'Sốt đất' ở Nghệ An giảm nhiệt

Văn Dũng |

Sau một thời gian "sốt cao" bất thường, thị trường bất động sản khu vực ven TP. Vinh (Nghệ An) và các vùng lân cận đã bắt đầu giảm nhiệt.

Cùng với diễn biến trên phạm vi cả nước, tại Nghệ An, giá đất, đặc biệt tại TP. Vinh và vùng lân cận cũng tăng nhanh từ cuối năm 2020.

Cơn sốt đất được cộng hưởng nhờ thông tin nhiều tập đoàn lớn vào đầu tư các khu đô thị quy mô ở Nghệ An, như, Dự án Bãi Lữ MeyResort có quy mô gần 200ha tại Nghi Lộc của Tập đoàn Tân Á Đại Thành; Khu giải trí Cửa Hội 195,5 ha của Vingroup; Tập đoàn Ecopark cũng sẽ đầu tư xây Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng 200ha tại Hưng Hòa…

Bên cạnh đó, TP. Vinh đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ đầu tư hàng loạt dự án đô thị, như: Dự án Khu đô thị của Tập đoàn Vingroup ở phường Quang Trung; Dự án Khu đô thị của Công ty CP Tập đoàn FLC; Dự án Tổ hợp thương mại, du lịch, đô thị Bến Thủy và các dự án phát triển của Công ty CP Tập đoàn T&T; Dự án Khu đô thị của Công ty CP Eurowindow Holding…

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng dần hoàn thiện, với 2 công trình trọng điểm đã thành hình là cầu Cửa Hội nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hay tuyến đường 72m nối từ huyện Hưng Nguyên xuống đến thị xã Cửa Lò đã có tác động lớn đến việc giá đất "nhảy múa" trong thời gian qua, tạo ra những "cơn sốt" cục bộ ở các vùng ven TP. Vinh, ở tuyến đường 72m hay khu vực xung quanh cầu Cửa Hội…

Anh Cao Thành, một nhà đầu tư lướt sóng có tiếng ở TP. Vinh cho biết, trong quý I/2021, giá đất nền ở một số xã vùng ven TP. Vinh như: Hưng Lộc, Nghi Ân, Nghi Kim, Nghi Phong, Nghi Thái… tăng một cách chóng mặt. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ và giới "cò đất" đổ về những địa phương này rất nhiều.

Theo anh Thành, khi sốt cao, giá đất ở đây không những tăng theo ngày mà còn tăng theo từng giờ. Có những lô đất buổi sáng được rao bán với giá 5 - 6 triệu/m2 thì buổi chiều đã tăng lên 7,5 - 8 triệu/m2.

Ông Nguyễn Quang Thắng, một người dân ở xã Nghi Phong (Nghi Lộc) cho biết, trước đây, giá đất ở đường liên thôn chỗ ông chỉ có giá từ 3 – 4,5 triệu đồng/m2, chỉ trong hơn 2 tháng ra tết mà giá đất đã được đẩy lên 7 – 9 triệu/m2.

Tuy nhiên, trong hơn 1 tháng trở lại, giá đất ở các khu vực này đang chững lại, lượng khách hỏi mua hầu như không có.

Theo ông Thắng, ở thời điểm sốt đất, người đến đây xem, mua đất như đi trẩy hội, tuy nhiên, thời gian gần đây thì lượng người đến xem và mua giảm đi rất nhiều, mặc dù giá đất đã giảm hơn trước.

Sốt đất ở Nghệ An giảm nhiệt - Ảnh 1.

Các sàn giao dịch bất động sản nằm trên tuyến đường 72m đã vắng khách hơn đáng kể so với cách đây 1 tháng. Ảnh: Văn Dũng

Trao đổi với Nhadautu.vn , ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, cơn sốt đất thời gian qua ở Nghệ An là hiện tượng nóng, hiện tượng ảo, chứ không phản ánh cung - cầu thực của thị trường.

Theo ông Đính, điểm cân bằng của thị trường là có cung và cầu đang tìm gặp nhau, cầu ở đây là mua để sử dụng, để ở, để đầu tư kinh doanh lâu dài, chứ không phải theo kiểu phong trào, kiếm lời lướt sóng.

Ông Đính cho rằng, cơn sốt đất vừa qua là sốt ở những khu vực, dự án nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nước, "nóng" ở những khu vực không kiểm soát được, nóng trong dân… Những người mua đất ở đây không phải là những nhà đầu tư bất động sản thực sự, mà đây là những người đi "buôn đất" theo phong trào, thấy đất đai đang nóng sốt thì nhảy vào mua, rồi nhanh chóng kiếm lời một ít, dẫn đến thị trường ở đây sôi động.

"Sự can thiệp của chính quyền và sự vào cuộc của truyền thông đã ngăn chặn thị trường bất động sản không trở thành "bong bóng", không trở thành thị trường ảo và sôi động tự phát; thị trường sẽ quay trở lại giá trị thật, của các nhà đầu tư thật.

Những nhà đầu tư thật thì họ sẽ lựa chọn những dự án tốt, chất lượng, giá cả hợp lý họ mới tham gia, chứ không nhảy lung tung để "sốt" như thời gian qua", ông Đính nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại