Huawei Technologies đang cho xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển thiết bị bán dẫn khổng lồ ở Thượng Hải, theo Nikkei. Một trong những mục đích lớn lao là chế tạo máy in thạch bản - thiết bị quan trọng để sản xuất chip tiên tiến. Sự kìm kẹp của Mỹ đã hạn chế khả năng tiếp cận mặt hàng này của Huawei và vì vậy, nhà sản xuất đến từ Bắc Kinh phải tự mình khắc phục.
Đối với nhân sự làm việc tại trung tâm mới, Huawei tung ra gói lương cao gấp đôi các nhà sản xuất chip địa phương. Nhiều kỹ sư dày dặn kinh nghiệm làm việc với các nhà chế tạo công cụ chip hàng đầu toàn cầu đã được chiêu mộ, trong đó có những người từng 15 năm cống hiến cho các nhà sản xuất chip hàng đầu như TSMC, Intel và Micron.
Tuy nhiên, mức lương hào phóng đồng nghĩa với việc lao động Huawei phải dành thời gian cho nhà máy nhiều hơn bình thường.
“Làm việc với họ thật tàn bạo. Đó không phải là 996 nghĩa là làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần nữa, mà là 007. 007 tức là từ nửa đêm đến nửa đêm, bảy ngày một tuần. Không có ngày nghỉ”, một kỹ sư chip Trung Quốc nói với Nikkei Asia. “Hợp đồng có thời hạn ba năm, nhưng phần lớn mọi người không thể tồn tại cho đến lúc đó”.
Hạn chế từ phía Mỹ đã thúc đẩy nhiều nhà sản xuất chip Trung Quốc tìm kiếm sự lựa chọn thay thế trong nước. Naura, nhà cung cấp thiết bị bán dẫn hàng đầu đại lục, chứng kiến doanh thu tăng gấp 4 lần kể từ năm 2018. Huawei cũng phản ứng lại bằng cách tăng cường mạnh mẽ năng lực sản xuất trong nước.
Theo Nikkei, trung tâm R&D mới của công ty nằm ở quận Qingpu phía tây Thượng Hải, trong một khuôn viên rộng rãi. Nơi đây đặt trung tâm phát triển chip lớn và trụ sở mới của HiSilicon Technologies, đơn vị thiết kế chip của Huawei. Các trung tâm nghiên cứu về công nghệ không dây và điện thoại thông minh cũng điểm mặt.
Theo chính quyền Thượng Hải, tổng vốn đầu tư cho toàn bộ cơ sở R&D rơi vào khoảng 12 tỷ nhân dân tệ (1,66 tỷ USD), qua đó biến đây trở thành một trong những dự án hàng đầu thành phố vào năm 2024. Chi tiêu cho R&D của Huawei trong năm 2023 đạt mức cao kỷ lục 164,7 tỷ nhân dân tệ, chiếm 23,4% tổng doanh thu của hãng.
Được biết, khuôn viên có diện tích rộng bằng 224 sân bóng đá và lớn gần gấp đôi khuôn viên Ox Horn nổi tiếng. Sau khi hoàn thành, sức chứa nơi đây có thể lên tới hơn 35.000 công nhân công nghệ cao.
Trước khi Mỹ thêm Huawei vào danh sách đen thương mại, công ty này tập trung chủ yếu vào thiết kế chip và hợp tác với các đối tác sản xuất toàn cầu như TSMC và Globalfoundries. Sau khi khả năng tiếp cận công nghệ Mỹ bị hạn chế, Huawei chuyển sang hợp tác với nhà sản xuất chip Trung Quốc SMIC và các nhà phát triển chip địa phương. Theo các nhà phân tích, Huawei là một trong những công ty Trung Quốc tích cực nhất trong việc tận dụng các nhà cung cấp địa phương và đầu tư vào nhiều giải pháp thay thế trong nước.
Brady Wang, nhà phân tích chất bán dẫn của Counterpoint, cho biết Huawei đã nỗ lực nội địa hóa nguồn cung chip và chuyển sang sử dụng linh kiện địa phương từ các nhà cung cấp như BOE Technology và Omnivision. “Họ đã đầu tư nhiều hơn vào HiSilicon và giới thiệu chip cho điện thoại và máy chủ. Họ cố gắng nội địa hóa phần lớn chuỗi cung ứng chất bán dẫn của mình”, Brady Wang nói.
Theo Nikkei, hoạt động kinh doanh thiết bị viễn thông của Huawei, trọng tâm ban đầu của công ty, đã phát triển tốt bất chấp áp lực từ phía Mỹ. Điều này phần lớn đến từ vị trí dẫn đầu của Huawei trong việc xây dựng mạng 5G. Thị trường quê nhà khổng lồ đã giúp công ty bù đắp tổn thất kinh doanh tại những thị trường mà Mỹ gia tăng áp lực.
Nhờ hoạt động kinh doanh thiết bị viễn thông ổn định cùng doanh số điện thoại phục hồi, doanh thu Huawei tăng % lên hơn 700 tỷ nhân dân tệ vào năm 2023. Thành công mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc bởi nó cho thấy các công ty Trung Quốc đang bước đầu thành công trong việc sản xuất chất bán dẫn tiên tiến quy mô lớn.
Vai trò của Huawei trong ngành công nghiệp chip Trung Quốc vượt xa những gì các chuyên gia kỳ vọng. Ngoài việc là khách hàng quan trọng đối với các nhà sản xuất và thiết kế chip hàng đầu, Huawei còn có năng lực hỗ trợ tài chính cho các công ty nhỏ hơn trong chuỗi cung ứng.
Với các vi mạch xuất hiện trong mẫu điện thoại Mate 60 Pro của Huawei, tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC) hồi năm ngoái đã chứng minh được khả năng sản xuất chip tiên tiến. Việc đáp ứng mục tiêu xuất xưởng ít nhất 60 triệu chiếc điện thoại trong năm nay sẽ là bài kiểm tra căng thẳng.
Hiện Huawei đang thúc đẩy hoạt động thương mại và Mate 60 Pro chính là ‘bàn đạp’. Các nhà phân tích kỳ vọng doanh số bán thiết bị cầm tay sẽ tăng vọt lên 40 triệu đến 60 triệu chiếc vào năm tới.
“Các khoản trợ cấp sẽ giúp Huawei hạ giá sản phẩm”, Chris Miller, tác giả cuốn Chip War: The Fight for the World’s Most Critical Technology, cho biết. “Ở nhiều thị trường mới nổi, điều này có thể sẽ giúp hãng giành thị phần”.
Hỗ trợ nhà nước dành cho Huawei đã đạt đến độ ‘chưa từng có’, theo Bloomberg. Một mạng lưới các doanh nghiệp nhận vốn từ quỹ đầu tư chính phủ hiện đang tập trung giúp Huawei xây dựng mạng lưới chip tự cung ứng. Nhóm này bao gồm rất nhiều các chuyên gia quang học, nhà phát triển thiết bị chip và nhà sản xuất hóa chất. Kế hoạch nằm trong nỗ lực trị giá 30 tỷ USD nhằm giúp Huawei xây dựng thêm các cơ sở chế tạo chip.
“Huawei hiện là trung tâm. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đã thúc đẩy Trung Quốc và ngành công nghiệp xích lại gần nhau theo cách mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây”, Kendra Schaefer, đối tác của công ty tư vấn Trivium China có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết.
Theo: Nikkei Asia