Stephen Hawking, hình tượng vật lý vừa rời bỏ sân khấu cuộc đời (phần 1)

Steve Trần |

Nhà khoa học nổi tiếng vừa ra đi ở tuổi 76, Stephen Hawking, được báo Mỹ Huffington Post gọi là nhà vật lý biểu tượng của thế giới.

Ở tuổi 21, Stephen Hawking được chẩn đoán mắc căn bệnh xơ cứng cột bên teo cơ (ALS), một căn bệnh quái ác liên quan đến thần kinh vận động.

Theo thống kê, tỉ lệ sống sót sau hơn 10 năm của bệnh nhân mắc bệnh này chỉ có 4% nhưng bằng nghị lực và ý chí phi thường, Stephen Hawking đã vượt lên số phận để trở thành một trong những nhà khoa học lỗi lạc nhất thế giới.

Những đóng góp quan trọng cho khoa học thế giới

Công trình nổi tiếng nhất của nhà vật lý lý thuyết, nhà vũ trụ học từng tốt nghiệp cả hai trường hàng đầu nước Anh là Oxford và Cambridge - Stephen Hawking, là lỗ đen vũ trụ, một hiện tượng cho đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn với chúng ta.

Trái ngược với các giả định khoa học chiếm ưu thế trước đó cho rằng lỗ đen không thể co giãn với mọi loại vật chất và năng lượng, giả thuyết của Hawking là các lỗ đen trong thực tế phát tỏa ra một loại bức xạ mà ngày nay được đặt tên là bức xạ Hawking.

Ngoài ra, Hawking cũng đóng một vai trò then chốt trong việc dùng toán học thống nhất thuyết tương đối rộng của Einstein's với vật lý lượng tử, ngành vật lý mới nổi trong thế kỷ 20.

Với tư cách là một trong những nhà khoa học lừng danh nhất thế giới, Hawking cũng tận dụng vị thế này để tham gia thảo luận nhiều vấn đề đa dạng từ sự tồn tại của sự sống ngoài vũ trụ cho đến bản chất của triết học.

Stephen Hawking nhanh chóng nổi tiếng trước công chúng vào năm 1988, khi ông xuất bản cuốn sách đầu tiên cho độc giả phổ thông, A Brief History of Time: From the Big Bang to Black Holes (bản dịch tiếng Việt là Lược sử thời gian).

Theo Huffington Post, chuyên đề vũ trụ của Hawking đã bán được 10 triệu bản trên toàn thế giới, trở thành một trong những quyển sách khoa học bán chạy nhất mọi thời đại.

Năm 1961, sau khi chẩn đoán Hawking mắc bệnh ALS khi vừa bước qua tuổi 21, các bác sĩ riêng của ông cho rằng ông chỉ còn sống được hai năm nữa.

Tuy vậy, Hawking đã sống thêm nhiều thập kỷ nữa và có thể là bệnh nhân ALS chống chọi với căn bệnh này lâu nhất trong lịch sử y khoa.

Một chiếc ghế xoay giúp Hawking di chuyển và một hệ thống máy tính phức tạp giúp ông giao tiếp với mọi người, đó là hình ảnh quen thuộc của Hawking trong mắt số đông.

Câu chuyện cuộc đời đầy xáo trộn và nhiều cảm hứng của ông hoàng vật lý thế giới đã được chuyển thể thành bộ phim "The Theory of Everything" (Lý thuyết vạn vật), dựa trên một quyển hồi ký mà tác giả chính là người vợ đầu của ông, Jane Wilde.

Bộ phim đã đem về tượng vàng Oscar diễn viên xuất sắc nhất cho Eddie Redmayne, diễn viên thủ vai Hawking trên phim.

Stephen Hawking, hình tượng vật lý vừa rời bỏ sân khấu cuộc đời (phần 1) - Ảnh 1.

Diễn viên Eddie Redmayne và Stephen Hawking trong buổi công chiếu bộ phim The Theory of Everything tại Odeon, Leicester Square, Anh quốc năm 2014 (Ảnh: Shutterstock)

Những dấu mốc trong học tập, sự nghiệp và đời sống gia đình

Hawking sinh ngày 8 tháng 1 năm 1942, đúng dịp kỷ niệm 300 năm ngày mất Galileo, nhà thiên văn nổi tiếng bị tòa án dị giáo kết tội vì ủng hộ học thuyết mặt trời là trung tâm thái dương hệ, một quan điểm trái ngược hoàn toàn với nhà thờ và giới khoa học đương thời.

Cha Stephen Hawking là một nhà bác sĩ chuyên về bệnh nhiệt đới và mẹ ông là một thư ký y khoa. Sinh ra tại Oxford nước Anh, Hawking và 3 người em lớn lên tại thị trấn St. Albans ở phía Bắc London. Gia đình ông là nơi thu hút nhiều trí thức thời đó.

Khi còn học trường trung học St. Albans School, Hawking khá thờ ơ với việc học. Ông hứng thú nhiều hơn với các trò chơi cờ chiến thuật (board game, loại trò chơi chiến thuật trên bàn cờ giữa hai hay nhiều người như cờ cá ngựa, cờ tỉ phú ở Việt Nam) và mày mò máy tính.

Nhưng đến tuổi 17, ông cũng giành được cơ hội bước chân vào Oxford, trường đại học danh giá bậc nhất nước Anh và thế giới mà cha ông từng theo học.

Trên đường tới Oxford, Hawking còn đùa giỡn với các ý tưởng học toán hay y khoa trước khi ra quyết định theo đuổi vật lý.

Khi đó, ông vẫn bày tỏ thái độ uể oải trước việc học đại học, hiếm khi tham gia các bài giảng. Ông từng nói rằng, trong ba năm ở Oxford, ông chỉ dành một ngàn giờ để học, trung bình mỗi ngày một giờ.

Tuy vậy, trí thông minh trời phú vẫn giúp Hawking tỏa sáng trong thời đại học. Các gia sư của ông bức bối vì ông làm rất ít nhưng kết quả rất tốt. Khi ông nộp luận văn cuối khóa, ông được xếp loại lưng chừng giữa bằng danh dự hạng ưu và hạng hai.

Do đó, ông phải tham gia thêm kỳ thi vấn đáp để quyết định xếp loại cuối cùng. Theo các tài liệu, biết rõ mình nổi tiếng nên Hawking đã nói với các giám khảo như sau:

"Nếu các ông trao cho tôi hạng ưu, tôi sẽ đến Cambridge. Nếu tôi được nhận hạng hai, tôi sẽ ở lại Oxford. Vì vậy, tôi kỳ vọng các ông sẽ trao cho tôi hạng ưu".

Các giám khảo "đủ thông minh để nhận ra rằng họ đang nói chuyện với một người thông minh hơn hầu hết trong số họ", như bình luận của Berman, gia sư vật lý của ông. Vì vậy, các giám khảo đã đánh giá Hawking cao hơn ông nghĩ.

Kết quả là Stephen Hawking nhận bằng danh dự hạng ưu ngành khoa học tự nhiên của trường Oxford năm 1961. Ông giành được học bổng tiếp tục đến Trinity College của đại học Cambridge theo học tiến sĩ với các nhà vật lý Dennis Sciama và nhà thiên văn học Fred Hoyle vào năm 1962.

Tại đây, ông bắt đầu hứng thú với các nghiên cứu mới về lỗ đen và tính đơn nhất của vũ trụ mà sự tồn tại của nó đã được Einstein hàm ý trong thuyết tương đối rộng của ông.

Stephen Hawking, hình tượng vật lý vừa rời bỏ sân khấu cuộc đời (phần 1) - Ảnh 2.

(Ảnh: Twitter)

Trong khi học tại Cambridge, Hawking đã gặp Jane Wilde, một cô gái cũng xuất thân từ St. Albans và lúc đó đang theo học về ngôn ngữ hiện đại ở Westfield College, London.

Trước khi hai người bắt đầu hẹn hò, một tai nạn xảy ra. Hawking té ngã khi đang trượt băng và không thể đứng dậy. Mẹ ông đưa ông đến bác sĩ và kết quả là ông được chẩn đoán bị bệnh ALS với "án tử" chỉ còn sống sót được hai năm.

Nhiều năm sau đó, trong một hội thảo ở Cambrige nhân sinh nhật lần thứ 70 của ông, Hawking chiêm nghiệm lại cách ông đã vật lộn nhiều như thế nào để duy trì động lực sau khi biết kểt quả chẩn đoán mắc bệnh nan y.

Vì sao phải làm việc cật lực để giành học vị tiến sĩ khi bạn rồi cũng sẽ chết trong hai năm nữa?

"Hãy nhớ ngước nhìn lên các vì sao và đừng nhìn xuống chân bạn. Hãy cố gắng hiểu rõ những gì bạn thấy và hiểu những điều làm cho vũ trụ tồn tại. Hãy tò mò.

Trước những khó khăn trong cuộc sống, luôn có một điều gì đó bạn có thể làm và thành công với nó. Vấn đề nằm ở chỗ bạn đừng bỏ cuộc", đó là triết lý sống đã giúp nhà vật lý thiên tài chiến thắng bệnh tật để tiếp tục theo đuổi đam mê vũ trụ.

Stephen Hawking, hình tượng vật lý vừa rời bỏ sân khấu cuộc đời (phần 1) - Ảnh 3.

(Ảnh: Theofrak)

Xơ cứng cột bên teo cơ

Xơ cứng cột bên teo cơ (ALS- Amyotrophic Lateral Sclerosis, còn được gọi là bệnh Lou Gehrig) là một bệnh thần kinh tiến triển gây thoái hóa các tế bào thần kinh vận động ở não và tủy sống, làm cho bạn không thể điều khiển được cơ bắp theo ý mình.

Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới, ALS là một trong năm bệnh nan y hàng đầu với tỉ lệ sống sót sau hơn 10 năm chỉ có 4%. Hầu hết bệnh nhân chết vì suy hô hấp, thông thường trong vòng từ ba đến năm năm từ khi khởi phát triệu chứng.

(Còn tiếp)

Theo Huffington Post

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại