Vài ngày gần đây, mặc dù bảng hiệu của Soya Garden vẫn chưa gỡ khỏi cửa hàng số 325 Lý Tự Trọng – quận 1 – TP.HCM, nhưng chung quanh tường phía ngoài quán cũng đã được các bên môi giới dán chi chít những miếng giấy có in số điện thoại và địa chỉ liên lạc về việc thuê lại địa điểm này. Điều này đồng nghĩa với việc, Soya Garden không còn thuê địa điểm này để kinh doanh nữa.
Cửa hàng flagship này cũng chính là cửa hàng cuối cùng của Soya Garden tại thị trường miền Nam.
Tức là, khi đóng nốt cửa hàng này, Soya Garden đã quyết định từ bỏ thị trường miền Nam và rút về hoạt động tại miền Bắc – cụ thể là ở thị trường Hà Nội. Trên website của Soya Garden cũng thể hiện chính xác điều này, họ chỉ còn hiển thị 8 cửa hàng Hà Nội (trong đó có 1 cửa hàng nhượng quyền).
Vào tháng 7/2019, Soya Garden khai trương cửa hàng thứ 50 của mình ở ngã 6 Phù Đổng – vị trí đắt địa nhất của TP. HCM.
Chỉ chưa đầy 2 năm, Soya Garden từ trên đỉnh cao bị đánh cho hiện nguyên hình về điểm xuất phát trước khi lên chương trình Shark Tank mùa 1 năm 2017 và được Shark Thủy bơm tiền. Lúc đó, họ cũng có 2 cửa hàng tự mở và 8 nhượng quyền.
Năm 2017, founder kiêm CEO của Soya Garden đã lên chương trình Shark Tank gọi vốn cho chuỗi thức uống của mình, anh muốn gọi 15 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần. Kết quả là cả 4 "cá mập" chính trong chương trình từ chối, chỉ duy nhất "cá mập khách mời" Nguyễn Ngọc Thủy đồng ý rót vốn vào dự án.
Sau gói đầu tư 20 tỷ vào năm 2018, đến đầu năm 2019, Tập đoàn Egroup của Shark Nguyễn Ngọc Thủy đã nâng mức đầu tư thành 45 tỷ cho Soya Garden. Vào cuối tháng 4/2019, tập đoàn Egroup tiếp tục công bố đầu tư thêm 55 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư lên 100 tỷ đồng, biến Soya Garden trở thành thương vụ đầu tư lớn nhất Shark Tank Việt Nam tính tới thời điểm đó.
Nhờ thế, chỉ trong vòng chưa đến 1 năm, Soya Garden đã có nguồn vốn dồi dào để điên cuồng mở cửa hàng cả ở Hà Nội lẫn TP. HCM. Tính đến tháng 7/2019, họ đã mở được 50 cửa hàng trên khắp cả nước, thậm chí còn ‘giành’ được vị trí đắt địa ở ngã 6 Phù Đổng từ tay Phúc Long.
Những cửa hàng còn lại của Soya Garden tại thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, từ sau cửa hàng flagship đó, dường như Soya Garden không mở thêm cửa hàng nào nữa, thậm chí họ còn âm thầm đóng bớt. Vào cuối tháng 1/2020, tức là trước Tết Nguyên Đán, trên Fanpage Soya Garden, họ cho biết có tất cả 45 cửa hàng: 29 tại Hà Nội, 13 tại TP. HCM và 2 tại Hải Phòng, 1 ở Nha Trang.
Vào tháng 5/2020, sau đợt cao trào lần đầu của Covid-19, Soya Garden bắt đầu đóng cửa hàng loạt cửa hàng tại TP. HCM và Hà Nội. Chỉ trong vòng vài tháng, Soya Garden đã đóng gần ½ cửa hàng của mình trên toàn quốc.
Sau đó, trong bài phỏng vấn với chúng tôi vào cuối tháng 5/2020, founder Hoàng Anh Tuấn cho rằng, việc Soya Garden đóng bớt cửa hàng tại TP. HCM nhằm thay đổi mô hình kinh doanh phù hợp hơn với thị trường TP. HCM cũng như xu hướng của chuyển đổi số, chứ không phải doanh nghiệp này chuẩn bị ‘toang’ như lời đồn thổi của nhiều người. Vào cuối năm nay, startup này sẽ lần đầu triển khai mô hình kiosk và cửa hàng nhỏ tại TP. HCM.
Cụ thể, vào cuối năm 2020, Soya Garden cho biết sẽ chính thức ra mắt mô hình mới - kiosk và cửa hàng nhỏ của mình tại TP. HCM. Tuy nhiên, doanh nghiệp này không hoàn toàn thay các quán lớn bằng quán nhỏ, mà phát triển song song. Ở những khu vực phù hợp vẫn giữ số lượng quán đủ lớn để tập trung vào trải nghiệm sản phẩm chất lượng trong không gian đặc trưng của Soya Garden, những khu vực khác sẽ nhấn vào trải nghiệm chất lượng đồ uống - sự tiện lợi bằng các kiosk và cửa hàng nhỏ vệ tinh.
Tuy nhiên, đến tháng 8/2020, Hoàng Anh Tuấn đã rời ghế CEO, từ biệt ‘đứa con’ của mình để đi tìm thử thách khác. Lúc đó, Soya Garden có 17 cửa hàng, 2 tại TP. HCM – trong đó có cửa hàng ở ngã 6 Phù Đổng.
Chuyện đóng cửa cửa hàng flagship ở ngã 6 Phù Đổng chỉ là vấn đề thời gian, nên với người trong ngành F&B, hẳn không ai cảm thấy ngạc nhiên khi nhận thông tin này.
Có thể, Soya Garden là một trong những thương vụ đầu tư thất bại lớn nhất của cả Shark Thủy – Egroup và chương trình Shark Tank cho đến thời điểm này.
Nguyên nhân đầu tiên, như trong giới phân tích, thì bởi đây không phải là mô hình kinh doanh đúng, nên khi cấp tập mở rộng chuỗi cũng đồng nghĩa với nhân rộng sự sai lầm. Covid-19 là "chiếc áo vắt lên lưng con lừa" khiến cho sự sai lầm đó trả giá nhanh hơn và lớn hơn.