Trước tình hình Hội chứng viêm đường hô hấp cấp do virus corona (MERS-CoV) xuất hiện ở Hàn Quốc và Trung Quốc.
Ngày 2-6 Bộ Y tế đã họp khẩn với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tìm biện pháp ứng phó.
Bệnh rất nguy hiểm
Theo tổ chức WHO Hàn Quốc, chỉ trong 10 ngày cuối tháng 5, nước này đã ghi nhận 17 trường hợp mắc virus MERS-CoV.
Đến ngày 2-6, CNN thông báo Hàn Quốc đã ghi nhận 25 trường hợp mắc virus này, trong đó có hai trường hợp tử vong.
Mới đây, Trung Quốc – nước láng giềng sát với Việt Nam cũng đã ghi nhận ca mắc bệnh đầu tiên.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cho rằng virus MERS-CoV là dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong cao. Dịch bệnh đang lưu hành tại các quốc gia vùng Trung Đông và sẽ tiếp tục ghi nhận ca bệnh tại quốc gia khác.
Tuy nhiên, các chùm ca bệnh chủ yếu tập trung trong cơ sở y tế, chưa ghi nhận có sự lây lan trong cộng đồng.
“Ông Long lo ngại dịch có khả năng lan truyền quốc tế nếu không nỗ lực kiểm soát, phòng chống tình hình sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn dẫn đến nhiều sinh mạng sẽ bị cướp đi, kinh tế xã hội ảnh hưởng trầm trọng.
“Tại Việt Nam, hiện vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm virus MERS-CoV. Tuy vậy, dịch bệnh MERS-CoV có thể xâm nhập và lây lan vào nước ta bất cứ lúc nào” – ông Long nói.
Theo ông Long, giao lưu đi lại giữa Việt Nam và các nước có dịch là rất lớn.
Từ đầu năm 2015 đến nay, tổng số người nhập cảnh Việt Nam từ chín quốc gia vùng dịch Trung Đông là trên 23.000 người (gần 5.000 người/tháng) qua cửa khẩu Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Với số lượng người qua lại lớn tại hai cửa khẩu này do đó, Bộ Y tế sẽ tăng cường các hoạt động giám sát và sẵn sàng đáp ứng khi có ca bệnh xâm nhập.
Diễn biến đáng lo ngại
Theo đại diện WHO tại Việt Nam, đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy sự biến chủng của virus này.
Nghĩa là các ca bệnh phát sinh chủ yếu là những người có tiền sử tiếp xúc với bệnh nhân, chứ chưa có dấu hiệu lây lan ra cộng đồng, nên người dân không nên quá hoang mang.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Việt Nam nhận định, virus MERS-CoV sẽ tồn tại trong khoảng thời gian dài vì virus này tồn tại ở lạc đà khu vực Trung Đông, đây là thực phẩm chủ yếu của các quốc gia này.
Vì vậy, Việt Nam cần hướng tới các kế hoạch và biện pháp phòng chống dịch bệnh lâu dài và bền vững hơn, nhằm tạo tiềm thức cho người dân cũng như chính những cán bộ y tế về vấn đề này.
“Việt Nam cần phải mở rộng các quốc gia cần phải được giám sát vì hệ thống giám sát dịch bệnh ở một số nước có thể chưa phát hiện bệnh ở trên người. Vì vậy, rất có thể dịch bệnh lây sang Việt Nam” – đại diện CDC khuyến cáo.
CDC cũng khuyến cáo Việt Nam tiếp tục giám sát chặt chẽ và áp dụng tờ khai y tế, đo thân nhiệt cho hành khách tại tất cả các cửa khẩu;
Tăng cường giám sát tất cả các trường hợp viêm đường hô hấp cấp nặng, để tránh trường hợp bỏ sót ca bệnh; các bệnh viện cần lên phương án cấp cứu, điều trị khi có bệnh nhân và bố trí khu vực cách ly…
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tình hình dịch bệnh do virus MERS-CoV tại Hàn Quốc thời điểm này rất đáng lo ngại, vì khả năng lây lan sang Việt Nam hoàn toàn có thể do việc đi lại, giao thương giữa hai nước rất lớn.
Trung bình hiện nay, mỗi ngày có khoảng 1.000 người nhập cảnh vào Việt Nam, qua tất cả các cửa khẩu quốc tế và các cửa khẩu đường bộ.
Chính vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị khẩn trương áp dụng ngay tờ khai y tế tại tất cả các cửa khẩu đối với hành khách đi và đến từ Hàn Quốc.
“Việc ngăn chặn và phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên hết sức quan trọng. Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy, việc phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên sẽ giúp việc khống chế dịch bệnh tốt hơn” – bà Tiến nói.
Bộ Y tế cho biết hiện nay Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực xét nghiệm xác định MERS-CoV.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh MERS-CoV , Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Hạn chế đi tới các quốc gia đang có dịch bệnh tại khu vực Trung Đông khi không cần thiết.
Trước khi đi du lịch cần tìm hiểu các thông tin tình hình dịch bệnh tại nơi đến để chủ động có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân.
2. Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng.
3. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
4. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
5. Tránh tiếp xúc với động vật, vật nuôi, nếu đã tiếp xúc phải rửa tay bằng xà phòng.
6. Những người trở về từ Khu vực Trung Đông, trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu của viêm đường hô hấp cấp như sốt trên 38°C, ho, khó thở hoặc có tiếp xúc gần với người có dấu hiệu như trên, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, kiểm tra, xét nghiệm MERS-CoV .
7. Thường xuyên cập nhật thông tin và cách phòng chống dịch bệnh MERS CoV của Bộ Y tế trên website: http://vncdc.gov .vn và các thông tin chính thống khác.