"Sóng ngầm" đằng sau sự ổn định của đồng nhân dân tệ so với USD

Quỳnh Mai |

Ít người nhận ra rằng Bắc Kinh vẫn đang “kiến tạo” được một đà giảm bất thường của đồng nhân dân tệ nếu xét theo giá trị thương mại thực, giúp hỗ trợ “đội quân” xuất khẩu.

Kể từ đầu năm đến nay, “vận mệnh” của đồng Nhân dân tệ Trung Quốc dường như đã gắn chặt với USD với mức dao động tỉ giá hối đoái không đáng kể.

“Sự yên bình” mà đồng nhân dân tệ mang lại góp phần giảm căng thẳng địa chính trị sau lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã từng tuyên bố sẽ chứng minh Trung Quốc thao túng tiền tệ. Đồng thời, điều này cũng giúp kiểm soát dòng vốn bị rút ra khỏi Trung Quốc, tránh lặp lại tình trạng đồng nhân dân tệ trượt giá so với USD trong năm 2015 và 2016.

Tuy nhiên, ít người nhận ra rằng Bắc Kinh vẫn đang “kiến tạo” được một đà giảm bất thường của đồng nhân dân tệ nếu xét theo giá trị thương mại thực, giúp hỗ trợ “đội quân” xuất khẩu ở thời điểm thặng dư tài khoản vãng lai có nguy cơ sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ những năm 1990.

Kể từ đầu năm đến nay, biên độ giao động tỷ giá nhân dân tệ là khá ổn định với mức tăng 1,3% so với USD tính đến cuối tháng 5.

Tuy nhiên, trên thực tế đồng nhân dân tệ đã giảm 2,5% so với giỏ tiền tệ gồm các đồng nội tệ của những nước là đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc do cơ quan quản lý ngoại hối Trung Quốc (CFETS) thống kê. Tỷ giá này đã chạm mốc thấp nhất kể từ khi nó bắt đầu được thống kê kể từ cuối năm 2015.

Sóng ngầm đằng sau sự ổn định của đồng nhân dân tệ so với USD  - Ảnh 1.

Chỉ số CFETS Index thể hiện tỷ giá nhân dân tệ được điều chỉnh theo trọng số thương mại đã giảm 6,1% trong năm 2016. Tuy nhiên kể cả chỉ số này cũng không phản ánh đủ mức giảm của nhân dân tệ.

Với tỉ lệ lạm phát thấp (khoảng 1,2%) của Trung Quốc, lẽ ra đồng nhân dân tệ đã tăng giá (trên danh nghĩa) so với các loại tiền tệ khác trong “giỏ” nhằm duy trì giá trị thực đã điều chỉnh theo lạm phát.

Dù Thống đốc NHTW Trung Quốc (PBOC) Chu Tiểu Xuyên liên tục khẳng định giữ giá đồng nhân dân tệ ở mức ổn định so với “giỏ” là một điểm chính trong chính sách tỉ giá hối đoái, tình trạng trên vẫn xảy ra.

Lucy Qiu, một nhà phân tích thị trường mới nổi tại Tập đoàn Quản lý Tài sản UBS, nhận định: “Đồng nhân dân tệ hiện đang liên tục giảm giá so với “giỏ” suốt từ năm 2015 đến nay. Họ đang phải xem xét giá trị của cả “giỏ” và USD mặc dù họ từng tuyên bố sẽ chỉ tập trung vào giỏ”.

Sóng ngầm đằng sau sự ổn định của đồng nhân dân tệ so với USD  - Ảnh 2.

Robert Minikin, giám đốc chiến lược Thị trường Ngoại hối châu Á tại Standard Chartered, cho rằng Bắc Kinh có thể cho phép các lực đẩy thị trường tác động nhiều hơn đến tỷ giá theo như ý định của ngân hàng trung ương, mặc dù ở thời điểm hiện tại, không có nhiều minh chứng cho thấy ý định này đang được tiến hành.

Minikin cho rằng tình trạng hiện nay xuất phát từ vấn đề địa chính trị: đồng nhân dân tệ giảm nhẹ so với “giỏ” song song cùng tỉ giá USD/nhân dân tệ ổn định là một “sự kết hợp thuận lợi cho Trung Quốc”. Cụ thể, động thái này giúp duy trì khả năng cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu và đồng thời, giúp PBOC tránh phải áp dụng phương án “giảm giá cạnh tranh”.

Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính Mỹ, tổng thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong bốn quý gần nhất là 347 tỉ USD, cao hơn rất nhiều so với ngưỡng 20 tỷ USD mà Mỹ gọi là 1 quốc gia thao túng tiền tệ.

Bà Qiu lại đề cập tới một lợi ích khác mà tình trạng hiện nay của đồng nhân dân tệ đem lại, đó là hạn chế tình trạng tháo vốn, đặc biệt là khi phần lớn những công ty và hộ kinh doanh Trung Quốc thường chuyển tiền ra nước ngoài rất quan tâm tới tỉ giá USD.

Phân tích của UBS cho thấy cơ chế của cách tiếp cận mà PBOC đang sử dụng. Kể từ sau khi chế độ quản lý ngoại hối hiện tại ra đời vào tháng 8/2015, đồng nhân dân tệ đã giảm giá 9,6% so với USD. Đây là kết quả của việc cho phép đồng nhân dân tệ giảm giá trong những ngày USD tăng giá so với cả rổ, còn những ngày USD yếu thì PBOC sẽ can thiệp để nhân dân tệ không giảm giá.

Qiu tin rằng xu hướng giảm giá của nhân dân tệ có thể kéo dài hơn nữa. Theo bà, ở mức 6,9% trong quý I, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đã đạt đỉnh. Bà dự báo thặng dư cán cân vãng lai của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 1% GDP trong năm nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại