Các nhân viên y tế đang kiểm tra vaccine Sputnik V của Nga ở Buenos Aires. Ảnh: Reuters
Trong khi Nhà Trắng mất tới hàng tuần liền tranh luận về việc làm thế nào để phản hồi những lời kêu gọi tài trợ vaccine ngừa Covid-19 và các trang thiết bị chống dịch khác từ hàng chục nước, thì Nga và Trung Quốc đã tận dụng việc viện trợ vaccine do chính mình sản xuất để đổi lấy những nhượng bộ chính trị từ các nước đang cần giúp đỡ.
Theo một số quan chức cấp cao của Mỹ, Trung Quốc đang gây sức ép với giới chức gần 50 nước nhận vaccine viện trợ để họ phải thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan. Trong khi đó, Nga đang sử dụng vaccine Sputnik V để thúc đẩy quan hệ với các nước Nam Mỹ.
Bảo vệ công dân trước khi giúp các nước khác
Tổng thống Joe Biden khi lên nắm quyền đã cam kết đưa Mỹ trở thành nước đi đầu trên toàn cầu trong phòng chống đại dịch. Tuy nhiên Nhà Trắng cũng nhấn mạnh Mỹ cần phải bảo vệ các công dân của mình trước khi trợ giúp các nước khác. Cho dù Mỹ quyết định như thế nào, điều đó cũng sẽ giúp xác định Washington có thực hiện cam kết khôi phục vai trò lãnh đạo trên toàn cầu của nước này hay không.
“Chúng ta không cần những liều vaccine [AstraZeneca] này. Đó là lý do chúng tôi nói rằng nên gửi chúng cho các nước khác. Nhưng chúng ta cần phải hành động nhanh chóng để đưa các liều vaccine cùng các nguồn cung cấp y tế khác tới những nước đang phải vật lộn đối phó với đại dịch”, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói.
Các nhà ngoại giao Mỹ ở Nam Phi, Trung Đông và châu Phi đã nhận được nhiều đề nghị từ giới chức nước sở tại về trợ giúp đối phó dịch Covid-19, trong đó có cả vaccine, thuốc men, các thiết bị bảo hộ cá nhân.
Cơ quan Ngoại vụ đã vận động Bộ Ngoại giao Mỹ đưa vaccine tới các nước khác trong bối cảnh các biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao hơn đang ảnh hưởng tới người dân các nước trên thế giới.
Trong số những nước đề nghị Mỹ viện trợ vaccine, có cả đồng minh của Mỹ ở châu Á như Philippines. Nước này đã nhận các lô vaccine ngừa Covid-19 do Trung Quốc sản xuất.
Trong khi đó, các quan chức Bộ ngoại giao Mỹ, Hội đồng an ninh quốc gia, Nhà Trắng, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) vẫn còn đang tranh cãi xem tỷ lệ lây nhiễm ở Mỹ có đủ thấp để chính quyền có thể chia sẻ vaccine cho những nước khác hay không.
Một số nước đã bắt đầu nhận các lô vaccine ngừa Covid-19 của Mỹ thông qua COVAX. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao trong chính quyền nói rằng Mỹ cần phải làm nhiều hơn nữa để phân phối các liều vaccine AstraZeneca mà nước này không cần đến.
Cuối tháng 4 vừa qua, một số quan chức cho biết, đến ngày 4/7 tới Mỹ sẽ chia sẻ khoảng 60 triệu liều vaccine AstraZeneca.
Mỹ đã gửi hàng triệu liều vaccine AstraZeneca tới Canada và Mexico dưới dạng các khoản vay. Nhưng một số quan chức nói rằng, Mỹ không thể chuyển nhiều hơn vaccine ra nước ngoài cho đến khi Cơ quan quản lý thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho phép xuất khẩu vaccine AstraZeneca sản xuất tại một nhà máy ở Baltimore theo hợp đồng với nhà sản xuất Emergent BioSolutions.
Cơ sở này đang bị đưa vào “tầm ngắm” từ tháng 3, khi vô tình làm hỏng 15 triệu liều vaccine của Johnson & Johnson cũng được sản xuất tại đó.
FDA hiện đang kiểm tra các liều AstraZeneca sản xuất tại đây để đảm bảo an toàn. Mỹ sẽ chuyển những liều vaccine này đi ngay khi có xác nhận.
Viện trợ không dựa trên yếu tố chính trị?
Những rào cản khác đối với chính quyền Biden là làm thế nào để phân bổ các liều vaccine dựa trên các tiêu chí rõ ràng, tránh việc viện trợ đi kèm với yếu tố chính trị.
Trong một phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại thượng viện hôm 12/5, ông Gayle Smith, điều phối viên về đối phó dịch Covid-19 tại Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói rằng Mỹ sẽ không phân bổ các nguồn lực chống Covid-19 “như một công cụ để giành ảnh hưởng”.
“Điều đầu tiên và quan trọng nhất là chúng ta cần phải tin chắc vào các nỗ lực vaccine của chính chúng ta ở trong nước – tới điểm mà chúng ta có thể làm nhiều hơn bên ngoài biên giới. Hiện chúng ta đang ở vị thế có thể làm nhiều hơn ở phạm vi bên ngoài biên giới, và đó chính xác là những gì chúng ta sẽ làm để lãnh đạo thế giới phản ứng trước đại dịch Covid-19”, quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao nói.
Trong khi COVAX đã ký các thỏa thuận gần đây với Moderna và Novavac để gia tăng nguồn cung vaccine cho các nước, giới chức Mỹ đã tính toán rằng có những cách khác giúp Mỹ nhanh chóng gửi các liều vaccine cho nước ngoài. Tuy nhiên, Washington vẫn đang thảo luận xem sẽ gửi các liều vaccine từ kho dự trữ có sẵn hay sẽ tìm cách phân phối vaccine từ các cơ sở khác.
Một trong số các lựa chọn là đề nghị một công ty dược phẩm sản xuất các liều vaccine cho những nước có nhu cầu và Mỹ sẽ trợ giá. Quá trình này sẽ mất tới vài tháng để hoàn thành.
Một lựa chọn khác là dành riêng các liều vaccine AstraZeneca sản xuất tại Mỹ trong tương lai và đưa chúng tới các nước trên thế giới ngay khi chất lượng được kiểm chứng. Tuy nhiên, AstraZeneca vẫn đang trong quá trình đàm phán với một đối tác sản xuất mới ở Mỹ thay cho Emergent.
“Nhu cầu vaccine là rất lớn trên khắp thế giới. Thành thực mà nói, chúng ta vẫn chưa đưa ra quyết định vì các tiêu chí phân bổ những liều vaccine đó. Tôi nghĩ điều mà chúng ta cần khoanh vùng tập trung là làm thế nào để viện trợ vaccine tới nhiều nước hơn và nhanh chóng hơn”, ông Smith nói hôm 12/5.
Bộ Ngoại giao, cùng với Hội đồng an ninh quốc gia và USAID đang xem xét hàng chục đề nghị từ các nước trên khắp thế giới – tất cả đều được đưa vào một danh sách theo dõi. Danh sách này bao gồm các thông tin cụ thể như: những nước nào đã đề nghị, Mỹ đã cam kết gì và chính quyền đang tiến hành phân bổ những gì.
Dù vậy, quyết định ai xếp trước, ai xếp sau lại là một quy trình phức tạp. Các quan chức phải xem xét một loạt yếu tố, trong đó có tỷ lệ mắc Covid-19, tỷ lệ tử vong, nước cụ thể nào đã có bao nhiêu liều vaccine, họ muốn được viện trợ thêm những gì và năng lực của họ ra sao trong việc kiểm soát đại dịch.
Những tính toàn này cũng không đơn thuần chỉ là những nhu cầu của nước ngoài, nó còn bao gồm cả yếu tố chính trị nội bộ của Mỹ.
Tổng thống Biden từng bày tỏ ý định gửi ít nhất 60 triệu liều vaccine ban đầu tới Ấn Độ. Trong khi đó, các quan chức cấp cao lại nói rằng quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra và Mỹ đang ngày càng lo ngại về các nước Nam Á, đặc biệt là Nepal.
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại thượng viện hôm 12/5, Jeremy Konyndyk, Giám đốc điều hành lực lượng ứng phó với Covid-19 của USAID, nói rằng nhóm của ông đánh giá Nepal là nước cần được ưu tiên cao nhất sau Ấn Độ.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ muốn tập trung vào việc trợ giúp các nước láng giềng giáp biên giới với Mỹ và các nước ở Bắc Bán cầu./.