“Sốt đất” cục bộ phía Tây Hà Nội, cảnh báo hiện tượng thổi giá

Nhật Minh |

Lợi dụng các thông tin quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng các siêu dự án khu đô thị, hạ tầng giao thông, thông tin lên quận… giới “cò đất” đang có xu hướng thổi giá ở một số nơi khu vực Hoài Đức và Đan Phượng tiếp sau những điểm nóng trước đó là Đông Anh, Gia Lâm.

Gần đây, giá đất ở khu vực Đan Phương bỗng dưng được chào bán tăng khá cao so với hồi giữa năm trên một số trang mạng về bất động sản.

Đơn cử như tại batdongsan.com.vn đất ở Tân Lập, Tân Hội được chào bán khoảng trên 50 triệu đồng/m2 ở mặt tiền đường giao thông chính, dù trước đó vài tháng mặt bằng chung chỉ vào khoảng trên 40 triệu đồng/m2. Mức tăng trung bình khoảng 30-35%.

Giá đất thổ cư ở các làng, xã khu vực Đan Phương cũng đã hình thành mặt bằng giá mới vào khoảng 25 triệu đồng/m2 đối với các trục đường ô tô tránh nhau được. Khu vực Liên Trung, Liên Hà khoảng 15-18 triệu đồng/m2 vào hồi đầu năm giờ cũng tăng lên khoảng 22 triệu đồng/m2.

Thị trấn Phùng là khu vực có hạ tầng hiện đại, đồng bộ và sầm uất nhất khu vực này, giá nhà đất cũng được chào bán khá cao dao động từ 65 – 70 triệu đồng/m2, ở những vị trí sâu trong các khu phố giá nhà đất cũng đã tăng lên trên 20 triệu đồng/m2.

Không chỉ Đan Phượng, một số khu vực Hoài Đức đất ở đô thị gần đây cũng tăng giá đáng kể. Giá nhà phố, biệt thự tại một số khu đô thị mới tăng trung bình khoảng 10 triệu đồng/m2.

Trao đổi với báo chí tại sự kiện mở bán hơn 130 căn biệt thự, nhà vườn thuộc Khu đô thị Bắc Quốc lộ 32 (Hoài Đức) gần đây, ông Đinh Quang Chiến, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Nhà Từ Liêm cho rằng, từ đầu năm đến nay việc giao dịch mua bán biệt thự và nhà phố của khu đô thị khá sôi động, có nhiều khách hàng tìm đến hỏi mua, nhất là kể từ khi có thông tin Hoài Đức lên quận vào 2020.

Từ mức giá 22 triệu đồng/m2 vào đầu năm 2019, đến nay giá đất giao dịch tại đây đã tăng lên 30 triệu đồng/m2.

“Sốt đất” cục bộ phía Tây Hà Nội, cảnh báo hiện tượng thổi giá - Ảnh 1.

Quy hoạch Đan Phượng

Còn theo ghi nhận của Công ty CBRE Việt Nam, thị trường nhà thấp tầng quý 4 năm 2019 tại Hà Nội có phần khởi sắc. Nguồn cung tung ra thị trường tăng khá ấn tượng 82% so với năm ngoái đạt trên 4.200 sản phẩm mở bán mới, trong đó có trên 3800 căn đã bán được tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, cũng theo công ty này mức tăng giá trung bình của biệt thự và nhà phố tại Hà Nội trong năm qua chỉ tăng khoảng trên 11% so với năm ngoái và 2,2% so với quý trước. Giá chào bán thứ cấp được ghi nhận tăng tại nhiều khu vực, đặc biệt là tại cụm dân cư mới ở các quận/huyện Gia Lâm, Hoài Đức và Hà Đông.

Việc thông tin một số huyện ven Hà Nội được quy hoạch lên quận đang được giới đầu tư địa ốc lý giải là một trong số những nguyên nhân chính khiến giá đất ở các huyện này "nhảy múa" thời gian gần đây. Tuy vậy, trong số những huyện sắp lên quận thì chỉ có Hoài Đức là sẽ sớm đạt được các chỉ tiêu vào năm 2020.

Bên cạnh đó, giới kinh doanh còn lý giải ở khu vực Đan Phượng đang "nóng" về giá đất còn bởi "cò đất" vin vào thông tin khu vực này sắp xây dựng một số siêu dự án khu đô thị cao cấp.

Trong đó, đáng chú ý là sự xuất hiện của dự án Vinhomes Green City quy mô hơn 100ha của VinGroup hay một "ông lớn" BĐS khác cũng sắp ra mắt một dự án có quy mô lên đến 200ha ở khu vực cách đó không xa.

Giá biệt thự, nhà phố Hà Nội

“Sốt đất” cục bộ phía Tây Hà Nội, cảnh báo hiện tượng thổi giá - Ảnh 2.

Nguồn: CBRE Việt Nam

Trước đó, năm 2011 thị trường phía Tây khu vực Đan Phượng, Hoài Đức cũng từng xảy ra cơn sốt đất ảo vào cuối năm 2010 đầu năm 2011 khi đó là thông tin dự án tuyến đường trục Tây Thăng Long được phê duyệt, dự kiến được triển khai xây dựng đã khiến giá đất dọc các xã, làng mà tuyến đường đi qua bỗng dưng "nhảy múa".

Tuy nhiên, sau đó dự án trục Tây Thăng Long cũng đã chậm triển khai, hoãn lại do việc điều chỉnh quy hoạch thì giá đất sau đó cũng "bốc hơi" rõ rệt.

Hiện tuyến đường trục Tây Thăng Long đang được triển khai trở lại. Mới đây đoạn từ Hoàng Quốc Việt đến đường Văn Tiến Dũng dài hơn 3km thuộc quận Bắc Từ Liêm với tổng mức đầu tư gần 1500 tỷ đồng đã được khởi công xây dựng vào giữa tháng 12 năm ngoái.

Theo các chuyên gia, việc hội tụ nhiều thông tin liên quan đến quy hoạch dự án, xây dựng đường, siêu dự án đô thị… ở khu vực này đã khiến giá đất tăng nhanh trong thời gian ngắn, có nguy cơ "sốt ảo". Do đó, nhà đầu tư nên thận trọng với các giao dịch.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Savills Hà Nội từng chia sẻ với báo chí, thời gian qua báo chí nói nhiều đến chuyện "sốt đất" ở các khu vực này. Tuy nhiên, việc lên quận có lộ trình, thời gian cần rất nhiều để có thể lên được quận. Nhà đầu tư cần có cái nhìn thận trọng, nghiên cứu kỹ càng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại