Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong thời gian từ tháng 01/2007 đến ngày 07/3/2016 đã có 54 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc có sự lây truyền virus Zika.
Trong đó, Lào là nước mới nhất ghi nhận có sự lưu hành của vi rút Zika.
Ngoài ra, một số quốc gia cũng đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh do virus Zika xâm nhập sau khi về từ vùng có dịch gồm: Đức, Hà Lan, Úc, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Cu Ba, Contra Costa, Utah, Đan Mạch, Nga.
Đặc biệt, có 3 quốc gia ghi nhận ca bệnh nhiễm virus Zika có thể lây truyền qua đường tình dục do không có sự lưu hành của muỗi Aedes gồm Pháp, Italia và Hoa Kỳ.
Cũng theo WHO, có sự liên quan giữa nhiễm virus Zika và chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.
Đến nay, đã có ít nhất 5.909 trường hợp mắc chứng đầu nhỏ hoặc bất thường hệ thống thần kinh trung ương tại Brasil với 139 trường hợp tử vong.
Bản đồ các quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự lưu hành virus Zika 2007-2016
Có hai nghiên cứu độc lập gần đây trong phòng xét nghiệm về sự tác động của virus Zika với tế bào não do các nhà khoa học của Brasil và Trường đại học Johns Hopkins cho thấy, virus có thể xâm nhập và tấn công hủy hoại tế bào não làm tế bào não không thể tiếp tục phát triển.
Đây là bằng chứng quan trọng về mối liên quan giữa vi rút Zika và chứng đầu nhỏ. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng lưu ý kết quả trong phòng xét nghiệm có thể sẽ không giống như thực tế xảy ra trên cơ thể người.
Do đó đến nay Tổ chức Y tế thế giới vẫn chưa khẳng định chắc chắn về mối liên quan giữa vi rút Zika với chứng đầu nhỏ và cần có thêm những bằng chứng khoa học để khẳng định.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, Việt Nam vẫn chưa ghi nhận trường hợp mắc virus Zika xâm nhập cũng như chưa phát hiện sự lây truyền virus Zika tại cộng đồng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các nước trong khu vực đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika xâm nhập hoặc có sự lây truyền vi rút Zika như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, đặc biệt là Campuchia, Lào, Trung Quốc, những nước có chung đường biên giới với nước ta, nguy cơ virus Zika xâm nhập vào nước ta và bùng phát thành dịch là rất lớn.
Để phòng chống dịch do virus Zika tại cộng đồng, sáng ngày 05/3/2016, Bộ Y tế phối hợp Ủy Ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức phát động Chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng để phòng bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết” nhằm kêu gọi mỗi người dân, gia đình và cộng đồng cũng như các ban, ngành đoàn thể, tổ chức hãy nêu cao vai trò trách nhiệm trong việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Tại lễ Phát động chiến dịch trên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã kêu gọi: "Mỗi người dân hàng tuần hãy giành ra nửa giờ đồng hồ để tiến hành lật úp các dụng cụ, thu dọn các vật dụng phế thải xung quanh nhà như vỏ chai, lon, hộp bia nước ngọt, lốp xe, vật dụng phế thải…, thay nước bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn…, vì chính các vật dụng này có khả năng chứa nước và là ổ chứa, nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết.
Việc thực hiện các hành động nêu trên không phải chỉ phòng bệnh cho cộng đồng mà cho chính bản thân và gia đình.”
Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm virus Zika
Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika khi không cần thiết.
Người đi/đến/về từ quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.
Điện thoại đường dây nóng: 0989, 671. 115.
Người trở về từ quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) đang trong quá trình mang thai hoặc dự định có thai để tránh những biến chứng có thể xảy ra đối với thai nhi.
Hãy áp dụng các biện pháp chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng) xung quanh nhà.