Spartan 3000: Đội quân khiến ông Kim Jong Un sợ ngang việc Hàn Quốc có vũ khí hạt nhân?

Tất Đạt - Trung Phạm |

Theo Sputnik, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã giảm số lần xuất hiện trước công chúng do lo ngại đội đặc nhiệm của Hàn Quốc.

Lời đe dọa quyết liệt từ Hàn Quốc

New York Times dẫn lời Shin Won-sik, tướng ba sao về hưu của Hàn Quốc, cho biết: "Đội đặc nhiệm Spartan 3000 là phương án tối ưu trong thời điểm hiện tại. Nếu Seoul không thể tự sản xuất vũ khí hạt nhân, thì ít nhất cũng có thể khiến ông Kim Jong Un ‘mất ăn mất ngủ’."

Theo Telegraph, Spartan 3000 là lực lượng gồm 3000 lính thủy đánh bộ thiện chiến của Hàn Quốc, có nhiệm vụ chính là tiêu diệt các cứ điểm quan trọng của Triều Tiên nếu chiến tranh bán đảo xảy ra.

Tuy nhiên, rõ ràng trong thông điệp mang tính đe dọa từ phía Hàn Quốc, đội quân Spartan 3000 không loại trừ kế hoạch ám sát ông Kim.

Các quan chức Quốc phòng Hàn Quốc cho biết lực lượng này có khả năng xâm nhập biên giới Triều Tiên vào ban đêm bằng máy bay vận tải hoặc trực thăng chuyên dụng.

Spartan 3000: Đội quân khiến ông Kim Jong Un sợ ngang việc Hàn Quốc có vũ khí hạt nhân? - Ảnh 1.

Ông Kim Jong Un theo dõi thử tên lửa. (Ảnh: KCNA)

"Chúng tôi có thể sản xuất được những quả tên lửa xuyên thủng được hầm trú ẩn của ông Kim Jong Un. Nhưng chúng tôi muốn gây ra nỗi sợ hãi tương tự mà không cần phải dùng đến bom đạn," ông Shin nói.

Ngày 16/6 vừa qua, Sputnik nhận định biệt đội này đã đạt được những hiệu quả nhất định. Ông Kim đã giảm số lần xuất hiện trước công chúng, ngừng lái chiếc xe ưa thích hiệu Mercedes Benz, và yêu cầu các sĩ quan tình báo, quân sự điều tra đặc biệt về kế hoạch ám sát.

Trả lời các phóng viên khi rời khỏi Cơ quan Tình báo Quốc gia, nhà lập pháp Hàn Quốc Lee Cheol-woo nói: "Ông Kim Jong Un và các cơ quan tình báo Triều Tiên dường như rất bận rộn với việc thu thập thông tin về kế hoạch ám sát này."

Spartan 3000: Đội quân khiến ông Kim Jong Un sợ ngang việc Hàn Quốc có vũ khí hạt nhân? - Ảnh 2.

Lính thủy đánh bộ Hàn Quốc. (Ảnh: Kim Hong-Ji / Reuters)

Đội Spartan 3000 từng được quân đội Mỹ huấn luyện, và được nhận định có đủ khả năng để lật đổ chính quyền Triều Tiên thông qua việc ám sát.

Tuy nhiên, theo truyền thông Mỹ, ngày 4/7, ông Kim Jong Un đã nằm trong tầm bắn của đặc nhiệm Mỹ khi giám sát vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), nhưng Mỹ không bắn đi phát đạn này. Washington muốn "thức tỉnh ông Kim qua đàm phán, chứ không phải qua vũ lực," Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói.

Đây không phải lần đầu tiên Hàn Quốc có kế hoạch thủ tiêu lãnh đạo Triều Tiên.

Cuối những năm 1960, sau khi quân đội Triều Tiên tìm cách thâm nhập dinh tổng thống ở Seoul, Hàn Quốc đã bí mật huấn luyện một nhóm điệp viên trên đảo Silmido để ám sát ông Kim Nhật Thành. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó bị hủy bỏ, kéo theo một vụ nổi loạn của các đặc nhiệm.

Rất hiếm khi một quốc gia hé lộ kế hoạch ám sát lãnh đạo nước khác. Trong trường hợp này, Hàn Quốc muốn Triều Tiên cân nhắc tới hậu quả khi tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân. Đây cũng là áp lực quyết liệt hơn nhằm đem Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in.

Hàn Quốc từ chối chạy đua vũ trang

Hôm thứ Hai (11/9), Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc (HĐBALHQ) đã nhất trí thông qua nghị quyết số 2375 về cấm vận hàng dệt may và dầu mỏ của Triều Tiên, siết chặt hơn trừng phạt với nước này.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý xóa bỏ giới hạn về khối lượng đầu đạn được phép gắn trên tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc, cho phép Seoul sở hữu nhiều tên lửa uy lực hơn.

Spartan 3000: Đội quân khiến ông Kim Jong Un sợ ngang việc Hàn Quốc có vũ khí hạt nhân? - Ảnh 3.

Tên lửa Hyunmoo-2 của Hàn Quốc trong cuộc tập trận. (Ảnh: SKDM/NYT)

Mỹ đã giúp Hàn Quốc chế tạo tên lửa đạn đạo đầu tiên vào những năm 1970, nhưng đổi lại Hàn Quốc phải chịu quy định giới hạn về khối lượng đầu đạn và tầm bắn để tránh chạy đua vũ trang trong khu vực.

Mặc dù phần đông các chính trị gia Hàn Quốc ủng hộ phát triển vũ khí hạt nhân, Tổng thống Moon Jae-in vẫn khẳng định sẽ theo đuổi chính sách phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Việc phát hiện đòn tấn công hạt nhân đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Theo tuyên bố của Bình Nhưỡng, Triều Tiên đã sản xuất được bom hạt nhân đủ nhỏ và nhẹ (dưới 500kg), và có thể lắp đặt trên tên lửa.

Rất khó để có thể tìm ra tên lửa Triều Tiên. Nhiều tên lửa đã được giấu dưới lòng đất, chưa kể tên lửa được phóng từ tàu ngầm.

Tháng trước, Hàn Quốc tuyên bố sẽ phóng 5 vệ tinh do thám vào quỹ đạo từ năm 2021 tới 2023 để theo dõi sát sao hơn hoạt động quân sự của Triều Tiên. Việc đàm phán với Pháp và Israel cũng đang được diễn ra để thuê lại các vệ tinh.

Seoul cũng có kế hoạch đưa các thiết bị bay trinh sát không người lái của Mỹ có tên RQ-4 Global Hawk vào sử dụng trong năm 2018.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại