Sự cố y khoa ở Hòa Bình: Chính các bác sĩ cũng cần được "cấp cứu"

Bác sĩ Wynn Huynh Tran (Hoa Kỳ) |

Bạn hãy hình dung cảnh xoa bóp ngoài lồng ngực một lượt cho gần chục người, tiếng kêu gọi ứng cứu hỗ trợ... để rồi bất lực nhìn bệnh nhân lần lượt ra đi trước mắt mình.

Trong khi chuyện 7/18 bệnh nhân tử vong một lúc sau khi chạy thận nhân tạo đang chờ các cơ quan chức năng tìm hiểu, thì các phái đoàn, quan chức lớn, chuyên viên y tế đã đến nơi tìm hiểu và rất nhiều bài báo đăng tin.

Nhưng có một chuyện ít được báo chí và mọi người quan tâm là cảm giác của những bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên chăm sóc các bệnh nhân này sau khi chuyện xảy ra...

Bạn hãy hình dung cảnh xoa bóp ngoài lồng ngực (CPR) một lượt cho gần chục người, tiếng kêu gọi ứng cứu hỗ trợ, những giọt mồ hôi nhỏ giọt trên mặt và cánh tay cứng lại vì mệt mỏi, để rồi bất lực nhìn từng bệnh nhân lần lượt ra đi trước mắt mình... Ai mà không sốc, nhất là các bác sĩ và điều dưỡng đã từng chăm sóc các bệnh nhân này...

Khi bệnh nhân tử vong bất ngờ (như trường hợp này), các bệnh viện ở Mỹ đều có các quy trình (protocol) để phân tích tìm hiểu, trong đó có cách chăm sóc và theo dõi các bác sĩ, điều dưỡng bị shock tinh thần, mệt mỏi và trầm cảm sau này.

Các nghiên cứu cho thấy việc theo dõi và tư vấn trầm cảm cho nhân viên y tế trong những trường hợp như vậy là hết sức quan trọng vì các ám ảnh này sẽ mang theo họ suốt đời. Ngoài ảnh hưởng về tâm lý, các bác sĩ và điều dưỡng còn có thể bị ảnh hưởng về chuyên môn vì họ sẽ ngại khi gặp những ca như vậy sau này.

Sự cố y khoa ở Hòa Bình: Chính các bác sĩ cũng cần được cấp cứu - Ảnh 1.

Tại Mỹ, nghiên cứu cho thấy ngay cả tại khoa ung thư di căn và các bệnh kỳ cuối, khi mà cuộc sống của bệnh nhân chỉ tính bằng ngày, thì việc tử vong bất ngờ của bệnh nhân cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến các bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc họ. 

Và vì thế, tử vong bất ngờ ở các chuyên khoa nhẹ hơn như chạy thận nhân tạo chẳng hạn, còn để lại hậu quả nặng hơn nhiều.

Đặc biệt, tử vong bất ngờ ở trẻ em là một trong những sai sót để lại hậu quả nặng nề nhất cho nhân viên y tế, nặng không thua gì gia đình bệnh nhân.

Lần đầu tiên bệnh nhân của tôi tử vong đột ngột, tôi rơi vào trạng thái thẫn thờ gần hai tuần và không thể rời khỏi suy nghĩ về bác mặc dù đã biết tiên lượng của bác rất xấu. 

Cũng may là các đồng nghiệp luôn hỏi thăm và khuyến khích tôi nói ra những suy nghĩ của mình. 

Tôi đã mau chóng hồi phục vì nhận được sự quan tâm giúp đỡ. Vì làm bác sĩ, khi có tai biến hoặc tử vong xảy ra thì câu đầu tiên mà ai cũng tự hỏi là: "Có phải do lỗi của mình không?" và "Mình đã có thể tránh phải không?". Dằn vặt này rất sâu sắc.

Một bác sĩ nội trú chuyên khoa tâm thần vùng Michigan đã phải xin nghỉ làm 6 tháng vì bị trầm cảm nặng sau khi bệnh nhân tự tử trong ca trực, mặc dù phân tích sau này cho thấy bác sĩ không có lỗi gì cả. Bệnh viện sau đó đã chỉnh sửa lại quy trình để tránh các trường hợp trầm cảm nặng như của anh.

Có cô y tá kia ở California đã định bỏ nghề khi một bệnh nhân sơ sinh của cô mất đột ngột lúc 4 tuần tuổi. Cô bỏ làm y tá một thời gian, được trị liệu theo dõi, cuối cùng sau khi được chữa khỏi trầm cảm thì học lên điều dưỡng cấp cao (Advanced Nurse Practitioner) và quay trở lại làm chuyên khoa nhi sơ sinh.

Tất cả những trường hợp trên đều có một điểm chung là có sự chia sẻ, cảm thông và chăm sóc từ bệnh viện và đồng nghiệp khi sai sót xảy ra.

Tuy nhiên, việc chăm sóc và chữa trị cho nhân viên y tế sau khi bệnh nhân tử vong đột ngột không hề dễ dàng. Các nhân viên y tế (nhất là bác sĩ) thường có "cái tôi" lớn và ít khi nào chịu nhận mình yếu đuối và chịu nhận sự giúp đỡ. Họ thường ngại bị đồng nghiệp đánh giá sau khi chuyện xảy ra, nhất là về mặt chuyên môn.

Vì vậy, cách chăm sóc và theo dõi nhân viên y tế trong trường hợp bệnh nhân tử vong đột ngột cần có sự tôn trọng, khéo léo và liên tục. Có như vậy, nhân viên y tế mới dễ mở lòng và chia sẻ những ám ảnh của mình.

Trở lại câu chuyện 7/18, tôi nghĩ ngoài các người thân và bệnh nhân bị sốc, chính các bác sĩ và điều dưỡng chữa trị cũng đang bị sốc. Họ đang cần được chữa trị và tham vấn.

Các nhân viên ngành y cũng như bạn hay bất kỳ ai, cũng vui khi có quà, cũng giận khi bị nói xấu, và cũng khóc khi mất người thân.

Và quan trọng hơn, các lời đồn thất thiệt, các phỏng đoán mơ hồ, các "bác sĩ bàn phím" nên dừng lại để chờ thêm thông tin chính thức. Đừng gây thêm rối loạn và đau lòng nữa.

Bác sĩ Wynn Huynh Tran

(Tổ chức y khoa ViệtMD.net, Los Angeles, California, Hoa Kỳ)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại