Lý do rời thủ đô từ Petrograd tới Moscow
Petrograd 2/10/1917. Ảnh: Tass
Sau Cách mạng tháng Mười năm 1917, người Bolshevik đã giành được quyền lực ở Nga và thành lập Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô). Cũng vào thời điểm này, thành phố St. Petersburg (còn được gọi là Petrograd trong gian đoạn 1914-1924) đã mất đi chức năng là thủ đô của Nga.
Theo Russia Beyond (RBTH), lý do thứ nhất là do các quan chức dưới thời Nga hoàng đã quay lưng với chính phủ Bolshevik. Tại các cơ quan dân sự ở Petrograd như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Ngoại giao, Điện báo Trung ương,... các công chức đã không tới làm việc, hủy tài liệu hoặc đơn giản là tự nhốt mình trong phòng. Do bị các nhân viên ngăn cản, những người Bolshevik không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thành lập các văn phòng nhà nước mới ở Moscow.
Thứ hai, tại Petrograd có một lượng lớn những người quay lưng với những người Bolshevik. Họ tổ chức các cuộc khiêu khích, tấn công người Bolshevik và những người ủng hộ Bolshevik. Chỉ bằng cách phong tỏa thành phố và cắt nguồn cung cấp lương thực, những người Bolshevik mới có thể khiến phía đối lập đầu hàng. Tuy nhiên, trong điều kiện phong tỏa thành phố, chính phủ không thể hoạt động hiệu quả.
Yếu tố thứ ba có lẽ cũng quan trọng nhất là Thế chiến I vẫn đang diễn ra vào năm 1918. Sau khi Phần Lan tuyên bố độc lập vào ngày 6/12/1917, biên giới đất nước chỉ cách Petrograd khoảng 35km. Tới cuối tháng 2, quân đội Đức đã ở rất gần thủ đô và ngày 2/3 bắt đầu ném bom tầm xa vào khu vực này.
Vào ngày 10/3, một chuyến tàu bí mật đã chở Vladimir Lenin và các nhà lãnh đạo cấp cao khác của Bolshevik rời Petrograd tới Moscow. Vào ngày 12/3, quá trình chuyển thủ đô hoàn tất và vào ngày 16/3, quá trình này được chính thức hóa tại Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ 4.
Tuy nhiên tại sao Moscow không được đổi tên?
''Cơn sốt đổi tên''
Petrograd vào những năm 1920. Ảnh: RBTH
Trong suốt cuộc đời mình, Lenin kiên quyết phản đối việc đổi tên thành phố, thị trấn, đường phố,… theo tên ông. Sau khi ông qua đời, người vợ của ông là bà Nadezhda Krupskaya đã nhiều lần nhắc lại mong muốn của chồng mình, tuy nhiên tiếng nói của bà đã không được lắng nghe.
Vào ngày 16/1/1924, chỉ 5 ngày sau khi Lenin qua đời, Đại hội Xô Viết đã đổi tên Petrograd thành Leningrad, lấy lý do là "các hoạt động cách mạng của Lenin lần đầu nở rộ trên mảnh đất Petrograd".
Joseph Stalin là người tạo ra "cơn sốt đổi tên" này. Các thành phố lớn và quan trọng nhất của Nga cũng được đặt lại theo tên của các nhà lãnh đạo Bolshevik nổi tiếng.
Bằng cách thực hiện chiến dịch đổi tên, Stalin đã tạo ra một Liên bang Xô Viết mới. Tất cả những tên gọi được đổi theo như ý nguyện chung của nhân dân và chính phủ trong việc tôn vinh vị lãnh tụ của dân tộc. Tuy nhiên, Stalin kiên quyết, nhiều lần phản đối mọi nỗ lực đổi tên Moscow.
Đề xuất đổi tên Moscow
Điện Kremlin nhìn từ cầu Bolshoy Kamenny, Moscow, năm 1937. Ảnh: Sputnik
Ý tưởng này lần đầu được đưa ra vào năm 1927. Khi đó có khoảng 200 công chức Bolshevik đệ đơn xin đổi tên Moscow thành Ilyich (dựa theo tên của Vladimir Lenin) với lý do rằng "Lenin đã mang lại tự do cho Liên Xô".
Stalin từ chối đề nghị này với lý do việc đặt tên hai thành phố lớn theo tên của Lenin là quá nhiều (Petrograd lúc đó đã trở thành Leningrad).
Nỗ lực thứ hai là vào năm 1938, được đưa ra bởi Nikolay Ezhov khi đó là Dân ủy Nội Vụ (Bộ trưởng Bộ Nội vụ- NKVD), người lúc đó đã đánh mất sự tin tưởng của Stalin. Trong nỗ lực giành lại sự ưu ái của lãnh đạo, Ezhov đã đề xuất kế hoạch đổi tên Moscow thành Stalinodar (có nghĩa là "món quà của Stalin"). Tuy nhiên lãnh đạo Liên Xô lúc đó gọi đề xuất này là "ngu ngốc".
Có ý kiến cho rằng Moscow cũng được đề xuất trong một chiến dịch đổi tên khác sau Thế chiến II, nhưng một lần nữa Stalin lại từ chối đề nghị này. Một lần khác ý kiến được đề xuất sau khi Stalin mất, nhưng nỗ lực cuối cùng cũng trở thành vô ích bởi chính sách nhằm giảm bớt sự sùng bái đối với Stalin thời gian đó.
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: