Sự “cầu toàn” của Mỹ tạo ra những khoảng trống bất ổn trong trật tự thế giới

Trung Hiếu |

Học giả Mỹ Carpenter cho rằng nước này cần thực tế hơn trong chính sách đối ngoại để tránh gây ra những điều ngoài mong muốn, tệ hại hơn cả mục tiêu họ hướng tới. Theo ông, những nơi bị Mỹ can thiệp thường rơi vào trạng thái bất ổn.

Chủ nghĩa can thiệp

Từ đầu thập niên 1990, Mỹ đã can thiệp quân sự hoặc thậm chí phát động chiến tranh ở nhiều khu vực vì các lý do khác nhau. Danh sách các nơi Mỹ can thiệp rất dài: Kuwait, Somalia, Bosnia, Kosovo, Afghanistan, Iraq, Libya, Syria và gần đây nhất là Ukraine.

Đấy là chưa kể “các cuộc chiến tranh UAV” của Mỹ ở Pakistan và các nước khác.

Sự “cầu toàn” của Mỹ tạo ra những khoảng trống bất ổn trong trật tự thế giới - Ảnh 1.

Máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ. Ảnh: Không quân Mỹ.

Giới chức Mỹ đã viện dẫn nhiều lý do chiến lược và đạo lý cho hoạt động can thiệp của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi Mỹ ra tay can thiệp, nhiều nước và khu vực đã trở nên bất ổn, tình trạng di cư tị nạn ồ ạt trở nên trầm trọng và các phần tử cực đoan chính trị trỗi dậy. Hầu hết các cuộc “thập tự chinh” như vậy đã khiến tình hình thực địa tệ hại hơn.

Đáng chú ý, xu hướng can thiệp đó vẫn không có nhiều thay đổi. Theo Ted Galen Carpenter của Viện Cato, hầu hết các quan chức cấp cao về chính sách đối ngoại của Mỹ chưa có dấu hiệu rút ra bài học xương máu từ các rắc rối trước đây.

Mỹ cần tư duy thực tế hơn?

Tác giả Carpenter cho rằng giới chức Mỹ nên chấp nhận một tình huống không hoàn hảo, thậm chí là khó chịu, nhằm tránh tạo ra một thảm kịch.

Liên hệ đến xung đột Nga - Ukraine hiện nay, Carpenter cho rằng bước đi tốt lành đầu tiên sẽ phải là Washington thừa nhận rằng việc nhất quyết mở rộng khối quân sự NATO đồng nghĩa với giẫm đạp lên các lợi ích an ninh của Nga và xúc tác cho cuộc xung đột thảm họa ở Ukraine. Một khi đã thừa nhận được như vậy, bước logic tiếp theo sẽ phải là hỗ trợ đàm phán một thỏa thuận hòa bình đảm bảo Ukraine thực sự trung lập.

Theo Carpenter, giải pháp không hoàn hảo (nhưng cần thiết) ở đây như sau: Mỹ và phương Tây phải để cho Nga kiểm soát cả bán đảo Crimea và vùng Donbass, và để cho Ukraine nằm trong vùng ảnh hưởng của Moscow. Theo Carpenter, đây là giải pháp không lấy gì làm dễ chịu nhưng vẫn trong ngưỡng chấp nhận được. Tác giả này chỉ ra rằng, thay vì lựa chọn cách tiếp cận mang tính thực tế đó, Mỹ lại đang sử dụng Ukraine như một đại diện ủy nhiệm của NATO trong cuộc đối đầu vũ trang với Nga. Tác giả Carpenter đánh giá, cách tiếp cận đó tạo ra nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột đẫm máu kéo dài nhiều năm, thậm chí có thể leo thang thành một cuộc chiến trực tiếp giữa NATO và Nga, với khả năng huy động cả vũ khí hạt nhân.

Quá khứ can thiệp của Mỹ và các hệ quả

Thay vì để Nam Tư tan rã trong thập niên 1990 theo một cách tự nhiên, Mỹ đã dẫn dắt cuộc can thiệp quân sự của NATO để duy trì nước Bosnia và để chia cắt tỉnh Kosovo ra khỏi Serbia.

Saddam Hussein từng là một nhân vật có giá trị đối với Mỹ. Nhưng sau khi Tổng thống Saddam đưa quân chiếm Kuwait mà không được sự cho phép của Mỹ, Mỹ đã đáp trả bằng cách đánh bật quân đội của Iraq ra khỏi Kuwait và gây ra các tổn thất lớn cho cơ sở hạ tầng của Iraq. Nhưng Mỹ không dừng lại ở đó. Họ tiếp tục ra tay, ngay cả khi hành động của họ tạo ra các bất ổn trên khắp Trung Đông. Dưới thời Tổng thống George W. Bush, Mỹ phát động một cuộc chiến mới ở Iraq và đã lật đổ chế độ của ông Saddam.

Saddam là một nhà lãnh đạo hà khắc. Tuy nhiên, ông cũng là một chính trị gia thế tục có đầu óc thực tế và khả năng cai quản hiệu quả. Saddam đã thành công trong việc kiểm soát chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Thời kỳ hậu Saddam, Iraq rơi vào trạng thái hỗn loạn thực sự, với cuộc nội chiến giữa các giáo phái Sunni và Shiite từ năm 2005-2007, và sau đó là sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Hồi giáo khét tiếng IS vào thời kỳ của chính quyền Tổng thống Mỹ Obama. Khi ấy, có thời điểm IS kiểm soát gần 1/3 lãnh thổ Iraq, bao gồm thành phố lớn thứ 2 của Iraq - Mosul. Cho tới tận ngày nay, chính quyền Iraq ở Baghdad vẫn nắm quyền một cách bấp bênh.

Như vậy, chính sách của Mỹ đối với Iraq đã phá hoại sự ổn định do Saddam tạo dựng trước đó, đẩy Iraq rơi vào trạng thái nguy hiểm và bất ổn triền miên.

Kết cục ở Libya còn khủng khiếp hơn nữa. Vào năm 2011, Mỹ và vài nước NATO như Anh và Pháp đã giúp lực lượng phiến quân lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ăn mừng việc phiến quân lật đổ rồi giết chết Gaddafi...

Với việc Gaddafi bị loại bỏ, Libya bị đẩy vào hơn một thập kỷ hỗn loạn kinh hoàng. Sau khi NATO can thiệp quân sự vào Libya, đã có các cuộc di cư ồ ạt từ Libya sang châu Âu. Đã có thông tin về các chợ buôn nô lệ da đen ngoài trời, với nô lệ là người di cư da đen. Cho đến nay, Libya vẫn trong trạng thái nội chiến giữa chính phủ chính thức ở Tripoli và lực lượng nổi dậy của Nguyên soái Khalifa Haftar.

Chính sách của Mỹ ở Syria cũng đem lại kết quả không khá hơn. Mỹ giúp Saudi Arabia, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các hoạt động lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nội chiến Syria sau đó đã khiến hơn 300.000 người Syria thiệt mạng, và khoảng 6,8 triệu người Syria khác phải đi tị nạn, từ đó gây ra căng thẳng chính trị - xã hội ở châu Âu. Như vậy, với việc từ chối chấp nhận một nhà lãnh đạo thân Iran ở Syria, Mỹ đã khiến Syria trở thành một nơi tan hoang, thuận lợi cho các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Từ thực tế trên, tác giả Carpenter cho rằng giới hoạch định chính sách của Mỹ cần hết sức thận trọng trước cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay. Theo ông, nếu vấn đề Ukraine không được xử lý ổn thỏa thì hậu quả của cuộc xung đột này có thể còn khủng khiếp hơn rất nhiều so với những gì xảy ra ở vùng Balkan, Iraq, Libya và Syria./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại