Vì sao nhiều bệnh nhân tử vong vì mắc sởi?

Nhiều ca tử vong liên quan đến mắc sởi đều là viêm phổi liên quan đến sởi hoặc biến chứng viêm phổi sau sởi.

Trong số 3.380 ca sởi được ghi nhận từ tháng 11.2013 đến nay, chỉ có 10% bệnh nhân là đã từng tiêm vắc xin sởi, và cũng chỉ tiêm 1 mũi, thay vì tiêm đầy đủ 2 mũi để có kháng thể đạt yêu cầu. Trong số 25 ca được xác nhận tử vong vì sởi, cũng chỉ có 1 ca đã tiêm 1 mũi. Vì thế, trong thời gian nhanh nhất tiêm phòng vét cho các đối tượng trong độ tuổi tiêm và có nguy cơ cao là vấn đề được quan tâm nhất hiện nay.

Mất nửa tỉ để cứu một bệnh nhân sởi

PGS – TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: “Nhiều ca tử vong liên quan đến sởi đều là viêm phổi liên quan đến sởi hoặc biến chứng viêm phổi sau sởi. Đây là điều khác biệt, so với trước kia có biến chứng sau sởi còn có cả tiêu chảy, cam tẩu mã”. Là đơn vị trực tiếp tiếp nhận điều trị cho hàng trăm bệnh nhi sởi từ tháng 11.2013 đến nay, PGS – TS Lê Thanh Hải – GĐ BV Nhi TƯ lý giải:

“Ngoài vi rút sởi, các ca tử vong đều có đồng nhiễm 1 – 2 loại vi rút khác như cúm, hợp bào virus, adeno virus, CMV, HPV, ecoli, nấm… Sự đồng nhiễm này làm giảm mạnh khả năng miễn dịch, khiến đứa trẻ kiệt quệ. Các cháu có những biến chứng, sốc, suy tim. Tình trạng bệnh nặng như vậy, khiến có cháu bé bị sởi nặng, mất 500 triệu mới cứu được”.

Vì sao nhiều bệnh nhân tử vong vì sởi?

Có bệnh nhân sởi nặng, mất 500 triệu mới cứu được tính mạng cháu bé.

Từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã ghi nhận 6.614 ca phát ban dạng sởi trên 59 tỉnh/TP, trong đó 2.492 bệnh nhân được xác định dương tính với sởi. Còn nếu tính từ tháng 11.2013, bệnh nhân sởi đã lên tới 3.380 người. Các tỉnh có quy mô bệnh nhân lớn là Yên Bái, Lào Cao, Sơn La, Hà Giang…

Riêng Hà Nội và TP.HCM, bệnh nhân rải rác trên diện rộng ở nhiều phường mặc dù không có ổ dịch lớn”. Cho dù số mắc sởi không nhỏ, GS – TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ vẫn nhận định: Ca mắc sởi năm nay thấp hơn so với vụ dịch năm 2009 - 2010. Bệnh nhân ghi nhận nhiều nhất trong khoảng từ tuần thứ 6 – 10. Số mắc giảm dần từ tuần 11 đến tuần 14 là hiện nay”.

Trong tháng 4, tiêm vét hết 100%

GS Hiển cho biết thêm: Cũng như các tỉnh đồng bằng, Hà Nội và TP.HCM có tỉ lệ tiêm chủng cao nên không có vùng lõm về tiêm chủng, quần thể miễn dịch trong cộng đồng đạt cao. Minh chứng cho điều này là chỉ có 4% trẻ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng sởi còn mắc bệnh”.

Ông Nguyễn Nhật Cảm – GĐ Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cũng cho hay: “Từ tháng 11.2013, TP có 900 ca sởi, nằm rải rác ở 300 xã/phường. Những tuần gần đây, mỗi tuần đã giảm trung bình 10 – 20% bệnh nhân so với trước. Hiện đã đạt đến đỉnh dịch.

Thống kê cho thấy, có đến 88% bệnh nhân sởi năm nay là đưa được tiêm chủng. HN có 70 – 100 nghìn trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc sởi do mỗi năm 2 – 5% trẻ trong diện tiêm chủng không được tiêm. Các cháu này cần được tiêm bổ sung. Đến ngày 9.4, TP đã tiêm vét được cho 52.000 cháu, đạt khoảng 76%. Số còn lại sẽ được tiêm hết trong tháng 4 này.

Tháng 3 – 4 là thời gian để tất cả các tỉnh thực hiện tiêm vét vắc xin sởi cho khoảng 710.000 trẻ dưới 2 tuổi. Hiện nay, đã có 53 tỉnh đã thực hiện tiêm. Theo báo cáo ban đầu của 41 tỉnh, đã có 222 nghìn trẻ trong đối tượng này được tiêm, đạt 44%. Bộ Y tế yêu cầu trong tháng 4 này, các tỉnh/Tp tập trung tổng lực tiêm để hết tháng không còn bỏ sót. Riêng TPHCM, đối tượng trẻ mở rộng 9 tháng – 3 tuổi vì đây là địa bàn có nhiều dân nhập cư.

PGS – TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị: “Dịch sởi vẫn đang được kiểm soát. Xu hướng cho thấy dịch đang giảm dần, nhưng nhưng vẫn phải quyết liệt tiêm phòng, nếu không dịch sẽ trở nên không thể khống chế. Theo Tổ chức y tế thế giới, nhờ vắc xin sởi mà thế giới đã tránh được 13,8 triệu bệnh nhân tử vong do sởi. Tuy nhiên, dù đã tiêm chủng, dịch sởi vẫn xảy ra do vẫn còn những vùng lõm tiêm chủng.

Ước tính, mỗi giờ toàn cầu có 14 trẻ em tử vong do sởi. Ngay cả Mỹ tuyên bố thanh toán sởi, năm 2013 vẫn có dịch. Vì thế, tới đây, với sự hỗ trợ của Liên minh vắc xin toàn cầu GAVI, Bộ Y tế sẽ có chiến dịch tiêm tổng lực sởi rubella trong 23 triệu trẻ trong 2 năm. Dự kiến bắt đầu từ tháng 8 – 9 tới đây, nhằm nâng nền miễn dịch ở cộng đồngĐây được coi là giải pháp mạnh mẽ nhất để khống chế dịch sởi trên cả nước, tiến đến loại trừ sởi năm 2017.

Tức là lúc đó, tỉ lệ mắc sởi trong cộng đồng dưới 1/1 triệu dân, duy trì miễn dịch không mắc sởi trong 2 – 3 năm sau. Song song với chiến dịch tiêm vét, rà soát kỹ không bỏ sót đối tượng, Bộ Y tế vẫn xiết chặt đảm bảo an toàn tiêm chủng. Bộ Y tế cũng đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, Pasteur TP.HCM… phối hợp đánh giá việc lưu hành các chủng virus gây hội chứng dường hô hấp viêm phổi thời gian vừa qua.

Trong khi dịch còn chưa hết, BV Nhi TƯ là đơn vị tiếp nhận nhiều bệnh nhân, trong đó có những bệnh nhân nặng cần phân loại bệnh nhân, tránh lây chéo”.

 

- Trên thế giới đã ghi nhận hơn 180 nghìn ca sởi từ đầu năm đến nay. Riêng khu vực Tây Thái Bình Dương năm 2013 ghi nhận số ca mắc cao gấp 3 lần so với năm 2012. Nhiều nhất là ở Trung Quốc, Philippines, Singapore, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam. (PGS – TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng.

- Cách ly triệt để bệnh nhân giảm 50% khả năng lây bệnh. Bệnh sởi không có người lành mang trùng, mọi người nhiễm vir rút sởi đều có biểu hiện lâm sàng. Vì thế, cách ly triệt để người mắc và nghi ngờ mắc khi có các biểu hiện sốt, phát ban sẽ giảm được 50% nguy cơ dịch lan rộng. (PGS – TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM).

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại