Vì sao bệnh nhân sởi chỉ tử vong ở miền Bắc?

Cùng bắt đầu bùng phát bệnh sởi từ cuối năm 2013, thế nhưng bệnh sởi tại khu vực miền Nam được kiềm chế và đến thời điểm này chưa có bệnh nhân nào tử vong.

Ngược lại, tỷ lệ tử vong rất cao tại các tỉnh phía Bắc cho thấy phương thức tiếp cận, xử lý bệnh nhân sởi tại đây của các đơn vị y tế có vấn đề?

Một căn bệnh, hai cách ứng xử

Bệnh sởi thường lành tính có thể tự điều trị ở nhà với những lưu ý: Cho trẻ uống thuốc hạ sốt, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt Chloramphenicol 0,1% khoảng 3-4 lần/ngày; Ăn đầy đủ thực phẩm dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, uống đủ nước; Vệ sinh thân thể cho trẻ và giữ thông thoáng nơi ở, tránh gió lùa; Người chăm sóc trẻ phải rửa tay thường xuyên bằng thuốc sát khuẩn hoặc với xà phòng, đeo khẩu trang; Cần cách ly trẻ tại nhà để tránh lây nhiễm cho trẻ khác và người nhà.

(Thông điệp phòng chống bệnh sởi của Bộ Y tế)

Chiều ngày 22/4, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM cho biết, ngay từ cuối năm 2013, khi cùng lúc có năm ca sởi nhập viện, bệnh viện đã thấy bất thường và báo ngay với Viện Pasteur TP HCM. Đồng thời, triển khai phân tuyến điều trị bệnh nhân sởi, xây dựng quy tắc cho bệnh nhi sởi nhập viện, ca nhẹ thì tư vấn cho điều trị ngoại trú, ca nặng thì khẩn trương cách ly điều trị để tránh nhiễm chéo. Nhờ sự “cảnh giác” ngay từ những ca bệnh sởi đầu tiên, nên đến nay chưa có bệnh nhi nhiễm sởi nào của Bệnh viện tử vong. Hiện Bệnh viện đã bố trí riêng 2 phòng cách ly hoàn toàn để điều trị sởi và chuẩn bị sẵn sàng 150 giường tại Khoa Nhiễm để phòng ngừa bệnh nhi sởi gia tăng.

Nhìn vào giải pháp của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, mới thấy rõ Hà Nội đã chậm trễ trong việc xử lý phân luồng, phân tuyến, cách ly, gây quá tải và lây nhiễm chéo trầm trọng, nguyên nhân gây rất nhiều cái chết cho bệnh nhi nhiễm sởi. Ông Phạm Nhật An - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư thừa nhận: “Không thể phân tuyến từ đầu vì khi bệnh nhi đã đến thì không thể từ chối (!?)”.

Thực tế cũng cho thấy, sau khi Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi” quy định cụ thể hoạt động phân tuyến điều trị như: Tuyến xã, phường tư vấn, chăm sóc và điều trị người bệnh sởi không có biến chứng; Tuyến huyện tư vấn, chăm sóc và điều trị người bệnh có biến chứng hô hấp nhưng không có suy hô hấp; Tuyến tỉnh chăm sóc và điều trị tất cả các bệnh nhân mắc sởi có biến chứng; Tuyến T.Ư chăm sóc và điều trị người bệnh có biến chứng vượt quá khả năng xử lý của tuyến tỉnh. Việc san tải cho các bệnh viện tuyến đầu như: Nhi T.Ư, Bạch Mai, Nhiệt đới T.Ư bằng các bệnh viện vệ tinh tại Hà Nội như: SaintPaul, Đống Đa, Thanh Nhàn... thì tỷ lệ trẻ tử vong do nhiễm sởi đã giảm và tỷ lệ trẻ nhiễm chéo trong bệnh viện giảm đáng kể. Cụ thể, nếu ngày 17/4, số trẻ nhiễm sởi do lây chéo chuyển từ các khoa khác về khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư là 33 thì đến 22/4, con số này rút xuống chỉ còn 6 trường hợp.

Không phân tuyến, cách ly tốt từ đầu, Bệnh viện Nhi TƯ đã trở thành “ổ dịch” sởi.

Không phân tuyến, cách ly tốt từ đầu, Bệnh viện Nhi TƯ đã trở thành “ổ dịch” sởi.

Một số lưu ý với bệnh nhi sởi 

Chia sẻ kinh nghiệm phát hiện và điều trị sởi, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh, một trong những sai lầm phổ biến từ phía các phòng khám tư là khi thấy trẻ sốt cao, ho nhiều nhưng chưa phát ban, các bác sĩ ở phòng mạch nghĩ bé bị viêm hô hấp và thường cho uống thuốc có thành phần corticoid - loại thuốc gây giảm miễn dịch, nếu trẻ mắc sởi, sẽ khiến bệnh nặng hơn. Bác sỹ Khanh lưu ý với những trường hợp trẻ nhiễm sởi dưới 9 tháng tuổi bị biến chứng nặng thì gia đình cần phải hết sức thận trọng trong việc chăm sóc trẻ. Lúc này sức đề kháng của trẻ suy giảm mạnh nên trẻ rất dễ bị nhiễm virus, vi khuẩn, nên phải giữ gìn vệ sinh cho trẻ bằng cách lau rửa bằng nước sạch (như nước lá kinh giới, sài đất); tạo môi trường thoáng khí, tránh để trẻ tiếp xúc nhiều người. Quan trọng không kém là tăng chế độ dinh dưỡng cho trẻ bằng các thức ăn lỏng, nhẹ, đặc biệt là cần bổ sung thêm vitamin A để tăng khả năng miễn dịch cho trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo các gia đình cần phát hiện sớm dấu hiệu lâm sàng bệnh sởi (khi bệnh nhân chưa phát ban) như: Trẻ sốt cao, liên tục, dùng thuốc hạ nhiệt không tác dụng kèm theo đó là viêm kết mạc, ho và chảy mũi… Các dấu hiệu này sẽ xuất hiện trước khi phát ban 3 - 4 ngày và sau khi phát ban, trẻ vẫn có thể sốt cao thêm 4 - 5 ngày. Đặc biệt lưu ý, sau khi phát ban, trẻ tiếp tục sốt cao liên tục và không hạ nhiệt, đó là biểu hiện sởi biến chứng, cần cho trẻ nhập viện ngay.

Video xem thêm:

Truyền hình trực tiếp từ tâm dịch sởi

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại