"Sóng ngầm" trên Bán đảo Triều Tiên

Hồng Nhung |

Trong khi Mỹ và Hàn Quốc đang lên kế hoạch cho một cuộc tập trận mới thì Triều Tiên cũng không ngừng đẩy mạnh năng lực sản xuất tên lửa. Những diễn biến mới nhất trên Bán đảo Triều Tiên cho thấy sóng gió đang chực chờ bùng phát trở lại tại khu vực này.

Theo các nguồn tin quân sự, Hàn Quốc và Mỹ sẽ tổ chức cuộc tập trận mang tên Lá chắn Tự do Ulchi vào cuối tháng 8. Cuộc tập trận dự kiến sẽ diễn ra trong 4 ngày từ ngày 21 đến ngày 24/8 tới, bao gồm một loạt hoạt động diễn tập các tình huống giả định cụ thể, theo mô hình chiến tranh toàn diện.

Sóng ngầm trên Bán đảo Triều Tiên - Ảnh 1.

Tên lửa Hwasong-17 được Triều Tiên công bố trong cuộc duyệt binh tháng 10/2020. Ảnh: KCNA.

Đây là cuộc tập trận đã được lên kế hoạch và được Mỹ và Hàn Quốc tổ chức hàng năm để tăng cường khả năng phối hợp giữa hai bên. Tuy nhiên, đối với Triều Tiên, các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn luôn được xem là hành động chuẩn bị cho chiến tranh. Triều Tiên luôn phản đối các hành động này thông qua các biện pháp ứng phó riêng, bao gồm cả các vụ phóng tên lửa.

Không nằm ngoài dự đoán, phản ứng trước kế hoạch tập trận này của Mỹ và Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng đã kêu gọi nhanh chóng cải thiện năng lực sản xuất tên lửa nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của tiền tuyến và các đơn vị tên lửa. Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) sáng 14/8 cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong hai ngày 11 và 12/8 vừa qua đã có chuyến thị sát tới các nhà máy sản xuất tên lửa chiến lược, bệ phóng tên lửa, xe bọc thép và nhiều loại vũ khí khác của Triều Tiên.

Ông đặt ra mục tiêu quan trọng là đẩy mạnh năng lực sản xuất tên lửa hiện có để sản xuất hàng loạt tên lửa theo yêu cầu của các đơn vị tiền phương và đơn vị tên lửa được mở rộng, củng cố và theo kế hoạch tác chiến.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng cho rằng, quân đội Triều Tiên nên được trang bị một lực lượng quân sự áp đảo để đối phó với bất kỳ cuộc chiến tranh vào bất kỳ lúc nào. Trước đó trong cuộc họp của Quân ủy Trung ương đảng Lao động Triều Tiên hôm 9/8 vừa qua, ông Kim Jong Un cũng đã kêu gọi chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh có thể xảy ra.

Những động thái của các bên liên quan trên Bán đảo Triều Tiên cho thấy, nguy cơ căng thẳng tại đây là rất cao. Sau khi phải đối phó với sức tàn phá của cơn bão Khanun, bán đảo Triều Tiên lại tiếp tục đối diện với một cơn bão mới theo nghĩa bóng. Đó là những căng thẳng và xung đột về chính trị và ngoại giao mới, tiềm ẩn những cơn sóng ngầm có thể làm Bán đảo Triều Tiên dậy sóng bất cứ lúc nào.

Nhìn lại 2 năm qua, khu vực này luôn trong tình trạng căng thẳng khi các bên đều có những động thái gây sức ép với nhau. Nếu Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận là ngay sau đó Triều Tiên sẽ tiến hành thử tên lửa.

Ngay sau đó là những cuộc họp cấp tập của Mỹ - Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như lời kêu gọi áp đặt trừng phạt đối với Triều Tiên. Đây là thực tế tình hình trên Bán đảo Triều Tiên hiện nay. Chỉ chừng nào mà các bên dừng các hoạt động được xem là gây hấn với bên kia mới mong tình hình trên Bán đảo Triều Tiên ổn định trở lại.

Trong một tuyên bố tại cuộc họp báo gần đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã nhấn mạnh thực tế này:

“Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên một lần nữa lại tiếp tục căng thẳng và lý do chính rất dễ nhận thấy. Các bên liên quan đã khai khác vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên vì sự ích kỷ, lợi ích địa chính trị riêng làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và làm tổn hại quá trình phi hạt nhân hóa.

Và các xu hướng liên quan khiến dư luận không khỏi quan ngại. Chúng tôi hi vọng rằng, các bên liên quan sẽ tiếp tục tiến trình ổn định chính trị, giải quyết các quan ngại hợp pháp của nhau theo cách cân bằng thông qua đối thoại và đảm bảo hòa bình, sự ổn định trên Bán đảo Triều tiên”.

Trong bối cảnh đó, theo một số nguồn tin ngoại giao, trong ngày 14/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến với các đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh của ba nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật - Hàn sẽ diễn ra vào ngày 18/8 tới. 

Mục tiêu của cuộc họp là nhằm thiết lập một cơ chế khung quan trọng về hợp tác an ninh giữa 3 nước, trong đó có việc ứng phó với chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại