Theo nhà đồng sáng lập kiêm CEO Nadiem Makarim của Go-Jek, công ty này đang hướng tới những thị trường đông dân và ưa dùng tiền mặt, tức là dịch vụ thanh toán điện tử của Go-Jek sẽ là một phần quan trọng giúp hãng tiến vào các thị trường mới.
Đây sẽ là lần đầu tiên Go-Jek tiến ra thị trường nước ngoài. Trong khi đó, đối thủ Grab – công ty có trụ sở ở Singapore và được hậu thuẫn nguồn vốn rất lớn từ tập đoàn SoftBank của Nhật Bản cũng như Didi Chuxing của Trung Quốc – gần đây đã đẩy mạnh tấn công thị trường Indonesia. Hiện là công ty cung cấp dịch vụ vận tải theo nhu cầu lớn nhất Đông Nam Á với sự hiện diện ở 7 quốc gia, Grab được điều hành bởi Anthony Tan – người từng học chung với Makarim ở Havard Business School.
Trả lời phỏng vấn Bloomberg, Makarim cho biết: “Từ trước đến nay chúng tôi vẫn luôn ở thế phòng thủ. Đã đến lúc tấn công các đối thủ”.
Sau Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan là những quốc gia đông dân nhất ở khu vực Đông Nam Á với tổng số dân khoảng 270 triệu người. Go-Jek và Grab đã triển khai dịch vụ thanh toán điện tử trên các thiết bị di động, coi đó là 1 cách để mở rộng hoạt động và xây dựng những nền tảng ban đầu cho mảng cung cấp dịch vụ tài chính cho nhóm khách hàng ít có khả năng tiếp cận ngân hàng truyền thống.
“Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã xâm nhập được vào mô hình hoạt động rất hiệu quả ở những nền kinh tế mới nổi có cơ sở hạ tầng không được tốt. Chúng tôi sẽ tận dụng tất cả những gì mình có”, Makarim nói.
Go-Jek, startup kỳ lân đầu tiên của Indonesia, đang được định giá ở mức 3 tỷ USD sau khi có tin đồn huy động thành công 1,2 tỷ USD từ “gã khổng lồ” Tencent vào tháng 5 năm nay.
Hãng đã đạt 40 triệu lượt tải với 10 triệu người sử dụng trung bình mỗi tuần, chiếm 50% hoạt động vận tải của Indonesia nói chung và và 95% thị trường giao nhận đồ ăn nói riêng.
Chỉ trong hơn hai năm kể từ khi xuất hiện, Go-Jek đã đánh bại Uber và Grab ở sân nhà Indonesia. Hình ảnh hàng nghìn người lái xe với đồng phục màu xanh lá, len lỏi qua các tuyến đường đông đúc của thủ đô Jakarta để chở người, giao báo, vận chuyển hàng hóa… đã trở nên quá quen thuộc với người dân địa phương.