Chị Nguyễn Thị T.O - nhân viên văn phòng (Q.3, TP.HCM) - vừa mổ viêm mũi kể, trước kia chị chỉ biết mình bị viêm mũi dị ứng nên mỗi lần “sụt sịt” thì tự mua thuốc về uống.
Gần đây, chị đau bên mắt trái, đau hàm và hai thái dương liên tục co giật, đồng thời phát hiện mũi có mùi… nên đi bệnh viện kiểm tra, chụp CT. Kết quả, chị đã bị viêm đa xoang nặng, phải mổ gấp.
Bác sĩ (BS) Phan Văn Đức - Chuyên khoa Tai-Mũi-Họng - Phó Giám đốc Bệnh viện Q.2, cho biết, mũi là cơ quan không những có cấu trúc giải phẫu phức tạp mà còn được xem là “thiên thần bảo vệ” của đường hô hấp trên.
Mũi có nhiều chức năng bao gồm xúc giác, dẫn khí, sưởi ấm, làm ẩm và lọc sạch khí hít vào trước khi đến phổi. Trong đó, chức năng quan trọng nhất là thông khí.
Viêm xoang mạn được nghi ngờ do sự suy yếu thông khí và rối loạn dẫn lưu do bít tắc phức hợp lỗ thông xoang ở khe giữa của các xoang cạnh mũi.
Những yếu tố này gồm cấu trúc giải phẫu hoặc các yếu tố viêm, dẫn đến hẹp lỗ thông xoang, rối loạn vận chuyển hệ nhầy lông chuyển, suy giảm miễn dịch.
Trong điều kiện môi trường kém vệ sinh với nước thải và bảo hộ lao động kém như ở một số vùng thuộc các nước đang phát triển Đông Nam Á, bệnh mũi xoang phát triển nhiều.
Có thể nói bệnh mũi xoang chiếm tỷ lệ cao nhất trong các bệnh về tai mũi họng.
* Xin hỏi BS, đâu là các nguyên nhân gây bệnh viêm mũi xoang, dấu hiệu nhận diện bệnh như thế nào?
BS Phan Văn Đức: Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm mũi xoang. Do mũi: viêm mũi xoang mạn tính (viêm dị ứng, phù nề hay nhiễm trùng);
Do răng: nhiễm trùng răng không được biết đến (50% các trường hợp viêm xoang mạn một bên có nguồn gốc do răng); viêm xoang do nấm; vẹo, gai vách ngăn; Conchabullosa cuống mũi; quá phát cuống mũi dưới.
Ảnh hưởng nghề nghiệp cũng được ghi nhận gây viêm mũi xoang do hít các loại bụi khác nhau và suy giảm miễn dịch. Bệnh hệ thống cũng gây viêm mũi xoang.
Dấu hiệu nhận diện bệnh cũng rất phong phú: đau, căng, nặng mặt; nghẹt, tắc mũi; chảy dịch mủ ra trước hay ra sau; giảm, mất khứu giác; sốt (có thể sốt cao trong trường hợp cấp); nhức đầu; sốt nhẹ; hơi thở có mùi hôi; mệt mỏi; ho; đau răng.
* Vậy khi nào bệnh nhận cần phẫu thuật, thưa BS?
- Chỉ định mổ được đưa ra khi viêm xoang mạn điều trị nội khoa tích cực không giảm, hoặc tái phát từ bốn lần/năm trở lên. Triệu chứng viêm gây ảnh hưởng lớn đến lao động - sinh hoạt hoặc đe dọa biến chứng.
Chỉ định này cũng được thực hiện với những bệnh nhân viêm xoang polyp mũi, polyp cửa mũi sau, sau đợt cấp của viêm xoang mạn có biến chứng, viêm xoang do nấm, vẹo, gai vách ngăn gây viêm xoang, Conchabullosa cuống mũi, quá phát cuống mũi dưới, xẹp lõm xoang hàm…
Phẫu thuật nội soi chức năng xoang được tiến hành nhằm đạt mục đích:
Mở rộng các lỗ thông tự nhiên của các xoang, giúp cho dịch trong xoang được đưa ra hốc mũi qua các lỗ thông tự nhiên, nhờ vào hệ nhầy lông chuyển và chỉnh sửa các bất thường cấu trúc như vẹo vách ngăn, Conchabullosa cuống mũi, quá phát cuống mũi dưới.
* Vấn đề chăm sóc sau mổ và ăn uống sau mổ ra sao?
- Khi phẫu thuật nội soi mũi xoang, BS thường nhét các chất tự tan vào trong hốc mũi nhằm bảo vệ và tránh dính sau này.
Do đó, người bệnh phải tái khám và chăm sóc sau mổ đúng lịch và đi đúng BS đã phẫu thuật cho mình để BS hướng dẫn khi nào cần vệ sinh mũi và cách tự vệ sinh mũi để đạt hiệu quả cao nhất. Việc chăm sóc sau mổ và vệ sinh mũi là rất quan trọng.
Sau phẫu thuật, người bệnh ăn uống bình thường, ngoại trừ một số bệnh nhân cơ địa dị ứng nên tránh các thức ăn “phong” như: tôm, cua, thịt gà, thịt bò, mắm…
Bệnh viêm mũi xoang không lây qua ăn uống.
* Trường hợp không mổ, liệu người viêm mũi xoang có thể “sống chung” với căn bệnh này?
- Nếu không mổ được thì bệnh nhân phải “sống chung” với viêm mũi xoang mạn bằng cách vệ sinh mũi hàng ngày bằng các dung dịch đẳng trương, ưu trương hay thuốc xịt mũi có tác dụng điều trị tùy theo giai đoạn bệnh.
Các dung dịch xịt này thường là nước biển sâu.
>> Tác hại "giật mình" của dưa hấu mà người ăn chưa hề biết
>> Những đối tượng tuyệt đối không được ăn móng giò
--------------
* Để đặt câu hỏi tư vấn sống khỏe, mời bạn BẤM VÀO ĐÂY