Ảnh minh họa - NASA
Thông báo của SpaceX ngày 9/2 cho hay do không may bị phóng thẳng vào vùng bão mặt trời, có đến 40 trong số 49 vệ tinh nhỏ của hãng này đã bị mất kiểm soát, rơi ngược trở lại bầu khí quyển và bốc cháy, hoặc sắp sửa chịu số phận như vậy.
SpaceX cho biết một ngày sau khi phóng loạt vệ tinh, bão địa từ xuất hiện khiến bầu khí quyển trở nên dày đặc hơn. Điều này làm tăng lực cản đối với các vệ tinh Starlink.
Nhóm điều khiển ở trái đất đã cố gắng cứu các vệ tinh nhỏ bằng cách đưa chúng vào chế độ "ngủ đông", đồng thời lái chúng bay theo cách giảm thiểu lực cản nhất có thể. Thế nhưng, do sức hút của khí quyển quá lớn, các vệ tinh đã không thể hoạt động trở lại để bay lên quỹ đạo khác ổn định hơn.
SpaceX vẫn còn gần 2.000 vệ tinh Starlink quay quanh trái đất và cung cấp dịch vụ internet đến những nơi xa xôi trên thế giới. Chúng bay quanh trái đất ở độ cao 550km.
Các vệ tinh khi bị bão mặt trời tấn công đã ở trong vị trí tạm thời. SpaceX cố tình phóng chúng lên quỹ đạo thấp bất thường như vậy, nhằm giúp những mảnh thiết bị nhanh chóng quay trở lại bầu khí quyển, cũng như không gây đe dọa đến những tàu vũ trụ khác.
Xem tên lửa vũ trụ Falcon 9 của SpaceX bốc cháy như thiên thạch trên bầu trời Mexico ngày 8/2 sau khi kết thúc nhiệm vụ dài 5 năm trên không gian (nguồn: Daily Mail):
Theo công ty vũ trụ của Mỹ, những vệ tinh "yểu mệnh" này sẽ không gây nguy hiểm ở trên quỹ đạo hay dưới mặt đất. Mỗi vệ tinh nặng chưa đến 260kg.
SpaceX mô tả vụ thiệt hại hàng chục vệ tinh Starlink bị mất là một tình huống hy hữu.
Bão địa từ xảy ra khi mặt trời hoạt động cường độ cao, phóng ra các tia nổ trông giống như chùm pháo sáng. Bão địa từ có thể dẫn các luồng plasma của mặt trời lao ra ngoài không gian và hướng về Trái đất.
Kể từ khi phóng vệ tinh Starlink đầu tiên vào năm 2019, ông chủ Elon Musk đã đặt mục tiêu gây dựng một "chòm sao" gồm hàng nghìn vệ tinh để tăng cường hiệu quả dịch vụ internet. SpaceX đang cố gắng giúp khôi phục dịch vụ internet cho Tonga sau vụ phun trào núi lửa và sóng thần kinh hoàng hồi tháng 1.