01.
Sản lượng sụt giảm
Ngư dân ở phía đông bắc Thái Lan cho biết họ nhận thấy sản lượng khai thác cá ở sông Mê Kông sụt giảm, trong khi nông dân ở Việt Nam và Campuchia do hoạt động nông nghiệp khó khăn đã phải lên thành phố tìm việc làm. Lý giải cho các diễn biến này chính là mực nước thất thường trên sông Mê Kông - tuyến đường thủy dài thứ ba châu Á với chiều dài 4300km.
Lưu lượng nước trên sông Mê Kông theo tự nhiên sẽ thay đổi theo mùa khô và mùa mưa nhưng các nhóm phi chính phủ cho biết hệ thống đập thủy điện trên phần sông Mê Kông chảy trên lãnh thổ Trung Quốc - trong đó 5 đập bắt đầu hoạt động kể từ năm 2017 - đã phá vỡ quy luật tự nhiên này. Điều này đe dọa an ninh lương thực cho hơn 60 triệu người sống ở hạ lưu con sông, những người chủ yếu dựa vào con sông để kiếm sống qua ngày.
Ông Teerapong Pomun, giám đốc Viện cộng đồng Mê Kông, một tổ chức phi chính phủ đặt trụ sở tại Chiang Mai (Thái Lan) nghiên cứu việc quản lý tài nguyên nước, cho biết: "Nước sông Mê Kông theo lẽ thường thường mất từ 3-4 tháng để dâng lên lên mức cao hay rút xuống điểm cạn nhất. Nhưng bây giờ cứ 2-3 ngày là mực nước dao động và năm nào cũng thế. Tất cả điều này đều là do các con đập thủy điện ở thượng nguồn".
Dòng sông Mê Kông là nguồn cung cấp lương thực và thực phẩm cho hàng chục triệu người. Ảnh: AFP
Bắc Kinh đã đưa ra những phản hồi về nhận định các đập nước Trung Quốc gây ra sự thay đổi mực nước trên sông Mê Kông, đặc biệt là sau báo cáo công bố ngày 13/4 vừa qua của 1 tổ chức nghiên cứu của Mỹ trích dẫn dữ liệu từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang giữ nước ở thượng nguồn.
Trung Quốc cho rằng báo cáo này không chú ý đến thực tế là lượng mưa ít đã gây ra hạn hán vào năm 2019. Đây là trận hạn hán nghiêm trọng nhất tại khu vực trong 5 thập niên qua. Dù lập luận thế nào, nguồn cung cấp thực phẩm và sinh kế cho hàng chục triệu người đang bị đe dọa.
Đại dịch COVID-19 đang khiến cho cuộc sống của người dân càng thêm khó khăn.
"Tình hình ở sông Mê Kông rất đáng lo ngại khi hạn hán kéo dài đặt ra những mối đe dọa lớn cho các nước trong khu vực trên nhiều khía cạnh khác nhau, đặc biệt là về an ninh lương thực. Chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ của Bắc Kinh với các nước trong khu vực sông Mê Kông," ông Zhang Hongzhou, chuyên viên nghiên cứu của Trường nghiên cứu quốc tế Singapore nói.
Tại Campuchia, lượng cá đánh bắt tại hồ Tonle Sap, hồ nội địa lớn nhất Đông Nam Á có cùng lưu lượng nước theo mùa với sông Mekong cũng giảm mạnh. Báo cáo của MRC dự kiến sản lượng cá trung bình tại Tonle Sap sẽ giảm từ 350.000 tấn xuống còn 260.000 tấn trong năm nay và xuống còn 200.000 tấn vào năm 2040.
Sông Mê Kông đem đến nguồn chất dinh dưỡng dồi dào cho các vùng đất ngập nước được mệnh danh là vựa lúa châu Á. Bởi vì rất nhiều người sống ở hai bên bờ sông nên sự thất thường của nguồn nước ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của họ.
"Năng suất cây trồng giảm sút và động vật chết do thiếu nước ngọt ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân vì cuộc sống của họ phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên," ông Bunleap Leang, - giám đốc điều hành của 3S Rivers Protection Network, một tổ chức phi chính phủ hoạt động để hỗ trợ cộng đồng bị ảnh hưởng do đập thủy điện tại đông bắc Campuchia - nói.
02.
Nguy cơ hạn hán
Mực nước sông Mê Kông đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào tháng 7 năm ngoái, khiến Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho 5 tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, khu vực sản xuất hơn 1/2 vụ mùa của cả nước.
Chính quyền địa phương đã cảnh báo hạn hán có thể kéo dài tới tháng 5 hoặc lâu hơn. Bộ Nông nghiệp Mỹ tháng trước đã dự báo năm nay năng suất lúa gạo ở Việt Nam sẽ giảm 3,3% so với ước tính trước đó do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn, khiến sản lượng thu hoạch năm nay giảm hơn 0,9%.
Các chuyên gia cho biết sản lượng cá ở Mê Kông đang sụt giảm mạnh. Ảnh: AFP
Theo ông Pomun, những người nông dân đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề vì khi mực nước giảm, họ phải trả tiền mua thêm nhiên liệu để chạy máy bơm nước, khiến cho chi phí tăng vào thời điểm khó khăn nhất.
Điều này đang khiến cho nông dân rời ruộng đồng đi tìm việc ở thành phố, cùng lúc ngư dân Thái Lan đối mặt với sản lượng hải sản đánh bắt giảm mạnh. Bên cạnh tác động đến nông nghiệp, sông Mê Kông và các nhánh của nó tạo thành nghề nuôi cá nước ngọt lớn nhất thế giới và cung cấp thực phẩm chủ yếu của người dân địa phương.
Theo báo cáo của Ủy ban sông Mê Kông (MRC), một tổ chức liên chính phủ đại diện cho Lào, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan, cá chiếm tới 82% lượng protein động vật tiêu thụ trong khu vực. Theo website của MRC, nghề đánh cá tại lưu vực sông Mê Kông mang đến nguồn thu thập chính của người dân trong vùng.
Website này cũng đăng cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng từ sản lượng cá đánh bắt sụt giảm, đặc biệt là khi dân số của hạ lưu sông Mê Kông sẽ tăng từ mức hiện tại 60 triệu người lên 100 triệu người vào năm 2025.
Theo báo cáo năm 2018 của MRC và được cập nhật vào tháng 1 năm ngoái, tác động tiêu cực từ hạn hán và xâm nhập mặn đã thể hiện rõ.
"Sản lượng thủy sản ở hạ nguồn dự kiến sẽ giảm đáng kể vì các đập thủy điện và những ảnh hưỏng của các con đập này tới tình trạng di cư, môi trường sống và các hoạt động sản xuất chủ đạo," trích bản báo cáo.
03.
Lỗi của Trung Quốc?
Báo cáo đã nghiên cứu nhiều kịch bản khác nhau cho ngành ngư nghiệp dựa trên các dự án nghiên cứu tài nguyên nước kéo dài trong nhiều thập kỷ. Báo cáo này dự báo lượng cá đánh bắt giảm 40% vào năm 2020 và giảm tới 80% vào năm 2040.
Báo cáo cho biết dân số dọc theo sông Mê Kông sẽ tăng lên trong khi trữ lượng cá có khả năng cạn kiệt do nhiều tác động đồng thời từ các con đập, tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp do thiếu lương thực và biến đổi khí hậu.
Tham vọng của Trung Quốc trong việc xây dựng đập trên sông Mê Kông hay còn được gọi là sông Lan Thương trên lãnh thổ Trung Quốc, được bắt nguồn từ những năm 1950, khi các kỹ sư nước này tiến hành khảo sát con sông này ở tỉnh Vân Nam.
Từ những năm 1980, Trung Quốc đã đẩy mạnh xây dựng các đập thủy điện trên các dòng sông để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của đất nước thay thế Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010.
Bắc Kinh lên kế hoạch xây 14 đập trên sông Lan Thương và 11 đập hiện đang hoạt động. Những đập còn lại đang trong quá trình xây dựng hoặc được lên kế hoạch xây dựng.
Việc xây đập trên sông Mê Kông trong những thập kỷ gần đây đã làm dấy lên những lo ngại thường trực về thiệt hại môi trường, biến động xã hội và những sự đánh đổi phát triển kinh tế với xã hội.
Mối lo về vấn đề an ninh lương thực trong khu vực đã lại dấy lên hồi tháng trước khi công ty nghiên cứu và tư vấn Eyes on Earth Inc cho biết dữ liệu vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã giữ lại hết lượng nước mưa trên trung bình từ tháng 5- tháng 10 năm ngoái ở Trung Quốc trong các con đập.
Phát biểu về phát hiện này, ông Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, một nhóm chuyên gia cố vấn có trụ sở tại Washington, cho biết các con đập Trung Quốc đã thực sự "chặn hết nguồn nước trên sông Mê Kông".
Bắc Kinh tuyên bố đổ lỗi hạn hán do các con đập của họ gây nên là không hợp lý.
Trong thông cáo của MRC vào ngày 21/4 vừa qua yêu cầu "cần thêm bằng chứng khoa học để kết luận rằng hạn hán năm 2019 chủ yếu là do hiện tượng trữ nước ở các đập trên thượng nguồn sông Mê Kông". Thông cáo này còn cho biết rằng "lượng nước xả từ Trung Quốc nhiều hơn bình thường trong mùa khô năm 2019 và năm 2020".
MRC cho biết, trong khi các đập thượng nguồn đã làm thay đổi dòng chảy theo mùa của dòng sông, thì hạn hán là "do mùa mưa đến muộn và hết sớm, lượng mưa rất thấp và hiện tượng El Nino".
Các chuyên gia cho biết mực nước ở sông Mê Kông thay đổi mỗi 2-3 ngày bởi vì các đập thủy điện. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, ủy ban này đề xuất các nước cần tăng cường chia sẻ dữ liệu và tính minh bạch giữa 4 nước thành viên và các đối tác đối thoại là Trung Quốc và Myanmar.
"Một sự đồng thuận về việc chia sẻ dữ liệu trong cách thức vận hành nguồn nước và cơ sở hạ tầng có liên quan sẽ giúp các nước quản lý rủi ro và tránh hiểu lầm," Tiến sĩ An Pich Hatda, giám đốc điều hành MRC tuyên bố.
04.
Đại dịch COVID-19
Ông Harris Zainul, một nhà phân tích của Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Malaysia, cho biết đại dịch COVID-19 có thể trở thành một nhân tố trong các tranh chấp về nguồn nước sông Mê Kông.
COVID-19 đã thúc đẩy việc phong tỏa ở nhiều quốc gia, khiến cho người nông dân không thể đưa thực phẩm ra thị trường bán.
"Nếu điều này xảy ra, thì các quốc gia, bao gồm cả các nước ở hạ lưu sông Mê Kông, sẽ trở nên nhạy cảm hơn với các tác động bất lợi phát sinh từ mực nước thấp hơn trên sông Mê Kông," ông Harris nói.
Điều này sẽ gây ra làn sóng phản đối Trung Quốc tại các quốc gia có sông Mê Kông chảy qua và yêu cầu chính phủ các nước phải có hành động kịp thời.
Bắc Kinh cho biết họ vẫn đang hợp tác với các quốc gia hạ nguồn về quản lý nước thông qua Hợp tác Lan Thương-Mekong (LMC) do Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam được lập nên vào năm 2015.
Tại hội nghị thượng đỉnh LMC hồi tháng 2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thông báo với 5 nước đối tác rằng Bắc Kinh đã tăng lượng nước chảy ra từ Lan Thương để giảm thiểu hạn hán ở khu vực sông Mê Kông. Ông Vương nói Trung Quốc cũng đang chịu thiệt hại do hạn hán.
Giới chức Vân Nam cho biết khu vực này có lượng mưa trung bình giảm 18%, và đã trải qua 1 đợt hạn hán tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua. Ông Pomun cho biết một phần của vấn đề tranh chấp chính là sự thiếu minh bạch và không hợp tác từ Trung Quốc.
Ngoài ra, người dân ở khu vực hạ lưu thường không được báo trước về các vụ xả lũ từ các đập Trung Quốc khiến cho người dân không kịp thu hoạch mùa màng.
"Đó là lý do tại sao chúng ta nên yêu cầu sự minh bạch vì chúng ta cần biết nguyên nhân gây ra hạn hán do biến đổi khí hậu và xây dựng đập chiếm tỉ lệ thế nào".
Ông Pomun nói rằng ông lo ngại đại dịch COVID-19 có thể làm tình hình tồi tệ hơn khi các quốc gia sẽ có tâm lý bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nước mình. Chính phủ các nước sẽ "giữ nước mưa lại để sản xuất điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế trong nước".