Theo Avia-Pro, tiêm kích Su-57 của Nga đã bay qua các căn cứ không quân của Mỹ ở bắc Iraq mà không bị phát hiện. Vụ việc xảy ra trong lần gần đây nhất Su-57 được triển khai tới Syria. Theo nguồn tin của Avia-Pro, Su-57 đã tự bay theo lộ trình riêng, chứ không được vận chuyển bằng máy bay vận tải An-124.
Nguồn tin này cho biết thêm rằng, do Thổ Nhĩ Kỳ không cho phép tiêm kích Nga hiện diện trên không phận nước này nên Su-27 phải bay tới căn cứ Hmeymim thông qua không phận Iraq. Sau khi bay qua vùng phía bắc Iraq, Su-57 tiến vào không phận Syria và bay ngay trên các căn cứ quân sự của Mỹ ở đây.
Xét theo lộ trình của Su-57 thì máy bay Nga đã bay qua ít nhất 3 căn cứ Mỹ tại Iraq và 3 căn cứ khác (cũng của Mỹ) ở Syria.
Một chuyên gia của Avia.Pro nhận định, cho tới gần đây, Mỹ vẫn chế nhạo Su-57 rằng nó không xứng với cái danh 'tàng hình' nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại khi tiêm kích Nga đã vượt qua hàng nghìn km, bay ngay trên đầu các căn cứ Mỹ tại Iraq và Syria mà không gặp trở ngại gì.
Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov xác nhận rằng các tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga đã thực hiện thành công giai đoạn thử nghiệm thứ hai trên thực tế ở Syria sau khi được đưa trở lại đây.
Theo tướng Gerasimov, kinh nghiệm từ các xung đột quân sự, đặc biệt là chiến dịch chống khủng bố tại Syria, đã thúc đẩy không quân Nga cải tiến những tính năng tác chiến của dòng Su-57.
Biên đội Su-57 hiện đã hoàn thành việc thử nghiệm hệ thống điều khiển, cảm biến và vũ khí trang bị trong khí hậu khô nóng khắc nghiệt tại Syria.
Song ông Gerasimov không tiết lộ số lượng Su-57 được triển khai tới Syria cũng như các nội dung thử nghiệm có bao gồm tác chiến thực tế và có làm nhiệm vụ chiến đấu ở Syria hay không.
Theo một số báo cáo chưa được xác nhận, trong năm 2020, Nga đang có kế hoạch tiếp tục đưa các tiêm kích Su-27 tới Syria để chuẩn bị cho giai đoạn thử nghiệm tiếp theo và lần này, Su-27 sẽ thực hiện các đợt tuần tra trên không.