức văn bản hoặc thông qua phê duyệt trên chứng từ và các hồ sơ thanh toán.

Ngoài các điều kiện nói trên, trường hợp sử dụng vốn, kinh phí ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư sản xuất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc và các công việc khác phải tổ chứcđấu thầu theo quy định của Luật đấu thầu.

Về nguyên tắc thanh toán các khoản chi của ngân sách, Thông tư quy định, việc thanh toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện theo nguyên tắc thanh toán trực tiếp từ Bộ Tài chính, Kho bạc nhà nước cho người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp, người cung cấp hàng hóa, dịch vụ hoặc cho đơn vị sử dụng ngân sách đối với các khoản chi có yêu cầu bảo mật cao. 

Trường hợp cấp thiết, một số khoản chi chưa đủ điều kiện thực hiện việc thanh toán trực tiếp từ Bộ Tài chính, Kho bạc nhà nước, đơn vị sử dụng ngân sách được tạm ứng kinh phí để chủ động chi theo dự toán được giao, sau đó đơn vị thanh toán với Bộ Tài chính, Kho bạc nhà nước theo đúng quy định của Bộ Tài chính.

Các khoản chi có tính chất thường xuyên được bố trí đều trong năm để chi; các nhiệm vụ chi đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, sửa chữa lớn và các khoản chi không thường xuyên khác được đảm bảo nguồn thanh toán theo tiến độ và trong phạm vi dự toán được giao cho Bộ Công an.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 6/7/2017, áp dụng từ năm ngân sách 2017.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại