Su-57 Nga trang bị loại vũ khí cực kỳ lợi hại: Chưa từng có tiền lệ!

Trung Phạm |

DIRCM đặc biệt phát huy hiệu quả trong việc đối phó với các vũ khí tầm nhiệt như dòng tên lửa không đối không AIM-9 của Mỹ hay hệ thống đất đối không 9K32 Strela-2.

Chiếc máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su-57 đã được Không quân Nga tích hợp rất nhiều công nghệ mới, mang tính đột phá. Có thể kể đến ở đây là hệ thống đẩy vector mới, các loại vũ khí siêu thanh hay tên lửa không đối không K-77 dẫn đường bằng radar quét mảng pha điện tử chủ động.

Trước đây, Su-35 thế hệ 4++ của Nga vẫn được đánh giá là dòng máy bay chiếm ưu thế trên không uy lực nhất thế giới. Tuy nhiên, sự ra đời của Su-57 với các khả năng tác chiến vượt trội, Su-35 chắc chắn sẽ sớm phải nhường ngôi.

Một trong những công nghệ mới, tuy ít nhận được sự chú ý nhưng sẽ giúp Su-57 có thể "làm thay đổi cuộc chơi" trong các trận giao chiến trên không tầm gần chính là Hệ thống phòng vệ chống tên lửa tầm nhiệt di động (DIRCM).

Su-57 Nga trang bị loại vũ khí cực kỳ lợi hại: Chưa từng có tiền lệ! - Ảnh 1.

Tiêm kích thế hệ 5 Su-57 của Nga bay trình diễn

Giống như phần lớn các dòng máy bay chiến đấu thế hệ 5 khác, chẳng hạn như F-22 Raptor của Mỹ, Su-57 cũng được tích hợp một số công nghệ tiên tiến phục vụ mục đích cảnh báo các vụ tấn công tên lửa của kẻ thù.

Nhưng không giống với Raptor, Su-57 còn trang bị các tháp phóng laser có chức năng "chọc mù" tên lửa đối phương. Đây được xem là một "tài sản vô giá" giúp Su-57 thực hiện cả nhiệm vụ không đối không và xâm nhập mạng lưới phòng không của kẻ thù, đồng thời là một sự bổ sung đáng kể cho tính năng siêu cơ động của máy bay vốn dĩ đã rất khó đối phó.

DIRCM của Su-57 được lắp đặt ở cả phía trên và phía dưới khoang lái máy bay. Tất nhiên, những hệ thống phòng vệ dạng này trước đây đã từng được trang bị cho các máy bay vận tải cỡ lớn như C-17 của Mỹ, nhưng việc việc thu nhỏ chúng và lắp đặt cho một chiến đấu cơ với khung sườn nhỏ như Su-57 là điều chưa từng có tiền lệ.

Ngay cả các lực lượng vũ trang Nga cũng đã triển khai DIRCM trên các máy bay trực thăng cỡ lớn nhưng kích thước của chúng không thể nào được nén một cách nhỏ gọn như từng thấy trên Su-57.

DIRCM đặc biệt phát huy hiệu quả trong việc đối phó với các vũ khí tầm nhiệt như dòng tên lửa không đối không AIM-9 của Mỹ hay hệ thống đất đối không 9K32 Strela-2.

Nga đã tích lũy được kinh nghiệm phong phú trong việc chống trả các loại tên lửa dẫn đường hồng ngoại, chẳng hạn như hệ thống phòng không vác vai (MANPADS), vũ khí đã từng gây tổn thất không ít cho các máy bay Nga tham gia cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.

Đây có thể là một trong những lý do để Nga tính hợp DIRCM cho Su-57 dù loại tiêm kích thế hệ 5 này được phát triển chủ yếu phục vụ yêu cầu tác chiến không đối không trong môi trường công nghệ cao. Nhưng thực tiễn chiến trường cho thấy, nhiệm vụ đối phó với MANPAD không thể coi thường.

Su-57 Nga trang bị loại vũ khí cực kỳ lợi hại: Chưa từng có tiền lệ! - Ảnh 2.

Một chuyến bay thử nghiệm của Su-57. Ảnh: Sputnik

Các hệ thống DIRCM được lắp đặt cả ở dưới bụng và phía trên khung sườn Su-57 cho thấy rõ chủ đích sử dụng của chúng: Đối phó cả với các vụ tấn công từ trên không và dưới mặt đất.

Điều này khá thống nhất với nguyên lý thiết kế tổng thể của Su-57: Phát huy tối đã tính năng cơ động, khả năng tàng hình ở mức có giới hạn và triệt để tận dụng các hệ thống tác chiến điện tử hiện đại sẽ giúp máy bay tránh được các vụ tấn công tên lửa tầm xa, tấn công trong tầm nhìn hoặc cận tầm nhìn.

Do đó, khả năng "chọc mù" tên lửa dẫn đường hồng ngoại của kẻ thù là một ưu thế đặc biệt có giá trị vì những loại tên lửa như vậy thường được sử dụng cho các cuộc tác chiến không đối không tầm gần khi mà ứng dụng dẫn đường radar vẫn còn gặp không ít hạn chế.

Trên thực tế, có rất nhiều tên lửa không đối không sử dụng các hệ thống dẫn đường hồng ngoại đối diện với nguy cơ bị vô hiệu hóa bởi DIRCM. AIM-9X của Mỹ, AIM-132 của Anh, Python-5 của Israel hay R-73 của Liên Xô là những ví dụ điển hình.

Cũng cần thấy rằng, hiện nay R-73 được nhiều nước đối thủ tiềm ẩn của Nga ở Đông Âu như Ba Lan, Slovakia và Ukraine, đang triển khai.

Do vậy, một khi được trang bị khả năng vô hiệu hóa các tên lửa không đối không dẫn đường bằng hồng ngoại, Su-57 sẽ có thể lợi thế áp đảo trong các cuộc tác chiến không đối không. Đây có lẽ là tính năng ưu việt mà chưa một dòng tiêm kích đối thủ nào được trang bị ở giai đoạn phát triển nguyên mẫu.

Su-57 Nga tham gia chiến đấu tại Syria

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại