Nước dừa vẫn được coi là thứ nước uống cao cấp, không chỉ trong sạch vô trùng mà lại ngon ngọt, mát mẻ. Tuy nhiên, nếu không biết cách uống thì nước dừa lại rất có hại cho sức khoẻ, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
Theo GS.TSKH Bùi Quốc Châu, Giám đốc Trung tâm Diện chẩn điều khiển liệu pháp và xoa bóp Việt Nam cho biết, dù các tài liệu khoa học của Tây y đều coi nước dừa là thứ nước uống lý tưởng, nhiều chất bổ và vô hại nhưng bà con nông thôn lại có kinh nghiệm, dặn dò con trẻ: "Đi xa ngoài nắng, về nhà đứng uống nước dừa sẽ "trúng gió". Trúng gió là ngã bệnh một cách nhanh chóng, người ớn lạnh, hâm hấp sốt hoặc sốt cao.
Những người bị bệnh trĩ, huyết áp thấp, nhức đầu do huyết áp thấp, cảm lạnh, thấp khớp, mệt tim do lạnh thì không nên dùng nước dừa.
Theo ông Châu, sau một thời gian lâu dài kiểm nghiệm, tổng kết thì thấy nước dừa rất có hại cho sức khoẻ nếu uống nhiều 3 - 4 trái/ngày, nhất là đối với các bệnh nhân suy nhược, huyết áp thấp, người hay lạnh.
GS.TSKH Bùi Quốc Châu giải thích, nước dừa nhất là dừa xiêm thuộc âm, tức là có tính giải nhiệt, làm mát, làm mềm yếu gân cơ, hạ huyết áp. Những người bị bệnh trĩ, huyết áp thấp, nhức đầu do huyết áp thấp, cảm lạnh, thấp khớp, mệt tim do lạnh thì không nên dùng vì có thể gặp những tai hại khôn cùng.
Lương y Vũ Quốc Trung, phòng khám Y học cổ truyền chùa Cảm Ứng cũng cảnh báo, trong nước dừa hàm lượng chất béo rất cao (2%) nên dùng hạn chế, uống nhiều sẽ gây đầy bụng, khó tiêu. Dừa và những loại quả nhiều nước (dưa hấu...) đều có tính làm mát (ẩm, thấp), khi đi nắng về ta không nên ăn, uống nhiều vì Đông y cho rằng "ẩm khốn tỳ", ẩm nhiều gây hại tỳ vị, đầy bụng, khó tiêu, người ớn lạnh, đặc biệt có hại cho đường tiêu hóa và lá lách.
Khi uống nước dừa nên tránh uống vào buổi tối với nước đá. Đó là ba yếu tố âm cộng lại (nước dừa, nước đá, ban đêm) thì càng dễ bị bệnh. Đặc biệt, người đánh võ hay đá bóng cũng kỵ dùng nước dừa trước khi thi đấu vì làm cho gân cơ rã rời, không thể chạy nhanh và có sức bền được.