"Stephen Hawking là nhà khoa học vĩ đại không phải vì căn bệnh ông mang!"

Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam |

"Là vì trên hết, ông có bộ não của một thiên tài và có một niềm đam mê mà cực kỳ ít người có được."

Sáng ngày 14/3/2018, cả thế giới bàng hoàng trước sự ra đi của nhà vật lý học thiên tài người Anh Stephen Hawking ở độ tuổi 76.

Đối với những người yêu thiên văn học, sự ra đi của vị giáo sư đáng kính ấy là mất mát không gì bù đắp nổi.

Đối với Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam, "HAWKING MẤT RỒI!"... là điều anh đã thốt lên trong não của khi hay tin.

Dưới đây là những dòng nghĩ đầy cảm xúc của anh trước sự ra đi của Stephen Hawking:

"Trong quan điểm của tôi, nền khoa học hiện nay không còn những vĩ nhân có thể một mình tiên phong dẫn đường cho mọi khám phá, thành tựu bởi lý do đơn giản là đã qua quá lâu rồi cái thời mà chỉ cần quan sát những hiện tượng trực quan, một số thí nghiệm không quá tốn kém và sử dụng những phương trình cơ bản để cố gắng mô tả.

Những thứ đơn giản đó người ta đã khám phá ra hết cả, nên ngày nay những khám phá khoa học có được đều đòi hỏi sự tham gia của nhiều cá nhân với sự hỗ trợ của rất nhiều dữ liệu quan sát, thí nghiệm hoặc khảo sát, ...

Hawking không phải ngoại lệ trong nền khoa học đó. Ông không phải là toàn bộ nền khoa học hay vật lý hoặc vũ trụ học. Ông là một nhà vật lý. Thậm chí, Hawking chẳng hề có giải Nobel vật lý nào, dù sự thật là ông đã có những cống hiến rất lớn cho vũ trụ học, đặc biệt là nghiên cứu lỗ đen và dự đoán sự tồn tại của bức xạ Hawking.

Tôi cũng mới thấy tiêu đề vài bài báo với nội dung đại loại là coi Hawking là biểu tượng của nghị lực sống hay gì đó tương tự. Cái đó không sai nhưng tôi không đồng tình vì nó chưa đúng, chưa đủ. Hawking không hề thích nói về sự khuyết tật của mình. Bản thân ông luôn coi mình là người bình thường - cho dù ông còn hơn thế rất, rất nhiều.

Hawking được coi là một nhà khoa học vĩ đại không phải vì ông biết vượt lên khó khăn của cuộc sống, hoàn toàn không phải. Nếu như vậy, có lẽ ông nên lên TV làm một anh diễn giả hoặc viết vài cuốn sách tự kể lể và tự ca ngợi gián tiếp. Hawking không như thế.

Ông trở thành một nhà khoa học vĩ đại là vì trên hết, ông có bộ não của một thiên tài và có một niềm đam mê mà cực kỳ ít người có được. Khi một ai đó có trí tuệ và đam mê, người đó là thiên tài, chẳng liên quan gì tới bất cứ thứ gì khác nữa.

Ngoài những nghiên cứu không ngừng nghỉ của mình, một điều nữa làm nên sự vĩ đại của Hawking là ông mang lại cảm hứng cho mọi người hướng tới khoa học, ông mang lại cái nhìn dễ hiểu về vũ trụ cho tất cả mọi người. Những gì mà ông cống hiến qua những cuốn sách hay những bộ phim khoa học khiến cho vũ trụ trở nên gần gũi hơn nhiều với nhân loại.

Ông để cho mọi người đều có thể thấy được những gì mà các nhà khoa học đang làm, thấy được vẻ đẹp của vũ trụ và việc nghiên cứu nó quan trọng như thế nào đối với nhân loại. Đó là một giá trị to lớn mà không phải nhà khoa học nào cũng nghĩ tới và sẵn sàng làm.

Cuốn sách đầu tiên của Hawking mà tôi đọc được là cuốn "Lược sử thời gian" (A Brief History of Time) xuất bản tại Việt Nam năm 1999 - chỉ 1 năm sau khi tôi bắt đầu đam mê thiên văn học. Trước cuốn sách đó, ở Việt Nam KHÔNG CÓ bất cứ tài liệu nào về vũ trụ học. Nó mang lại những kiến thức hoàn toàn mới vượt xa khỏi những kiến thức thiên văn phổ thông và cổ điển đã được nói rất nhiều trong nhiều sách báo trước đó.

Chính những thứ đó đã giúp tôi nhận ra rằng thiên văn học thú vị như thế nào - vì chỉ ngắm Trăng, sao hay thử xem cái kính thiên văn hoạt động như thế nào thì quả thật là sẽ sớm nhàm chán và cũng chẳng có gì có vẻ khoa học cho lắm. Đam mê từ ngày đó đã dẫn tôi tới việc làm khoa học và giáo dục, phổ biến kiến thức về thiên văn học cho mọi người tới tận bây giờ.

...

Hawking là một người vô thần (giống tôi). Ông không quan tâm tới việc có đấng sáng tạo nào đó hay không. Với ông, chân lý khoa học cũng chỉ có một, vì thế ông không ngần ngại khi cho rằng vật lý ngày nay chẳng cần đến triết học. Hiển nhiên, nhiều người không thích quan điểm đó. Nhưng ... vậy thì sao?

Hawking cống hiến cuộc đời của mình cho khoa học, chẳng phải vì cần "nhân-quả" hay vì tôn kính một đấng nào đó. Ông làm vì đam mê của bản thân và lợi ích của nhân loại.

Ông cũng không cần bất cứ hệ thống triết lý nào để tự mô tả hay bảo vệ quan điểm, nên cũng chẳng cần mất thời gian đặt tên cho những thứ đó như là trường phái này, phương pháp luận nọ. Ông chỉ làm một thứ khoa học hoàn toàn thuần túy.

Lúc này đây, Hawking có ở thiên đường hay đang thử kiểm chứng một lỗ đen với linh hồn phi vật chất của mình, hay đơn giản là nằm đó và đợi vài tỷ năm nữa để được ném trở lại với vũ trụ? Ai biết được?

Điều quan trọng là cuối cùng ông đã được nghỉ ngơi trong vinh quang của mình.

Chỉ có điều ...

Thế giới này sẽ nhớ ông!

Ngày 14 tháng 3 năm 2018

Đặng Vũ Tuấn Sơn."

Stephen Hawking là nhà khoa học vĩ đại không phải vì căn bệnh ông mang! - Ảnh 1.

Thế giới nghiêng mình tiễn biệt Stephen Hawking.

Đúng vậy, thế giới và những người yêu thiên văn sẽ mãi nhớ về ông, bởi nhờ có ông, chúng ta mới có cái nhìn khác về vũ trụ này!

Mong ông hãy yên nghỉ!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại