Steve Jobs và Elon Musk: Hai thái cực tinh thần của Thung lũng Silicon

BẢO NAM |

Hai thiên tài liều lĩnh bước đi trên hai con đường trái ngược nhau nhưng cả Elon Musk và Steve Jobs đều cùng thành công trong việc tái định nghĩa lại cả một ngành công nghiệp truyền thống.

Tuần trước, SpaceX hoàn thành sứ mệnh lịch sử khi trở thành nhiệm vụ thương mại đầu tiên đưa con người vào không gian cũng như đánh dấu lần đưa con người lên vũ trụ đầu tiên kể từ khi chấm dứt kỷ nguyên tàu con thoi vào năm 2011 - năm mà Steve Jobs qua đời.

Nó đã khiến nhiều người không thể không nhắc lại về cố CEO của Apple, về thời điểm trọng đại khi chiếc iPhone đầu tiên được phát hành vào năm 2007, thiết bị sau đó được giới truyền thông gọi là "điện thoại của Chúa". SpaceX không sáng tạo ra "tên lửa của Chúa trời", nhưng dường như nó cũng mở ra viễn cảnh tương tự cho ngành công nghiệp vũ trụ.

Steve Jobs và Elon Musk: Hai thái cực tinh thần của Thung lũng Silicon - Ảnh 1.

SpaceX đã viết nên dấu mốc mới cho ngành hàng không vũ trụ.

Thung lũng Silicon là một nơi luôn cần một nhân vật đại diện về tinh thần. Steve Jobs đã đốt cháy lên ngọn lửa đó ở thung lũng công nghệ này hơn 40 năm trước. Tiếp đó là những con người như Bill Gates, Jeff Bezos, Mark Zuckerberg... thay nhau tiếp quản ngọn đuốc này. Và giờ đây, băng những thành công với Tesla hay tên lửa SpaceX, Elon Musk đang được ví như Steve Jobs của thế kỷ 21. Chỉ khác là không giống như Jobs sử dụng iPhone để "chiếu sáng thế giới", Musk phóng tên lửa lên bầu trời.

Nhưng trên thực tế, có thể chia những cá nhân kể trên thành hai nhóm người. Một nhóm bao gồm Steve Jobs cùng Elon Musk, nhóm còn lại là ông chủ của Microsoft, Google hay Facebook.

Bởi Microsoft đã xây dựng cơ sở hạ tầng Internet bằng phần mềm, còn Amazon, Google và Facebook đã thiết lập các ứng dụng Internet cơ bản. Họ là những người mang trên mình dấu ấn của Internet. Họ thuộc về xu hướng kiến tạo và mở ra một thế giới mới.

Còn Steve Jobs và Elon Musk lại là đại diện của xu hướng đổi mới ngược. Apple của Jobs đã tạo ra Mac, iPod và iPhone, trong khi các công ty con của Elon Musk chế tạo ra xe điện, tên lửa và pin năng lượng mặt trời. Thay vì phát triển dựa trên nền tảng Internet, hai người đàn ông này đã viết lại lịch sử các ngành công nghiệp mà họ tham gia vào.

Steve Jobs và Elon Musk: Hai thái cực tinh thần của Thung lũng Silicon - Ảnh 2.

Steve Jobs và Elon Musk.

Lâu nay, các công ty Internet ở Thung lũng Silicon gần như luôn tồn tại trong một vòng lặp. Trong bạn có tôi và trong tôi có bạn. Mặc dù luôn cạnh tranh với nhau, logic tiến hóa chung của cả thung lũng công nghệ này là một đường tuyến tính. Ai đó hoàn thành giai đoạn từ 0 đến 1, sau đó người kế tiếp viết tiếp từ 1 đến 10, rồi sẽ có một ai đó hoàn thành quãng đường từ 10 đến 100. Hết vòng lặp này đến vòng lặp khác.

Nhưng việc chuyển đổi và lật đổ các ngành công nghiệp truyền thống của Jobs và Musk là những thay đổi phi tuyến tính. Họ tìm kiếm một ngành công nghiệp và sau đó thiết lập lại các quy tắc của trò chơi, thay đổi hướng phát triển tự nhiên của cả ngành. Nó giống như một sự đột biến di truyền.

Nếu những người như Bill Gates, Mark Zuckerberg... là những nhà cải cách thì Steve Jobs và Elon Musk là những nhà cách mạng. Cải cách là từ một chiếc bánh thị phần cũ tạo ra một chiếc bánh mới có giá trị lớn hơn. Bạn có thể dễ dàng để trở thành người tiên phong. Nhưng cách mạng là phân chia lại một chiếc bánh cũ, một điều rất khó để thực hiện và thay đổi. Với cải cách, bạn luôn có thể tìm ra ước số chung lớn nhất của lợi ích. Nhưng làm cách mạng trước hết là phải thách thức các nhóm lợi ích hiện có. Rõ ràng con đường phía sau nhiều chông gai hơn.

Steve Jobs và Elon Musk có nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều là người nhập cư, có trải nghiệm cảm xúc rất phong phú. Cả hai đều lựa chọn xâm nhập và tìm cách thay đổi các ngành công nghiệp truyền thống, từ đó thay đổi nhận thức và trải nghiệm của mọi người về thế giới vật chất. Tất nhiên, điều quan trọng nhất là cả hai đã đạt được những thành tựu chưa từng có.

Từ góc độ đổi mới, hai con người này thực sự giống như là cùng một kiểu người. Tuy nhiên, từ góc độ hoạt động thương mại, Jobs và Musk lại hoàn toàn khác nhau. Các từ khóa ở đây là chi phí và giá cả.

Steve Jobs và Elon Musk: Hai thái cực tinh thần của Thung lũng Silicon - Ảnh 3.

Steve Jobs chỉ muốn tạo ra thứ tốt nhất và đắt nhất.

Đầu tiên, hãy nhìn vào Steve Jobs. Apple II, ra mắt năm 1977, là sản phẩm đầu tiên của Apple, theo đúng nghĩa. Bởi vì Apple I được sinh ra trong nhà để xe và chỉ bán được vài trăm chiếc, thuộc về giai đoạn thử nghiệm thị trường của hai nhà sáng lập Apple là Steve Jobs và Steve Wozniak.

Và rõ ràng Apple II trông ấn tượng hơn nhiều so với Apple I, khi hỗ trợ màn hình màu, hệ ngôn ngữ BASIC tích hợp, 8 khe cắm mở rộng... Kể từ Apple II, các thiết bị với cấu hình hàng đầu đã trở thành triết lý sản phẩm của Steve Jobs.

Kết quả của việc kết hợp các yếu tố hàng đầu là người dùng phải trả giá cao để sở hữu. Vào thời điểm ra mắt, phiên bản thấp nhất của Apple II có giá 1.300 USD. Theo tỷ lệ lạm phát, nó tương đương với 5.300 USD ngày nay. Để so sánh thì cùng thời với Apple, có một công ty sản xuất máy tính cá nhân tên là Commodore. Mẫu sản phẩm VIC-20 mà họ phát hành năm 1980 có giá chỉ 299 USD.

Nhưng khác biệt về công nghệ đã mang tới thành công. Đến năm 1993, doanh số tích lũy của Apple II đã vượt quá 1 triệu đơn vị. Mặc dù Steve Jobs bị buộc phải rời Apple vào thời điểm đó, nhưng thành công của Apple II chắc chắn đã mang lại cho ông nguồn cảm hứng tuyệt vời: chỉ tạo ra thứ tốt nhất và đắt nhất.

Sau khi Steve Jobs trở lại Apple, ông ghi dấu ấn đầu tiên là iPod, có giá 399 USD. Vào thời điểm đó, giá của Sony CD Walkman chưa đến 100 USD. Năm 2004, lợi nhuận ròng của Apple là 276 triệu USD, vượt trội so với lợi nhuận ròng của năm trước đó chỉ có 69 triệu USD. Tất cả điều này đều là nhờ iPod (bao gồm cả hệ thống iTunes đi kèm). Với thành công này, quan điểm và ý chí của Steve Jobs càng thêm kiên định.

Năm 2007, iPhone thế hệ đầu tiên đã được phát hành. Với thiết kế màn hình cảm ứng đa điểm đột phá, nó có giá 500 USD, trở thành "điện thoại di động đắt nhất thế giới" khi ra mắt. Và gần như ngay lập tức, nó chiếm một nửa tổng lợi nhuận của thị trường điện thoại di động toàn cầu.

Với cấu hình cấp cao nhất, iPhone mang đến cho người dùng trải nghiệm tuyệt vời nhất. Cho nên nó được bán với giá đắt nhất, giúp Apple kiếm được lợi nhuận cao nhất. Đây chính là kinh nghiệm kinh doanh của Steve Jobs.

Steve Jobs và Elon Musk: Hai thái cực tinh thần của Thung lũng Silicon - Ảnh 4.

Elon Musk chỉ muốn tạo ra thứ rẻ hơn cho khách hàng.

Nhưng Elon Musk thì ngược lại.

Vào năm 2010, tên lửa Falcon 9 của SpaceX đã phóng thành công, với tổng chi phí là 60 triệu USD, thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Với việc hiện thực hóa nhiều công nghệ kỹ thuật cao, chi phí cho một lần phóng tên lửa đã giảm đi liên tục. Từ năm 2010 đến 2019, chi phí của thị trường sản xuất tên lửa thương mại quốc tế đã giảm khoảng 25%, chủ yếu do SpaceX dẫn đầu điều chỉnh.

Một số tổ chức đã thử tính toán chi phí gửi 1 kg tải trọng lên quỹ đạo thấp quanh Trái đất, giữa các công ty trong ngành thì kết quả cho thấy dịch vụ của SpaceX thấp đến mức đáng kinh ngạc:

SpaceX: 1.950 USD/kg

Trường Chinh 3B (Trung Quốc): 5.833 USD/kg

Tên lửa Soyuz (Nga): 7.246 USD/kg

Tàu con thoi (NASA - Mỹ): 19.824 USD/kg

Lấy ví dụ về chi phí đưa người lên vũ trụ của SpaceX thì giá vé mỗi chiếc ghế trên tàu vũ trụ Crew Dragon là khoảng 55 triệu USD, trong khi của tàu vũ trụ Starliner (Boeing) là 90 triệu USD, với tàu vũ trụ Nga Soyuz là gần 86 triệu USD.

Và tới đây có lẽ bạn đã nhận ra. Rẻ hơn đối thủ là triết lý kinh doanh của Elon Musk.

Nhìn sang lĩnh vực sản xuất ôtô, bạn cũng có thể thấy điều tương tự. Tesla Model S thế hệ đầu tiên đi theo con đường cao cấp, có giá khoảng 100.000 USD. Tiếp theo là Model X, có giá dưới 100.000 USD và tiếp đến là Model 3, giá đã giảm xuống dưới 50.000 USD.

Năm 2019, mẫu xe năng lượng mới có doanh số cao nhất trên toàn thế giới là Tesla Model 3, với doanh số gần gấp ba lần mẫu xe ở vị trí số 2. Đồng thời, doanh số của Model S và Model X, hai mẫu xe cao cấp đã liên tục giảm. Ở một mức độ nhất định, Model 3 giống như một chiếc Ford Model T trong lĩnh vực xe năng lượng mới, kiên quyết đi theo con đường chi phí thấp và giá thấp. (Nếu bạn chưa biết thì Ford Model T được mệnh danh là chiếc xe hơi có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20).

Tập trung sự chú ý với những chiếc xe cao cấp trước, sau đó chiếm lĩnh thị trường với những mẫu xe giá rẻ dần theo từng bước. Con đường của Tesla đang đi ngược lại với iPhone của Apple với mức giá ngày càng cao hơn.

Steve Jobs và Elon Musk: Hai thái cực tinh thần của Thung lũng Silicon - Ảnh 6.

SolarCity cũng là một sản phẩm thành công dưới tay "Iron Man ở Thung lũng Silicon".

Một ví dụ khác là SolarCity, một công ty con khác cũng do Elon Musk sáng lập. Nó cũng đi theo con đường tiết kiệm chi phí tối đa cho khách hàng. SolarCity không bán tấm pin năng lượng mặt trời khi ra mắt. Thay vào đó, nó cung cấp cho khách hàng các giải pháp mua và sử dụng tốt hơn thông qua hệ thống tài chính hỗ trợ, với mục đích tiết kiệm tiền cho người tiêu dùng.

Chủ sở hữu, những người mua xe Tesla sẽ nghĩ rằng họ đã bước vào một lối sống mới và gia đình họ sẽ có xu hướng sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời để tạo ra điện. Và đó là lý do các tấm pin mặt trời tiếp sau này của SolarCity cũng góp mặt trong các gói mua xe của Tesla.

Cả Apple và Tesla đều bán cho người dùng một lối sống mới. Nhưng rõ ràng Steve Jobs và Elon Musk đã chọn hai con đường kinh doanh trái ngược nhau. Cả hai đều đạt được thành công vang dội. Rõ ràng, Thung lũng Silicon luôn có đủ chỗ cho những kẻ liều mạng những đầy bản lĩnh.

Tham khảo Sina

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại