Ảnh minh họa.
Khốn khổ vì bệnh khó nói
Ông Nguyễn Văn H. trú tại Hà Nội đến khám tại Bệnh viện Đại học Y, Hà Nội trong tình trạng đau đầu, mệt mỏi. Gương mặt của ông hiện rõ nét đau khổ của người đàn ông thường bị vợ nghi ngờ.
Ông H. cho biết vài năm nay, chuyện chăn gối của ông không còn cảm xúc nhiều. Trong khi đó, vợ ông lại vào độ tuổi hồi xuân. Bà vẫn đòi chồng phải âu yếm hàng tuần đều đặn 3 ngày/1 lần.
Ông H. trốn cũng không được, cố cũng không xong. Mỗi lần nghe vợ nhắc đến chuyện ấy, ông chỉ muốn chui vào tủ để trốn tránh.
Vợ ông sinh nghi cho rằng ông có bồ bên ngoài nên không thiết tha gì với vợ nữa. Bà vốn tính ghen tuông nên thời gian gần đây suốt ngày muốn đâm đơn ly hôn. Có lần, bà đã đưa đơn ly hôn vì ông giải thích kiểu gì bà cũng không nghe.
Thấy thế, người thân đến giải hòa mãi. Ông H. vò đầu: “Ly hôn vì cái gì đã đành, đằng này có cháu nội ngoại cả rồi, đầu hai thứ tóc rồi bà ấy còn đòi ly hôn vì không đáp ứng được nhu cầu của bà ấy”.
Ở vào hoàn cảnh của ông H. thì khoản đó yếu như một cực hình. Nhìn vào gương, đôi lần ông không dám đối diện thẳng vào sự thật, rằng mình đã yếu.
Nhiều người bạn bằng tuổi ông, họ kể vẫn có thể cải thiện chuyện chăn gối hàng tháng, ông chỉ biết im lặng tìm đến bác sĩ mong có cách cải thiện.
Trường hợp của ông Trần Cao Luân, trú tại Nam Định cũng tương tự. Ông Luân đến khám trong tình trạng chuyện ấy tắt lửa cả năm nay dù ông mới chỉ ngoài 50 tuổi.
Gần đây, đọc trên báo chí, ông biết đó là bệnh nên hi vọng đi khám để cải thiện chuyện chăn gối. Vợ ông 42 tuổi, bà còn rất trẻ nên nhu cầu cho chuyện ấy lớn. Không chiều được vợ, với ông mọi thứ đều trở nên vô nghĩa.
Dù vợ ông không lộ liễu đòi hỏi, nhưng nhiều lần thấy bà cáu gắt với chồng, ông cũng đoán ra thiếu hụt chuyện chăn gối là thiệt thòi với vợ. Khi đi khám, ông vẫn giấu vợ. Coi đây là món quà có thể tặng vợ mình.
Thở phào vì phát hiện ra bệnh
Trường hợp của ông H. qua khám và phát hiện tràn dịch màng tinh hoàn 2 bên, mức độ khá lớn và có chỉ định phẫu thuật.
Ông H. nhờ bác sĩ ghi rõ bệnh lý cũng như phương pháp điều trị ra sổ khám bệnh để về nhà vợ ông không còn nghi ngờ chồng. Dù biết đây là bệnh nhưng ông H. cũng không buồn mà thở phào.
Bệnh lý tràn dịch tinh hoàn, trên siêu âm thấy hình ảnh khoảng trống âm trong bìu có thể đè đẩy tinh hoàn sang 1 bên hoặc xuống dưới.
Nếu màng tinh hoàn ít dịch cần phân biệt với lớp dịch sinh lý thông thường, lớp dịch này dày trên 5mm thì được coi là tràn dịch.
Chọc hút dịch là biện pháp nên làm để chẩn đoán nguyên nhân. Các xét nghiệm có thể chẩn đoán, xác định nguyên nhân cần làm như sinh hóa, tế bào dịch màng tinh hoàn tìm tế bào ung thư, PCR lao.
Theo bác sĩ nam khoa Nguyễn Bá Hưng bệnh lý tràn dịch màng tinh hoàn rất dễ phát hiện trên lâm sàng và siêu âm, lâm sàng của tràn dịch màng tinh hoàn rất đa dạng, có thể gặp ở nhiều lứa tuổi, nhiều hình thái khác nhau.
Vấn đề là khi ta gặp người bị tràn dịch màng tinh hoàn thì thái độ xử lý với trường hợp dịch này như thế nào?
Với trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi bị tràn dịch màng tinh hoàn bẩm sinh thường do đoạn phúc mạc trong ống bẹn (ống phúc tinh mạc) chưa được đóng kín dẫn tới một lượng dịch màng bụng từ trên chảy xuống bìu.
Thông thường ống phúc tinh mạc được đóng lại trong khoảng 18 tháng sau khi sinh, sau 18 tháng trở ra thì ống này hầu như không tự đóng nữa.
Chính vì thế khi trẻ em có tràn dịch màng tinh hoàn trong hai năm đầu không nên điều trị gì, chỉ can thiệp cho trẻ khi trẻ đã lớn hơn 2 năm tuổi. Sau hai tuổi có thể tiến hành mổ nếu lượng dịch này nhiều.
Với trường hợp tràn dịch ở người lớn tuổi, có khoảng 1% ở nam giới trưởng thành bị tràn dịch màng tinh hoàn do ống phúc tinh mạc chưa đóng kín hoàn toàn hay gặp ở người lớn tuổi có thể do về già lớp cơ và chức đàn hồi của thành bụng suy yếu nên ống phúc tinh mạc có thể bị bong tách một phần trở lại và gây dịch ổ bụng tràn xuống.
Những trường hợp này thường kết hợp với cả thoát vị bẹn kèm theo. Đối với trường hợp tràn dịch còn ống phúc tinh mạch ở nam giới lớn tuổi thì việc phẫu thuật nên tiến hành khi mà lượng dịch nhiều gây đau tức và bất tiện trong sinh hoạt.
Đối với trường hợp tràn dịch màng tinh hoàn do hậu quả của các bệnh khác, tràn dịch mắc phải thì phải điều trị theo nguyên nhân.
Ví dụ: viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn do nhiễm khuẩn thì dùng kháng sinh, chống viêm, chống phù nề, giảm đau, corticoid, lao sinh dục thì phải dùng thuốc kháng lao.