Chiến công xuất sắc đó do những phi công kinh nghiệm của Trung đoàn Không quân tiêm kích 935 thực hiện vào ngày 27/05/2007 trên vùng biển duyển hải Nam Trung Bộ.
Mặc dù đây là lần đầu tiên máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2 bắn đạn thật tên lửa diệt hạm Kh-31A, nhưng chính nhờ trình độ, bản lĩnh, sự rèn luyện nghiêm túc của phi công và sự chuẩn bị chu đáo của các thành phần đảm bảo nên"trận đánh" diễn ra một cách hoàn hảo.
Được biết, chiếc Su-30MK2 mang phóng tên lửa lần này là 1 trong 4 máy bay Su-30MK2 đầu tiên của Không quân Việt Nam đặt mua năm 2003 và mới được chuyển giao trong giai đoạn 2004-2005.
Ngay sau khi tiếp nhận máy bay chiến đấu đa năng, các phi công tiêm kích thuộc Trung đoàn Không quân 935 đã nhanh chóng học tập, làm chủ vũ khí trang bị mới, hiện đại.
Chẳng bao lâu sau họ sẵn sàng cho cuộc sát hạch lớn - bắn đạn thật tên lửa diệt hạm siêu âm Kh-31A, để đánh giá trình độ sẵn sàng chiến đấu của đội ngũ phi công.
1 trong 4 máy bay tiêm kích đa năng SU-30Mk2 đầu tiên của Không quân Việt Nam. Ảnh: QĐND.
Cân nhắc từng ly từng tí
Với nhiều quốc gia có tiềm lực về tài chính, công nghệ quốc phòng thì việc bắn đạn thật của họ đều diễn ra một cách dễ dàng. Nhưng đối với Việt Nam thì khác rất nhiều. Lúc bấy giờ (2007), máy bay có, tên lửa có, nhưng mục tiêu thì lại là vấn đề khá nan giải.
Mỗi quả đạn tên lửa phóng đi là "cuốn" theo rất nhiều kinh phí, trong điều kiện ngân sách của còn eo hẹp, mỗi lần diễn tập bắn đạn thật, nhất là với không quân, hải quân và tên lửa phòng không đều đòi hỏi những sáng tạo rất lớn.
Các chỉ huy cấp cao phải tính toán mọi việc từ lớn nhất đến nhỏ nhất, sao cho phải vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ, diệt mục tiêu ngay từ quả đạn đầu, an toàn về người và vũ khí trang bị, lại vừa đảm bảo tiết kiệm.
Vậy mà chúng ta đã làm được cả hai điều đó một cách xuất sắc.
Bia nổi do Viện Kỹ thuật PK-KQ thiết kế phục vụ bắn tên lửa Kh-31A. Ảnh: Bình Nguyên.
Tàu "lạ"
Máy bay tiêm kích hiện đại vũ khí có điều khiển chính xác, nhưng mục tiêu sẽ là gì? Để giải quyết vấn đề này, Viện Kỹ thuật PK-KQ đã nghiên cứu, chế tạo thành công mục tiêu cho tên lửa Kh-31A phóng đi từ máy bay Su-30MK2.
Theo thống số kỹ thuật của nhà sản xuất, Kh-31A là loại tên lửa hành trình chống tàu mặt nước với tầm bắn tới 50km và có khả năng đạt vận tốc Mach 3.5.
Việc trang bị cho máy bay tiêm kích mới loại tên lửa chống hạm siêu âm đầy uy lực cho phép Không quân ta mở rộng phạm vi săn diệt các mục tiêu mặt nước ở những vùng biển rất xa, trong bán kính chiến đấu của Su-30MK2.
Mục tiêu đó chính là một bia nổi, được các kỹ sư giàu kinh nghiệm của Viện Kỹ thuật PK-KQ nghiên cứu chế tạo theo dạng hình cầu sao cho khuếch đại tín hiệu điện từ để radar trên máy bay và đầu dò của tên lửa phát hiện được từ cự ly xa nhất.
Sau đó, bia nổi này đã được gắn lên một con tàu cũ đã đến tuổi "rã ra làm sắt vụn", rồi được tàu kéo lai dắt ra khu vực "trường bắn trên biển" đã định.
Công tác chuẩn bị đã hoàn tất, các máy bay đã có những chuyển bay huấn luyện với mục đích bắt thử mục tiêu và thực hành phóng tên lửa theo phương án giả định. Tất cả đều ổn, đảm bảo "đánh thắng". Mọi thứ đã sẵn sàng.
Ngày "N" đã đến. Đó chính là ngày 27/05/2007, giờ "G" đã điểm, mặc dù thời tiết tại khu vực mục tiêu chưa phải là tối ưu nhưng Chỉ huy cuộc diễn tập vẫn quyết đoán, cho biên đội tiêm kích Su-30MK2 xuất kích.
"Nhân vật đặc biệt" - chiếc Su-30MK2 trước đó đã được lắp cùng lúc 2 quả tên lửa diệt hạm siêu âm Kh-31A do cặp đôi phi công dày dạn kinh nghiệm, có trình độ và bản lĩnh chiến đấu cao điều khiển là Phan Xuân Tình (nay là Đại tá) và Nguyễn Văn Phượng.
Mặc dù mang tới 2 quả tên lửa Kh-31A, nhưng yêu cầu cao nhất lúc bấy giờ là làm sao chỉ cần bắn duy nhất 1 quả diệt mục tiêu. Chính điều đó đã đặt áp lực rất lớn lên những phi công của Trung đoàn 935.
Thật tuyệt vời, phát huy truyền thống "ra quân đánh thắng trận đầu" của Không quân tiêm kích Việt Nam, các anh đã một lần nữa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đại tá phi công Phan Xuân Tình (Trung đoàn phó - Tham mưu trưởng Trung đoàn KQ 935) trên buồng lái máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Theo đường bay đã định, đến cự ly thích hợp, các phi công kiểm tra thông số, radar trên máy bay, tín hiệu đầu dò tốt, Sở chỉ huy (SCH) ra lệnh phóng.
Phi công bấm nút, quả tên lửa diệt hạm Kh-31A rời khỏi giá treo xé gió vọt đi với tốc độ siêu âm. Ít giây sau đó, mục tiêu đã bị xóa sổ. Con tàu cũ nát mang bia nổi ấy đã vỡ tung khi uy lực khủng khiếp của quả tên lửa phá tung nó và chìm vào lòng biển.