Từng nghỉ việc 3 tuần chăm con cấp cứu vì sốt xuất huyết , chị Ban Mai (32 tuổi, quận 2) hiểu thấu mức độ nguy kịch của bệnh gây ra với con trẻ. Bé mê man, sốt cao hầm hập, uống nước cầm hơi, tay chằng chịt vết bầm tím ven truyền. Bố mẹ thì bơ phờ canh con ngủ từng giấc, chưa kể hao tiền tốn bạc do nằm viện dài ngày.
Dịch vừa mới qua được 2 tháng, đã dồn dập quay lại miền Nam. Virus gây bệnh có 4 chủng, sốt xuất huyết một lần vẫn còn thể dính thêm 3 trận nữa. Chị Mai lo đứa lớn nhiễm lại, đứa bé mắc mới, nên sốt vó lo cách phòng bệnh.
Theo bà mẹ 2 con trò chuyện, không khó để giúp bé miễn nhiễm với dịch, song phải thực hiện rất nhiều các biện pháp tiểu tiết.
Phòng bệnh sốt xuất huyết trong mùa dịch
Sốt xuất huyết lây truyền qua muỗi vằn - loài côn trùng hút máu phổ biến nhất thế giới. Do vậy, cách phòng dịch tốt nhất là diệt muỗi và bọ gậy. Chum vại chứa nước phải đậy kín hoặc lật úp, bình hoa cần thay nước hàng ngày để muỗi không đẻ trứng.
Cả nhà chị Mai đi làm, đi học từ sáng sớm đến chiều muộn mới về, nên cứ 2 tuần một lần, chị sẽ xịt thuốc diệt muỗi hoặc đốt hương muỗi trước khi ra khỏi cửa, đợi đến tối về thuốc bay hết là vừa.
Để ngừa muỗi đốt, chị Mai ra “sắc lệnh tối cao” cả nhà phải ngủ màn, bất kể ngày hay đêm. Trước khi ngủ, chị thường cầm vợt điện kiểm tra màn có muỗi không. Muỗi vằn thường trú đậu ở các xó tối, quần áo, chăn màn, dây phơi…
Hễ phát hiện thấy muỗi màu đen, thân và chân có đốm trắng trong nhà, chị Mai sẽ báo động đỏ cho cả gia đình.
Theo chị Mai, muỗi cũng kén người đốt. Chúng thường bị thu hút bởi những đứa trẻ thân nhiệt cao, “thơm lừng” mùi mồ hôi. Vậy nên bà mẹ 32 tuổi chăm tắm rửa sạch sẽ cho con, mở điều hòa mát mẻ để chúng chơi trong phòng.
Muỗi vằn cái thường đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất vào sáng sớm và chiều tối trước khi mặt trời lặn, nên tụi trẻ lúc nào cũng phải mặc quần áo dài tay, ưu tiên cotton hút mồ hôi hoặc vải lanh mát mẻ, hạn chế chơi vào 2 khung giờ này.
Chăm con miễn nhiễm với biến chứng sốt xuất huyết
Chị Mai chia sẻ, chăm con cẩn thận đến mấy cũng chỉ phòng được 95% nguy cơ. Nếu chẳng may nhiễm bệnh, kinh nghiệm nuôi con nằm viện nửa tháng của chị cho thấy, chăm con đúng cách sẽ phòng được biến chứng nguy hiểm. Bệnh có thể gây xuất huyết nội tạng, sốc mất máu, suy tim thận, tràn dịch màng phổi, thậm chí tử vong...
Sau khi bị muỗi vằn đốt 7-10 ngày, trẻ bắt đầu sốt. Chị Mai nhớ như in lời bác sĩ dặn dò, khi sốt cao trên 38,5 độ C, bé chỉ được uống thuốc hạ sốt chứa paracetamol (mỗi liều cách 4-6 tiếng).
Tuyệt đối không dùng aspirin, analgin, ibuprofen vì gây xuất huyết, toan máu, làm trẻ nguy kịch hơn. Các bé hay nôn trớ, nên chị Mai thường chọn thuốc hương cam, vị ngọt, dễ uống.
Đặc biệt, cần chú ý bù nước cho trẻ bằng nước lọc, nước trái cây (dừa, cam, chanh...) hoặc nước cháo loãng pha muối, tốt nhất là oresol. Trẻ đang sốt cao, phản ứng của cơ thể rất mạnh, tuyệt đối không tự ý truyền nước, truyền dịch gây sốc, nguy hiểm đến tính mạng.
Trẻ bị sốt xuất huyết nên nằm trong màn, tránh để muỗi đốt lây lan bệnh cho người khác. Giai đoạn này, cần chăm trẻ ăn uống chu đáo, thể trạng tốt mới ít nguy cơ biến chứng. Nhắc trẻ không nên chạy nhảy nhiều, tránh làm xuất huyết bên trong cơ thể.
Về chế độ ăn, nên nấu thức ăn loãng, dễ tiêu, chia làm nhiều bữa nhỏ. Chị Mai khuyên không nên cho trẻ ăn thực phẩm có màu đen hoặc đỏ sẫm như thanh long, dưa hấu, củ dền… Năm ngoái, con chị ăn rồi đi ngoài phân đen phân đỏ, khiến bác sĩ tá hỏa suýt nhầm với xuất huyết tiêu hóa.
Nếu trẻ tự nhiên bồn chồn, lừ đừ, đau bụng vùng gan tăng, da sung huyết nhưng chân tay lạnh, nôn tăng đột ngột, nôn ra máu hoặc đi ngoài máu tươi, tiểu ít… thì phải nhập viện ngay. Đây là dấu hiệu bệnh diễn biến nặng, nếu nhập viện kịp thời, tỷ lệ tử vong sẽ giảm từ 20% xuống còn 1%.
Chị Mai nhớ lại, tại bệnh viện, bác sĩ đã xét nghiệm máu, đánh giá thêm 3 dấu hiệu nữa gồm phù nề, tràn dịch, gan to, tiểu cầu giảm để xác định trẻ bệnh nặng. Nhờ điều trị hợp lý, con chị mới dần hồi phục, chân tay ấm lên, ra mồ hôi, mạch và huyết áp ổn định dần, lượng nước tiểu nhiều hơn, tỉnh táo, bắt đầu ăn ngon miệng và khỏe lại.