Xe tăng T-90 của Ấn Độ tại lễ duyệt binh ở New Delhi. Ảnh: Bloomberg
Ấn Độ dự tính sẽ gia tăng sản xuất vũ khí trong nước nhằm giảm nhập khẩu và đề phòng việc thiếu hụt từ Nga.
Ấn Độ phụ thuộc gần 60% thiết bị quốc phòng của Nga, và vì vậy tình hình ở Ukraine càng khiến New Delhi khốn đốn vì mối lo thiếu nguồn cung trong tương lai.
Trước thực trạng này, Ấn Độ cho biết họ sẽ tăng cường sản xuất thiết bị quân sự, bao gồm máy bay trực thăng, động cơ xe tăng, tên lửa và hệ thống cảnh báo sớm trên không, để bù đắp bất kỳ sự thiếu hụt tiềm năng nào từ nhà cung cấp chính là Nga.
Mối lo thiếu thiết bị quốc phòng của Nga
Các quan chức Bộ Quốc phòng cho biết, Ấn Độ, với lục quân lớn thứ hai thế giới, không quân lớn thứ tư và hải quân lớn thứ bảy, vẫn phải duy trì nguồn lực thiết vị quốc phòng thông qua nhập khẩu.
"Mục tiêu của chúng tôi là phát triển Ấn Độ trở thành một trung tâm sản xuất quốc phòng", Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh cho biết hôm 7/4 trong khi công bố danh sách các thiết bị quân sự sẽ được sản xuất trong nước và không còn nhập khẩu.
Ấn Độ nhập khẩu vũ khí chủ yếu từ Nga. Ảnh: AP
Trang web của Bộ cho biết các đơn đặt hàng quân sự trị giá 2.100 tỷ rupee (28 tỷ USD) có thể sẽ về tay các nhà sản xuất quốc phòng tư nhân và nhà nước ở ngay trong nước trong 5 năm tới.
Cựu Trung tướng D.S. Hooda cho biết, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm Ấn Độ vào năm ngoái, hai bên đã quyết định chuyển một số ngành sản xuất sang Ấn Độ để đáp ứng yêu cầu của New Delhi.
Việc nhập khẩu máy bay trực thăng, tàu hộ tống, động cơ xe tăng, tên lửa và hệ thống cảnh báo sớm trên không từ Nga cũng sẽ bị tạm dừng.
Cựu tướng Hooda của Ấn Độ cho biết: "Cùng với các yêu cầu của quân đội Nga và cả những tổn thất mà họ đang phải gánh chịu, có thể chúng tôi phải chấp nhận thực tế một số phụ tùng cần thiết có thể sẽ bị chuyển hướng".
Các quan chức Bộ Quốc phòng cho biết, để đáp ứng các yêu cầu trong ngắn hạn, Ấn Độ có thể xem xét mua hàng từ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và các nước thuộc hiệp ước Warsaw.
Bulgaria, Ba Lan, Georgia, Kazakhstan và Ukraine có thể giúp Ấn Độ cung cấp nguồn cung cấp dự phòng cho máy bay chiến đấu Sukhoi và MiG-29 của Nga, đồng thời nâng cấp xe tăng và xe bọc thép, một quan chức giấu tên của Bộ trên nói.
Trong chuyến thăm gần đây tới Ấn Độ, Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar nói với người đồng cấp Anh Liz Truss rằng, hiện nay nước này nhấn mạnh vào thiết bị được "sản xuất tại Ấn Độ" và rằng "chúng ta càng hợp tác thì khả năng làm việc cùng nhau càng nhiều".
Hai bên đã thảo luận về các cách để tăng cường quan hệ quốc phòng Ấn-Anh, dường như để giảm sự phụ thuộc chiến lược của Ấn Độ vào Nga.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho đến nay đã xác định "danh sách tích cực hóa" hơn 300 mặt hàng với thời hạn cấm nhập khẩu để giúp các nhà sản xuất địa phương đáp ứng yêu cầu của lực lượng vũ trang trong những năm tới.
Lực lượng không quân của Ấn Độ có hơn 410 máy bay chiến đấu từ thời Liên Xô và Nga với sự kết hợp của các nền tảng nhập khẩu và được cấp phép chế tạo, bao gồm cả Su-30, MiG-21 và MiG 29. Tất cả đều yêu cầu phụ tùng và linh kiện của Nga.
Ấn Độ cũng có tàu ngầm, xe tăng, trực thăng, tàu ngầm, khinh hạm và tên lửa của Nga.
Các lệnh trừng phạt đối với Moscow có thể gây nhiều khó khăn cho đơn hàng xuất khẩu tên lửa hành trình BrahMos trị giá 375 triệu USD gần đây của Ấn Độ đến Philippines.
Chiến lược "tự lực, tự cường"
Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đang thúc đẩy khả năng tự lực lớn hơn, nhưng vấn đề là Ấn Độ thiếu cơ sở công nghiệp mạnh.
Quá trình chuyển sản xuất phụ tùng sang Ấn Độ đã bắt đầu, nhưng ông Hooda cho biết vẫn chưa rõ liệu họ có thể nhanh chóng bù đắp cho bất kỳ sự thiếu hụt nào về nguồn cung hay không. Ông nói: "Tôi nghĩ muốn có sự tiến bộ đáng kể thì sẽ mất ít nhất 5 năm".
Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng đã ký gần 60 hợp đồng bù đắp trị giá hơn 13 tỷ USD vào năm 2027 để mua máy bay chiến đấu và vũ khí từ Mỹ, Pháp, Nga và Israel.
Chính phủ nước này đã công bố trong ngân sách 2022-23 rằng, 68% tổng số vốn mua sắm quốc phòng sẽ dành cho các nhà sản xuất bản địa.
Trong khi đó, thương mại quốc phòng song phương với Mỹ đã tăng từ mức gần bằng 0 vào năm 2008 lên 15 tỷ USD vào năm 2019. C
Năm 2020, Ấn Độ tuyên bố rằng các công ty nước ngoài có thể đầu tư tới 74% vào các đơn vị sản xuất quốc phòng của họ, tăng từ 49% mà không cần bất kỳ sự chấp thuận nào của chính phủ. Mục đích là thu hút các công ty nước ngoài có công nghệ tiên tiến đặt nhà máy ở Ấn Độ phối hợp với các công ty địa phương.
Theo Bộ Quốc phòng, Ấn Độ đã mở cửa hoàn toàn lĩnh vực quốc phòng, vốn trước đây chỉ giới hạn trong các công ty nhà nước, sang khu vực tư nhân vào năm 2001. Tuy nhiên, chỉ 110 trong số 330 công ty tư nhân có giấy phép công nghiệp cho lĩnh vực sản xuất như vậy đã bắt đầu sản xuất, theo Bộ Quốc phòng.
Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng do nhà nước điều hành của Ấn Độ bắt đầu cố gắng phát triển các công nghệ quốc phòng tiên tiến vào năm 1958.
Tổ chức này đã từng nghiên cứu thành công tên lửa Agni và Prithvi tầm ngắn và tầm xa, máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas, xe tăng, bệ phóng tên lửa đa nòng, hệ thống phòng không và nhiều loại radar và hệ thống tác chiến điện tử...
Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng đã dành 10 tỷ rupee (135 triệu USD) để mua sắm từ các công ty khởi nghiệp trong giai đoạn 2020-2021.
Chính phủ đã thành lập hai Hành lang công nghiệp quốc phòng, ở phía bắc bang Uttar Pradesh và phía nam bang Tamil Nadu, với các khoản đầu tư 200 tỷ rupee crores (2,7 tỷ USD) vào năm 2024 từ các công ty nhà nước và tư nhân.