Tiết lộ: Báo chí thế giới từng chuẩn bị "cáo phó" tiễn Stephen Hawking cách đây tròn 9 năm

Nguyễn Hằng |

"Vũ trụ sẽ không có ý nghĩa gì nhiều nếu đó không phải là ngôi nhà của những người bạn yêu thương" - Stephen Hawking.

Giáo sư vật lý nổi tiếng Stephen Hawking vừa qua đời vào sáng ngày 14/3 tại nhà riêng ở Cambridge (Anh) sau hơn 50 năm chống chọi với căn bệnh xơ cứng teo cơ (ALS), hưởng thọ 76 tuổi.

Trong suốt cuộc đời sống và làm việc vì sự phát triển khoa học vũ trụ, nhà vật lý người Anh đã để lại gia tài gồm nhiều công trình nghiên cứu đồ sộ có ý nghĩa rất lớn tới sự phát triển của nhân loại.

Michio Kaky, giáo sư vật lý lý thuyết tại Đại học New York, chia sẻ về Stephen Hawking: "Từ sau Albert Einstein, chưa có nhà khoa học nào lại thu hút nhiều sự quan tâm của công chúng và được hàng chục triệu người trên thế giới yêu mến đến thế".

Tiết lộ: Báo chí thế giới từng chuẩn bị cáo phó tiễn Stephen Hawking cách đây tròn 9 năm - Ảnh 1.

Nhà vật lý tài ba Stephen Hawking đã qua đời vào sáng ngày 14/3, hưởng thọ 76 tuổi. Ảnh: Internet

Không chỉ giản dị, kiên trì, sự thông minh, lòng dũng cảm và khiếu hài hước của ông đã truyền cảm hứng cho mọi người trên toàn thế giới. Giáo sư Stephen Hawking từng nói: "Vũ trụ sẽ không có ý nghĩa gì nhiều nếu đó không phải là ngôi nhà của những người bạn yêu thương".

Chắc chắn hàng triệu người trên thế giới sẽ mới nhớ về ông như là một trong những nhà vật lý vĩ đại và đặc biệt nhất trong lịch sử thế giới.

Từ chàng trai mắc bệnh hiểm nghèo năm 21 tuổi đến con người phi thường

Stephen Hawking sinh ngày 8/1/1942 tại Oxford và từng theo học tại ĐH Oxford danh tiếng chuyên ngành vật lý và tốt nghiệp loại xuất sắc. Sau đó, ông tiếp tục đến ĐH Cambridge để theo học luận án tiến sĩ về vũ trụ học.

Tiết lộ: Báo chí thế giới từng chuẩn bị cáo phó tiễn Stephen Hawking cách đây tròn 9 năm - Ảnh 2.

Stephen Hawking khi còn nhỏ và lúc thiếu niên. Ảnh: Telegraph

Trong thời gian này (vào năm 1963), Stephen phát hiện ông mắc bệnh teo cơ tủy, một căn bệnh xơ cứng teo cơ (ALS) khiến ông gần như mất hết khả năng cử động. Bác sĩ đã đưa ra chẩn đoán vào thời điểm đó là ông chỉ có thể sống thêm được 2 năm nữa.

Hội chứng xơ cứng teo cơ (ALS) được biết đến là căn bệnh nan y, khiến các tế bào thần kinh tê liệt. Đây là một căn bệnh phá hủy hệ thống neuron thần kinh của cơ thể.

Người bệnh thường sẽ cảm nhận thấy cơ thể từ từ đông cứng cho tới khi liệt hẳn và mất dần khả năng vận động, không thể nhai thức ăn cũng như gặp khó khăn khi hít thở. Độ tuổi trung bình được chẩn đoán mắc ALS là khoảng 50 nhưng Stephen lại có nhiều triệu chứng của bệnh này khi còn rất trẻ.

Tiết lộ: Báo chí thế giới từng chuẩn bị cáo phó tiễn Stephen Hawking cách đây tròn 9 năm - Ảnh 3.

Giáo sư Hawking từng rất sốc khi nhận được tin ông mắc bệnh ALS. Ảnh: ScieNews

Stephen Hawking từng viết chia sẻ về thời điểm phát hiện ra bệnh ALS: "Vào năm thứ ba tại Oxford, tôi nhận thấy mình dường như ngày một vụng về hơn. Tôi bị ngã một vài lần mà không rõ lý do.

Nhưng mãi tới khi vào học tại Cambridge, cha tôi mới nhận ra và đưa tôi tới gặp bác sĩ. Ông ấy gửi tôi đến một chuyên gia và ngay sau khi sinh nhật 21 tuổi, tôi bắt đầu làm các xét nghiệm tại bệnh viện.

Đó là một cú sốc lớn khi tôi nhận được tin mình mắc bệnh thần kinh vận động".

Tuy nhiên, không chỉ vượt qua con số 2 năm ngắn ngủi, ông hoàng vật lý Stephen Hawking đã chứng minh cho cả thế giới thấy khả năng vượt qua số phận cùng nghị lực phi thường của chàng trai 21 tuổi năm ấy và tạo nên những công trình nghiên cứu tầm cỡ về vật lý, vũ trụ, ...

Tiết lộ: Báo chí thế giới từng chuẩn bị cáo phó tiễn Stephen Hawking cách đây tròn 9 năm - Ảnh 4.

Stephen Hawking trải nghiệm cảm giác không trọng lực trong một chiếc máy bay vào năm 2007. Ảnh: Inverse

Nhiều năm sau, do ảnh hưởng của căn bệnh "hóa đá", Stephen Hawking còn phải phẫu thuật cắt khí quản, không còn khả năng nói chuyện bình thường nữa. Ông chỉ có thể nói được thông qua một thiết bị tổng hợp tiếng gắn với một chiếc máy tính để gõ chữ vào đó.

Dù bị gắn chặt vào chiếc xe lăn, cũng như nói chuyện, sinh hoạt bất tiện nhưng ông chưa bao giờ buông xuôi đầu hàng số phận và vẫn luôn cháy hết mình trong từng nghiên cứu tâm huyết.

Stephen Hawking đã chứng minh cho cả thế giới thấy khả năng tuyệt vời của mình. Ông thực sự là một người phi thường.

Quyết không gục ngã, Stephen Hawking tạo nên kỳ tích

Trong suốt 55 năm chống chọi với căn bệnh ALS, không ít lần cả nhân loại tưởng chừng sẽ mất đi một nhà khoa học kiệt xuất vì diễn biến sức khỏe của ông yếu đi, nhưng kỳ tích ở con người ngoan cường này thật sự đặc biệt.

Cụ thể, vào ngày 20/4/2009, Giáo sư Hawking rơi vào tình trạng nguy kịch vì diễn biến của căn bệnh ALS. Ông phải nhập viện và sức khỏe rất yếu. Nhiều tờ báo lúc bấy giờ liên tục đăng tải những bài tóm lược về cuộc đời của Stephen Hawking như một sự chuẩn bị sớm.

Thậm chí, không ít chuyên gia nghi ngại thời gian của "ông hoàng vật lý" sắp hết. Tuy nhiên, ông đã vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tiết lộ: Báo chí thế giới từng chuẩn bị cáo phó tiễn Stephen Hawking cách đây tròn 9 năm - Ảnh 5.

Ảnh minh họa

Tiết lộ: Báo chí thế giới từng chuẩn bị cáo phó tiễn Stephen Hawking cách đây tròn 9 năm - Ảnh 6.

Ông đưa ra nhiều nghiên cứu về mối đe dọa của con người. Ảnh: CNN

Sau biến cố sức khỏe năm 2009, Stephen Hawking vẫn tiếp tục làm nên kỳ tích khi không những sống sót với căn bệnh ALS mà còn nghiên cứu về thuyết hình thành vũ trụ, nghiên cứu về các mối lo ngại của trí tuệ nhân tạo có thể đe dọa con người, ... khiến không ít các nhà khoa học và chuyên gia y khoa chấn động.

Theo hiệp hội ALS, bệnh nhân mắc bệnh này thường chỉ có thể sống được trong 2-5 năm sau khi phát hiện. Trên thực tế, chỉ có khoảng hơn 5% người bệnh có thể chống chọi bệnh trong 20 năm và may mắn là thiên tài Stephen Hawking nằm trong số ít ỏi ấy.

Tiết lộ: Báo chí thế giới từng chuẩn bị cáo phó tiễn Stephen Hawking cách đây tròn 9 năm - Ảnh 7.

Dù mắc bệnh nan y từ khi mới 21 tuổi, nhưng tình yêu và niềm đam mê dành cho khoa học vẫn chưa bao giờ dập tắt trong ông. Ảnh: Theguardian

Nigel Leigh, giáo sư về thần kinh học lâm sàng tại King’s College, London, trong một bài phát biểu trên British Medical Journal năm 2002, cho biết: "Ông ấy là một ngoại lệ. Tôi chưa từng biết ai sống sót với căn bệnh này lâu đến thế".

May mắn là dạng bệnh ALS của Hawking mắc phải phát triển chậm hơn bình thường. Vì vậy mà ông có thể sống sót thần kỳ qua hơn nửa thế kỷ.

Chấp nhận sống với căn bệnh vô phương cứu chữa, Stephen Hawking đã trở thành nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng có vai trò tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu về vũ trụ như lực hấp dẫn, đặc tính của hố đen, ...góp phần định hình ngành vũ trụ học hiện đại.

Ông còn là tác giả của cuốn sách kinh điển "Lược sử thời gian: Từ vụ nổ Big Bang đến hố đen" xuất bản năm 1988.

Nỗ lực sống mãnh liệt cùng sự dũng cảm, kiên trì chống lại bệnh hiểm nghèo của Stephen Hawking đã trở thành bằng chứng kỳ diệu có thấy sức sống tuyệt vời của con người.

Qua đời ở tuổi 76, nhưng ông vẫn mãi là ngôi sao sáng trong bầu trời khoa học và truyền cảm hứng to lớn cho hàng triệu người dân trên khắp thế giới.

Bài viết tham khảo các nguồn: Theguardian, Nbcnews

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại