Sự cố giáo trình in 'đường lưỡi bò', trường có nữ giảng viên Trung Quốc

Thái Bình - Nguyễn Hiền |

Xung quanh sự cố trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội để lọt giáo trình in "đường lưỡi bò", có ý kiến thắc mắc: Trường có giảng viên bản địa người Trung Quốc, làm việc tại khoa tiếng Trung - Nhật, sao lại để lọt lỗi lớn?

Trao đổi với VietNamNet, GS Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, nữ giảng viên này được ký hợp đồng với nhà trường vài tháng trước đây.

Hai sự việc hoàn toàn ngẫu nhiên?

Theo Phó trưởng Phòng Tổ chức cán bộ của nhà trường Vũ Kim Huyền, nữ giảng viên nói trên được phân công dạy tiếng Trung tại khoa tiếng Trung - tiếng Nhật.

Nữ giảng viên này lấy chồng người Việt Nam nhưng vẫn mang quốc tịch Trung Quốc. Trong hồ sơ, lý lịch cán bộ cho thấy, cô có bằng cử nhân tiếng Việt do trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) cấp; đã có 10 năm kinh nghiệm dạy tiếng Nhật, có bằng tốt nghiệp một trường ĐH tại Trung Quốc… Vợ chồng cô sinh sống tại Việt Nam hơn chục năm qua.

Sự cố giáo trình in đường lưỡi bò, trường có nữ giảng viên Trung Quốc - Ảnh 1.

GS Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ

“Theo tiêu chí, yêu cầu sử dụng cán bộ, giảng viên của khoa và của nhà trường, chị này đều đáp ứng. Việc một người ngoại quốc làm việc, giảng dạy tại một cơ quan, tổ chức của Việt Nam là bình thường”, ông Hóa khẳng định.

Nguồn tin từ Bộ GD-ĐT cho hay, theo quy định về lao động nước ngoài trình độ cao của Bộ LĐ-TB&XH thì ĐH cũng là 1 cơ sở lao động có quyền ký hợp đồng với người nước ngoài nếu phù hợp chính sách lao động.

Tại Nghị định 86 của Chính phủ ban hành ngày 6/6/2018 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, tại điều 19 nêu rõ: Trình độ của giảng viên là người bản ngữ nước ngoài dạy kỹ năng ngoại ngữ phải có bằng ĐH trở lên và có chứng chỉ dạy ngoại ngữ phù hợp.

Thông thường giáo viên nước ngoài sẽ vào Việt Nam qua 3 trường hợp:

Một là, chương trình trao đổi khoa học, giảng viên. Họ chỉ cần lấy visa vào thông thường vì họ không làm việc lấy lương.

Hai là, giáo viên đi theo các chương trình liên kết hợp tác song phương thì sẽ đi theo nội dung của chương trình đó. Trường hợp này sẽ có giáo viên nhận lương và có giáo viên không có lương..

Ba là, giáo viên được thuê giảng dạy như một số trường quốc tế, hoặc đại học tư. Những giáo viên diện này này cần xin giấy phép lao động.

Tuy nhiên, ở Trường ĐH Kinh doanh - Công nghệ Hà Nội, nữ giảng viên lấy chồng người Việt Nam, vợ chồng cô sinh sống tại Việt Nam hơn chục năm qua. Trong trường hợp này, nữ giảng viên là người định cư ở Việt Nam và có quyền lao động như người Việt Nam, không cần giấy phép. Người nước ngoài định cư dài hạn ở Việt Nam vì lý do gia đình được hưởng mọi quyền lợi lao động như người Việt Nam.

GS Vũ Văn Hóa cho biết thêm, nữ giảng viên Trung Quốc không giữ chức danh lãnh đạo gì trong trường hay trong khoa, chỉ thuần túy là giảng viên dạy tiếng Trung.

"Do đó, việc để lọt giáo trình in 'đường lưỡi bò' vào giảng dạy và hợp đồng với giảng viên người Trung Quốc là hai sự việc hoàn toàn ngẫu nhiên chứ không liên quan" - ông Hóa khẳng định.

Cho thôi việc cán bộ photo tài liệu

Sau khi để xảy ra sự việc giáo trình giảng dạy tại khoa tiếng Trung - tiếng Nhật có in “đường lưỡi bò”, nhà trường đã có công văn giải trình với Bộ GD-ĐT.

Theo ông Hóa, đây là một sự cố đáng tiếc, không ai có chủ ý.

“Hàng năm nhà trường có cử sinh viên đi nước ngoài kiến tập theo chương trình hợp tác với các ĐH trong và ngoài nước.

Việc giáo trình giảng dạy tại khoa tiếng Trung - tiếng Nhật được phát hiện có in hình 'đường lưỡi bò' vừa qua là sự cố đáng tiếc, nằm ngoài sự kiểm soát của nhà trường”, ông Hóa nói.

Theo đó, năm 2017, một sinh viên đi kiến tập tại một trường ĐH của Trung Quốc. Kết thúc thời gian kiến tập để về nước, các sinh viên được nhà trường tặng tài liệu này có tính chất tham khảo.

“Em sinh viên này về có bàn giao lại cho nhà trường. Năm nay, vào đầu năm học mới, khoa tiếng Trung - tiếng Nhật mới mang ra sử dụng và không để ý có chi tiết 'đường lưỡi bò' được in trong tài liệu này".

Ông Hóa cũng giải thích thêm, việc photocopy nhằm mục đích tiết kiệm cho sinh viên, thay vì bỏ hàng trăm ngàn đồng để mua tài liệu thì chỉ phải bỏ ra 30 ngàn đồng/cuốn.

“Nhà trường đã nghiêm túc chấn chỉnh sau sự việc. Cán bộ trực tiếp photo tài liệu bán cho sinh viên đã bị chấm dứt hợp đồng lao động, cho nghỉ việc. Cá nhân thầy trưởng khoa sẽ nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo”, GS Hóa cho hay.

Thu hồi và tiêu hủy hơn 700 cuốn giáo trình

Trước đó, trong một sự kiện liên kết, một sinh viên của khoa tiếng Trung - tiếng Nhật đã được đối tác phía Trung Quốc tặng cuốn sách "Developing Chinese" do ĐH Ngôn ngữ Bắc Kinh phát hành. Đây là cuốn sách trong đó có bản đồ “đường lưỡi bò” tại trang 36.

Theo quy định của trường, với những tài liệu các khoa mua bên ngoài về làm giáo trình thì phải được hội đồng khoa học của trường thẩm định và quyết định cho phép được sử dụng để giảng dạy trong trường hay không.

Với cuốn "Developing Chinese" và một tài liệu tiếng Trung khác, khoa tiếng Trung - tiếng Nhật đã tự ý bỏ qua bước này, để cho hội đồng khoa học của khoa tự đánh giá, sau đó photocopy và bán cho sinh viên với giá 30.000 đồng/cuốn.

“Chúng tôi nghiêm khắc nhận khuyết điểm để xảy ra sự việc nói trên. Khoảng 700 bản photocopy đã được thu hồi và mang tiêu hủy” - ông Hóa nhìn nhận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại