Một cán bộ coi thi, cả sáng và chiều đều mang điện thoại vào phòng thi, chụp ảnh đề thi và tuồn ra ngoài mà không bị ai phát hiện. Sự cố vừa xảy ra trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội đúng là “vô tiền khoáng hậu”.
Bỏ qua cách dùng chữ “lọt đề” hay “lộ đề” mà Sở GDĐT Hà Nội giải thích cho việc “lộ bí mật quốc gia” này, cái quan tâm lớn nhất của hàng nghìn phụ huynh lúc này là con họ có được tham gia một kỳ thi bình đẳng không?
Những nỗ lực học ngày, học đêm có được ghi nhận một cách công bằng không? Người làm lọt đề thi và những người liên quan sẽ bị xử lý ra sao khi làm mất niềm tin và gây tâm hoang mang, lo lắng cho học sinh, phụ huynh?
Theo Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP.Hà Nội, vụ việc để lọt đề thi ở Hà Nội là một vụ việc có tính chất nghiêm trọng. Người làm lọt đề đã vi phạm quy chế thi và các quy định của pháp luật trong việc bảo mật đề thi.
Nhất là người để lọt đề thi ở đây lại là giám thị, các thầy cô giáo thì càng đáng trách và đáng phạt.
Thông tin ban đầu của Sở GDĐT Hà Nội, thầy giáo vi phạm là Nông Hoàng Phúc - giáo viên trường THCS Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội), giáo viên được điều động coi thi thay một người bị ốm. Giáo viên này đã thừa nhận chụp đề thi gửi cho đồng nghiệp ở cùng trường.
Cơ quan chức năng đang làm rõ thầy giáo này chuyển đề thi ra ngoài vào khoảng thời gian nào, cho ai, mục đích để làm gì.
Dù chưa rõ mục đích là gì, nhưng tại Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT, ban hành quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, Điều 48 có quy định rõ về mức xử lý cán bộ tham gia tổ chức thi và cá nhân liên quan khác vi phạm quy chế thi.
Theo đó, hành vi đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi sẽ bị buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chưa rõ động cơ tuồn đề thi của thầy Nông Hoàng Phúc là gì, nhưng hành động đó có thể sẽ khiến thầy đánh đổi bằng cả sự nghiệp, danh dự của mình, gia đình và tập thể.
Điều 48 Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT: Xử lý cán bộ tham gia tổ chức thi và cá nhân liên quan khác vi phạm quy chế thi
Người tham gia tổ chức thi là công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi), sẽ bị đình chỉ làm công tác thi và đề nghị cơ quan quản lý cán bộ áp dụng quy định của pháp luật về công chức, viên chức để xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:
….
d) Buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có một trong các hành vi sai phạm sau đây:
- Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi;
- Làm lộ đề thi, mua, bán đề thi;
- Làm lộ số phách bài thi;
- Sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh;
- Cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm;
- Đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh;
- Gian dối trong việc sửa chữa học bạ, hồ sơ của thí sinh.