Tuy nhiên, có một điều lạ là Nga chủ yếu rút toàn bộ các đơn vị máy bay yểm trợ hỏa lực mặt đất (CAS) Su-25, còn các đơn vị máy bay tiêm kích-bom "hàng khủng" Su-24 và Su-34 cơ bản vẫn được duy trì. Điều này có lẽ liên quan tới sự trở lại của Không quân Syria trên các chiến trường.
Trong suốt nhiều năm nội chiến, Không quân Syria phần lớn chỉ hoạt động ở khu vực Thủ đô Damascus và cơ bản vẫn giữ được phần lớn lực lượng cho tới thời điểm hiện tại.
Không quân Syria trở lại
Xét ở khía cạnh này, có thể chia hoạt động tác chiến của Không quân Syria trước và sau khi lực lượng quân sự Nga tham chiến ở Syria năm 2015.
Khi nội chiến nổ ra, các phe phái đối lập được nước ngoài hậu thuẫn nổi lên và đương nhiên họ nhận được sự hỗ trợ cả về nhân lực và vật lực quân sự.
Sự yếu thế trên chiến trường và sức ép về khả năng bị can thiệp quân sự trực tiếp từ nước ngoài đã buộc Không quân Syria phải triệt thoái khỏi nhiều khu vực và hoạt động hết sức hạn chế vì nguy cơ bị "máy bay lạ" bắn hạ.
Tuy nhiên, điều này đã hoàn toàn thay đổi với sự hiện diện của lực lượng quân sự Nga. Với sự hỗ trợ của Nga, Không quân Syria với trang bị phần lớn là máy bay quân sự Liên Xô đã khôi phục lại sức mạnh và tự tin quay trở lại bầu trời.
Sự hiện diện ngày càng rõ ràng của Không quân Syria trong các chiến dịch quân sự lớn ở Aleppo, Đông Ghouta, Palmyra, Dier Zor hay Daraa mới đây là minh chứng rõ ràng.
Để Không quân Syria trở lại bầu trời là điều không đơn giản với cả Nga và Syria. Trước hết, lực lượng quân sự Nga phải đảm bảo được việc Syria sẽ không bị can thiệp quân sự hay không kích quy mô lớn từ nước ngoài.
"Những liều thuốc thử" Sharyat hay đợt không kích hôm 11/04/2018 đã làm nhụt chí những chiếc đầu nóng nằm ngoài lãnh thổ Syria.
Cùng với đó, cùng với các bên xung đột, Nga đã tạo được vùng giám sát hay "giảm xung đột" trong không phận Syria để hạn chế việc "máy bay lạ" đi lạc và bắn hạ chiến đấu cơ Syria.
Những thỏa thuận quan trọng đạt được với Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều lực lượng nước ngoài khác cũng là một trong những nỗ lực giúp Không quân Syria trở lại.
Hoạt động tích cực của Không quân Syria giúp giảm bớt gánh nặng và rủi ro cho lực lượng Nga tham chiến ở Syria, cũng như động lực quan trọng để Nga dần rút bớt lực lượng tham chiến. Điều này xét về nhiều mặt là lợi cả đôi đường cho cả Nga và Syria.
Su-25 đã hoàn thành nhiệm vụ
Nhiệm vụ chính của Su-25 tại Syria chính là lực lượng tác chiến cấp chiến thuật phản ứng nhanh, có số lần cất và hạ cánh lớn trong một ngày (trên 10 lần) đáp ứng cung cấp hỏa lực yểm trợ lực lượng tác chiến mặt đất.
Điều này hoàn toàn phù hợp trong giai đoạn đầu khi Nga tham chiến tại Syria. Vì Không quân Syria chưa thể hoạt động lại, các máy bay Su-25 của Nga đáp ứng khoảng trống hỏa lực phủ đầu lục quân trên chiến trường.
Tuy nhiên, Su-25 không phải là không có yếu điểm. Tầm hoạt động tác chiến ngắn (dưới 1.000km) nên phải triển khai các sân bay dã chiến gần chiến trường.
Su-25 chắc chắn không thể cất cánh từ Khmeimim để tác chiến chống IS tại Dier Zor hay Daraa, mà phải từ các sân bay quân sự gần đó.
Điều này ẩn chứa nhiều rủi do, nhất là tại quốc gia đang trong tình trạng nội chiến nhiều phe phái như Syria.
Mặt khác, do nhiệm vụ cung cấp hỏa lực yểm trợ mặt đất nên Su-25 dù có nhiều biện pháp phòng vệ, nhưng vẫn có nguy cơ bị bắn hạ bởi hỏa lực phòng không mặt đất. Vụ việc máy bay Su-25 của Nga bị bắn hạ ở Idlib, phi công tử nạn là minh chứng rõ ràng.
Su-25 đã hoàn thành nhiệm vụ ở Syria.
Với việc Không quân Syria trở lại bầu trời, nhiệm vụ của các đơn vị Su-25 Nga rõ ràng đã hoàn thành. Tại chiến trường Syria hiện nay, có thể thấy sự phân cấp về nhiệm vụ rõ ràng.
Không quân Syria đáp ứng nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực trực tiếp cho lực lượng chiến đấu ở mặt đất, còn máy bay chiến đấu Nga như Su-24, Su-34 thực hiện các nhiệm vụ có giá trị cao hơn về mặt chiến thuật, chiến lược.
Đây là quyết định hoàn toàn hợp lý! Việc Không quân và Lục quân Syria phối hợp với nhau trên chiến trường về phân cấp chỉ huy sẽ thuận lợi hơn, giảm thời gian chết so với việc phối hợp với Nga, đặc biệt ở các nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực mặt đất cần sự tức thì và nhanh chóng.
Việc đồng bộ về trang bị, khí tài ở các sân bay quân sự Syria sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc đảm bảo hậu cần cho các máy bay Nga. Điều này thấy rõ là các máy bay chiến đấu của Syria sử dụng là MiG-21, Su-22…, trong khi đó Nga là Su-25.
Máy bay chiến đấu Su-22 của Không quân Syria.
Trong khi đó, về phía Nga, việc Không quân Syria làm chủ được chiến trường giúp giảm nguy cơ trên chiến trường với máy bay chiến đấu Nga, giảm chi phí, cũng như giúp việc rút bớt lực lượng của Nga diễn ra đúng kế hoạch theo đúng tuyên bố của Tổng thống Nga.
Chính vì những yếu tố trên, có thể thấy rõ ràng dải nhiệm vụ của máy bay Su-25 thuộc Không quân Nga đã được thay thế bởi các đơn vị Không quân Syria.
Việc rút bớt chúng về nước là hoàn toàn hợp lý, nhất là khi chiến cục Syria đang dần đi tới hồi kết với thắng lợi thuộc về phía Chính phủ Syria. Còn Su-24 và Su-34 sẽ tiếp tục ở lại vì chúng có phân cấp nhiệm vụ khác.
Điều này cũng được khẳng định qua tuyên bố của chỉ huy trưởng lực lượng Không quân – Vũ trụ Quân khu Đông Nam của Nga, Victor Sevostyanov: Các đội bay đã hoàn thành nhiệm vụ quan trọng và có trách nhiệm để giải phóng đất nước thân thiện với chúng ta khỏi những kẻ khủng bố quốc tế.
Tất nhiên, mặc dù Su-25 Nga rút về nước toàn bộ theo chiến lược và mệnh lệnh của TT Putin, nhưng một khi có yêu cầu chúng sẽ lại xuất hiện và dìm đầu phiến quân Syria trong biển lửa.