Nằm ở rìa của sa mạc Sahara, phía Tây Nam Morocco, những tấm lưới khổng lồ được giăng để đón hơi nước trong không khí, biến sương mù thành nước uống.
Kỹ thuật này thực hiện bằng cách treo các tấm lưới mau (là loại lưới có mắt lưới rất nhỏ, phục vụ mục đích hứng sương mù) trong không khí, bắt chước quá trình ngưng tụ hơi nước trên những loại cây lá kim và cây gỗ đỏ thành nước uống, bù đắp lại sự thiếu mưa ở những vùng khô cằn.
Được đặt ở khu vực khô, trên các ngọn núi, đây là dự án thu sương mù lớn nhất thế giới, trải rộng trên diện tích 600 m2, theo Dar Si Hmad, lãnh đạo phụ nữ Moroccan NGO thực hiện dự án này.
Dự án thí điểm hiện nay đã cung cấp nước uống sạch cho khoảng 500 người thuộc 5 làng, trong một khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu gây ra hạn hán.
Bốn năm thử nghiệm
Thu hoạch sương mù được phát minh tại Nam Mỹ vào những năm 1980 và đã có những dự án hoạt động hiệu quả ở nhiều quốc gia bao gồm Chile, Peru, Ghana, Eritrea, South Africa và California.
Những nỗ lực để mang phương pháp này đến Morocco bắt đầu từ 10 năm trước và dự án được triển khai vào ngày Nước Thế giới năm 2015, sau 4 năm thử nghiệm.
“Đây là giai đoạn thử nghiệm cực kỳ quan trọng, bởi những dự án về nước không thể vội vã đưa vào cộng đồng mà không có một thời gian dài nghiên cứu, những rủi ro là rất lớn,” Jamila Bargach, giám đốc của Dar Si Hmad nói với CNN.
Những tấm lưới được đặt ở độ cao 1.225 m, trung bình mỗi ngày thu được khoảng 6.000 lít nước. Đó cũng lần đầu tiên nước được lọc cặn bẩn trước khi đi qua 8 km đường ống để đến những ngôi nhà ở trong làng.
“Gió đẩy lớp sương mù từ đại dương vào đất liền và nó bị ngăn lại bởi ngọn núi, chúng bị kẹt ở đây, vậy nên rất dễ dàng để biến hơi nước thành nước lỏng,” Bargach nói rằng các ngọn núi được bao bọc bởi sương mù khoảng 140 ngày trong một năm.
Để ghi nhận sự đóng góp trong việc đối mặt với các thách thức của biến đổi khí hậu, dự án đã được trao giải thưởng “Momentum for Change” của Liên Hợp Quốc năm 2016 và được tuyên dương tại hội nghị về thay đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, COP22, tại Marrakech, Morocco.
Sự di cư ngược
Khu vực được biết đến với tên gọi Anti Atlas - theo tên của một dãy núi gần đó - dân cư đã ngày càng trở nên thưa thớt hơn trong những thập kỷ gần đây do người dân buộc phải di cư vì thiếu nước.
“Những người ở lại là những người nghèo nhất, phần lớn là phụ nữ, trẻ em và người già,” Bargach nói.
“Trước khi chúng tôi đặt các tấm lưới, những người dân ở đây phải đi bộ 3 tiếng mỗi ngày, đến những giếng nước khô cạn, đó là những gì con người ở đây phải làm mỗi ngày ở nơi mà chúng ta không sinh sống.”
Nếu những cái giếng đã khô cạn, cách duy nhất để lấy nước là phải mua nước được chở bằng xe tải, với giá khoảng từ 3 - 5 USD mỗi tấn.
Trong chương trình này, mỗi tấn nước hiện nay chỉ có giá 40 cent (khoảng 9 nghìn đồng), và có sẵn ở vòi nước trong mỗi gia đình.
“Mặc dù đây là một cộng đồng nghèo, với những con người có mức thu nhập khoảng 2 USD mỗi ngày, nhưng họ vẫn trả tiền nước của chính họ bởi họ biết rằng cần phải có tiền để bảo trì, bảo dưỡng hệ thống,” Bargach nói.
Bị thổi đi bởi những cơn gió có vận tốc lên tới 112 km/h, những tấm lưới cần phải được chăm sóc liên tục.
“Câu mây”
Để giải quyết vấn đề, bắt đầu từ năm sau, các công nghệ hiện tại - từ một tổ chức NGO Canada có tên là FogQuest - sẽ được nâng cấp lên một phiên bản mới được gọi là “Câu mây”, được phát triển ở Đức, những thiết bị này không cần phải bảo trì và sẽ cho gấp đôi sản lượng nước.
“Họ nói với tôi, ‘Chúng tôi giống như những nô lệ, và bây giờ chúng tôi được tự do.’ Đó là một sự thay đổi tuyệt vời, và họ cảm thấy tự hào khi tìm được cách lấy nước,” Bargach nói.
Những tấm lưới mau có thể tạo ra khoảng 6.000 lít nước mỗi ngày
Trong hai năm tới, dự án sẽ được nhân rộng ở 8 ngồi làng mới, sẽ có thêm khoảng 500 người được hưởng lợi.
Dar Si Hmad cũng mang ý tưởng thu sương mù đến những vùng khác ở Tây Nam Morocco, theo yêu cầu của các tổ chức địa phương, cung cấp nước sạch cho một mạng lưới rộng hơn những ngôi làng nông thôn Berber vốn bị áp lực về nước đè nặng.
Tham khảo CNN