Trong xã hội ngày nay, hầu như ai cũng có khả năng ngụy trang bản thân đằng sau những lớp mặt nạ.
Có người che dấu sự yếu đuối bằng vỏ bọc mạnh mẽ, nhưng có người lại che giấu tâm tư xấu xa bằng vỏ bọc hiền lành lương thiện bên ngoài.
Thế nên người ta mới có câu nói: "Dò sông dò biển dễ dò, mấy ai lấy thước mà đo lòng người."
Sông sâu, biển lớn nhưng cũng không phải là vô tận, chúng ta vẫn có cách để đo được độ sâu của nó.
Thế nhưng, lòng người thâm sâu khó lường, mấy ai dễ mà đong đếm được. Giống như câu ca dao trên, ai dám cam đoan có thể hiểu thấu hết một người?
Phàm ở đời, thứ gì càng khó nắm bắt càng nguy hiểm. Người hôm nay có thể trước mặt cười nói với mình, hôm sau “đâm một nhát sau lưng” không còn bất ngờ.
Vì vậy, càng cẩn trọng, cảnh giác thì chúng ta mới càng có thể bảo vệ bản thân và những giá trị quan trọng lâu dài hơn.
Với những người có 4 thói quen giao tiếp sau đây, cần cân nhắc kỹ càng mức độ chân thành trong từng câu chữ của họ:
1. Người thích khen ngợi, tâng bốc kẻ khác
Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau là câu nói thể hiện tầm quan trọng của những lời thiện, ngợi khen người khác.
Trong việc đối nhân xử thế và xây dựng mối quan hệ xung quanh, những người am hiểu đạo lý này có đủ bản lĩnh thâm sâu để nắm bắt và điều khiển cảm xúc của những người xung quanh.
Những lời tâng bốc hợp tình hợp lý sẽ khiến chúng ta dễ dàng vui vẻ, đánh mất sự cảnh giác cũng như hình thành ảo tưởng về mối quan hệ đôi bên trở nên thân thiết hơn.
Nhưng thực chất, những lời khen này chỉ mang tính xã giao, họ có thể dễ dàng nói ra dù đúng dù sai nhưng để lại những ảnh hưởng đáng sợ cho người nghe, khiến chúng ta quên mất bản lĩnh thật sự của mình đến đâu.
2. Kẻ thích mua chuộc lòng người
Với một người khôn ngoan, giỏi toan tính, biết nắm bắt cảm xúc của người khác, họ luôn có cách để khiến những người xung quanh cũng như cấp dưới hết lòng vì mình.
Giống như vua chúa thời xưa muốn làm nên nghiệp lớn, phải biết cách đối xử với người dưới không thể quá hà khắc, luôn khoan dung hào phóng.
Cho dù bản thân không phải người khoan dung độ lượng thì cũng phải giả vờ hành động như vậy để khiến cấp dưới mang ơn đội nghĩa, hết lòng trung thành.
Mua chuộc lòng người chính là một loại tài năng không chỉ thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của một người mà cũng chứng tỏ họ có lòng dạ thâm sâu, luôn sắp đặt và toan tính chứ không đối xử chân thành 100%.
3. Kẻ nói chuyện ba phải nước đôi
Những lời ba phải không có giá trị nhường nào thì người có thói quen nói ra những lời ấy cũng không phải đối tượng thích hợp để đặt trọn niềm tin của chúng ta.
Những kẻ này thường có thói quen không đưa ra bất cứ kết luận chắc chắn và chính xác nào trong mọi trường hợp. Đến cuối cùng, cho dù kết quả ra sao, họ vẫn có thể hùng hồn ngụy biện cho chính mình.
Đứng trước những sự lựa chọn hoặc thời điểm cần quyết đoán, họ chỉ lập lờ nước đôi để tránh phải chịu trách nhiệm trong trường hợp có sai lầm bất ngờ xảy ra.
Hành động này chứng tỏ họ luôn đặt địa vị an toàn của bản thân lên trên hết, không đáng để tin tưởng, không phải người có thể cùng chung hoạn nạn hay có khổ cũng chịu.
4. Những người lõi đời, khéo đưa đẩy
Trong đời sống hiện thực, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra, những người lõi đời, khéo đưa đẩy trong từng câu nói thường thuận lợi, xuôi gió xuôi nước trong mọi chuyện của cuộc sống.
Bọn họ không chỉ hiểu đạo lý đối nhân xử thế với những người xung quanh mà còn vẽ cho mình một vỏ bọc hoàn hảo, xây dựng thiện cảm trong mắt người đời.
Sự lõi đời của họ thể hiện trong cách đưa đẩy khéo léo, khiến người xung quanh có cảm giác lập trường của họ rất khách quan, công bằng chứ không ba phải hay lập lờ nước đôi như kiểu người thứ ba.
Có như vậy, họ vừa bảo vệ được ích lợi của bản thân, lại vừa không đắc tội với bất cứ người nào.
Khi quan hệ với kiểu người này, mọi người xung quanh có thể lầm tưởng rằng họ rất thân thiện, hòa đồng nhưng thực chất, bản tính bên trong lại cực kỳ xa cách.