Mặc cho SpaceX đã đưa thành công người lên vũ trụ bằng phi thuyền Crew Dragon, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA vẫn quyết định chi thêm 90 triệu USD cho Cơ quan Vũ trụ LB Nga Roscosmos. Số tiền này sẽ được sử dụng để mua một suất bay lên trạm Vũ trụ quốc tế ISS bằng tàu Soyuz của Nga vào mùa Thu năm nay.
Theo SpaceNews, NASA và Roscosmos đã kí kết thỏa thuận vào ngày 12/5 - 2 tuần trước khi SpaceX phóng thành công tàu Crew Dragon lên Trạm vũ trụ quốc tế ISS hồi cuối tháng 5 vừa qua, đánh dấu việc lần đầu tiên trong lịch sử một công ty tư nhân đưa thành công người lên vũ trụ. Đáng chú ý, thành tích này của SpaceX cũng được các quan chức Mỹ kỳ vọng sẽ khép lại thời kỳ các phi hành gia của NASA phải "đi nhờ" tàu Soyuz của Nga.
Khoảnh khắc tàu Crew Dragon của SpaceX chuẩn bị kết nối với trạm ISS
Tuy nhiên, NASA vẫn quyết định hợp tác với Roscosmos nhằm đảm bảo sự hiện diện của các phi hành gia người Mỹ trên trạm ISS không bị gián đoạn cho đến khi các chuyến bay thương mại vào vũ trụ được thực hiện thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, việc NASA chi tiền để mua suất lên ISS bằng tàu vũ trụ của Nga cũng được coi như phương án dự phòng trong trường hợp phi vụ phóng của SpaceX gặp trục trặc bất ngờ.
"Chúng tôi cần đảm bảo sự hiện diện của các phi hành gia người Mỹ trên trạm ISS không bị gián đoạn. Do vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Roscosmos để đưa các phi hành gia người Mỹ vào vũ trụ như một phương án dự phòng cho các chuyên bay thương mại", giám đốc NASA Jim Bridenstine cho biết trong chuyến ghé thăm trụ sở SpaceX vào tháng 10 năm ngoái.
"Nếu mọi việc diễn ra đúng theo kế hoạch, chúng tôi có thể không cần mua thêm ghế trên tàu Soyuz nữa", ông Jim Bridenstine thời điểm đó khẳng định.
Trên thực tế, NASA từng kỳ vọng các chuyến bay thương mại vào vũ trụ sẽ chính thức được khởi động vào năm 2017. Tuy nhiên, cả SpaceX và Boeing, 2 đối tác hiện đang phát triển tên lửa cho NASA, đã gặp phải một số vấn đề khiến các chuyến bay liên tục bị trì hoãn.
Hiện tại, NASA vẫn chưa quyết định có nên tiếp tục ‘quá giang’ tàu vũ trụ Nga nữa hay không trong đợt phóng lên trạm ISS dự kiến diễn ra vào đầu năm 2021.
"Chúng tôi muốn thấy mức độ rủi ro mà chúng tôi cần chấp nhận", giám đốc NASA cho biết khi đề cập đến các tên lửa phóng của tư nhân như Falcon 9, cho thấy cơ quan này vẫn đang đánh giá kết quả phi vụ phóng của SpaceX trước khi đưa ra quyết định tiếp theo.
Mỹ có thể vẫn phải 'cậy nhờ' tới Nga để đưa phi hành gia lên trạm ISS trong tương lai
Được biết, nữ phi hành gia Kate Rubins của NASA sẽ bay vào vũ trụ vào ngày 14/10 tới đây bằng tàu vũ trụ Soyuz MS-17 từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan, đi cùng với các phi hành gia Sergey Ryzhikov và Sergey Kud-Sverchkov của Roscosmos - Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga.
Theo NASA, trong nhiệm vụ kéo dài 6 tháng, nữ phi hành gia này sẽ sử dụng Phòng thí nghiệm nguyên tử lạnh trên trạm ISS để tiến hành nghiên cứu về cách làm mát nguyên tử bằng ánh sáng laser, vốn giúp ích cho quá trình phát triển các cảm biến lượng tử trong tương lai. Đồng thời, phi hành gia Kate Rubins cũng sẽ thực hiện các nghiên cứu về hệ tim mạch của con người trong môi trường chân không, dựa trên những nghiên cứu từng được cô thực hiện trong nhiệm vụ trên trạm ISS vào năm 2016.
Tham khảo Space News