Việt Nam đã mua các máy bay không người lái (UAV) Heron 1 của Israel trị giá 140 triệu USD. Theo StrategyPage - chuyên trang về các vấn đề quốc phòng quân sự thì Việt Nam sẽ sử dụng số UAV này cho mục đích "trinh sát chiến lược", có thể gồm cả các nhiệm vụ tuần thám bờ biển.
StrategyPage đánh giá đây là chức năng chính của UAV Heron mà Israel đã phát triển cho rất nhiều khách hàng ngoại quốc.
Heron được đưa vào hoạt động từ những năm 1990, nó không chỉ giống với dòng UAV Predator của Mỹ mà còn được sản xuất với số lượng lớn hơn và cũng được bán ra nhiều hơn cho các khách hàng nước ngoài.
Heron là loại UAV hạng nặng chủ đạo của Quân đội Israel. Chính Israel, chứ không phải Mỹ mới là quốc gia đi tiên phong phát triển các UAV dạng này. Sự thành công về mặt công nghệ chế tạo UAV của người Israel đã trở thành động lực để Công ty General Atomics của Mỹ phát triển MQ-1 Predator.
Heron 1 nguyên bản nặng khoảng 1,2 tấn, tương đương Predator nhưng có thời gian hoạt động liên tục lâu hơn (40 giờ). Vận tốc tối đã của dòng UAV này là 205 km/h.
So với Predator, Heron 1 có trần hoạt động cao hơn một chút (10 km so với 8 km của Predator) và được trang bị phần mềm cho phép nó tự động cất/hạ cánh thực thi nhiệm vụ. Trong khi đó, không phải tất cả các UAV của Mỹ đều làm được điều này.
Heron 1 có sải cánh 16,5 m, lớn hơn Predator (13,2 m) và có thể mang theo tải trọng 250 kg.
Máy bay không người lái Heron do Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) chế tạo. Ảnh IAI
Thiết bị giám sát mặt đất có thể điều khiển một chiếc Heron 1 bay xa 350 km nhưng Heron vẫn có thể hoạt động ở khoảng cách xa hơn nhờ sử dụng các lệnh lập trình sẵn, đồng thời tự động quay về nếu gặp phải bất cứ vấn đề gì. Dưới chế độ bay lập trình trước, Heron 1 không thể bị gây nhiều.
Heron 1 hiện có giá khoảng 10 triệu USD/chiếc mặc dù Israel vẫn có thể linh hoạt trong đàm phán về mức giá. Khi được bán theo hệ thống (3 chiếc Heron, một trạm điều khiển mặt đất, thiết bị bảo trì và huấn luyện), mức giá rơi vào khoảng 50 triệu USD hoặc cao hơn.
Hầu hết các UAV Heron được sử dụng cho nhiệm vụ trinh sát và do thám, gồm cả tuần thám biển. Heron có thể được trang bị tên lửa nhưng tất cả phiên bản xuất khẩu đều là loại không vũ trang. Phần lớn Heron sử dụng trong Quân đội Israel cũng đều không vũ trang.
Heron có khả năng mang theo rất nhiều cảm biến (videocamera ngày/đêm, radar, thiết bị đo xa laser..) và thường cung cấp thông tin mục tiêu về các máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công.
Theo StrategyPage, Việt Nam là khách hàng mua các thiết bị quân sự lớn thứ 3 của Israel. Ấn Độ đứng thứ nhất khi là quốc gia mua khoảng một nửa số trang thiết bị quân sự xuất khẩu của Israel, Azerbaijan xếp thứ hai với 12% và Việt Nam đứng 3 với khoảng 6%.
Trong thập kỷ qua, Israel đã bán số vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Việt Nam với trị giá khoảng 1,5 tỷ USD. Việt Nam đã mua của Israel nhiều thiết bị quân sự như tên lửa không đối không Derby, hệ thống phòng không Spyder, xây dựng một nhà máy sản xuất súng trường tấn công ACE và các hệ thống radar phòng không.
UAV Heron 1 trình diễn hạ cánh tự động