Tía tô có tên gọi é tía, theo chữ Hán gọi là tử tô, Tử tô ngạnh. Sách “Bản thảo cương mục” gọi tử tô là Xích tô, tên khoa học Perilla frutescens L, họ hoa môi (Labiatae).
Là loại cây cỏ cao từ 0,5 – 1,0m. Được trồng khắp nơi làm rau thơm gia vị ăn sống cùng các thức ăn khác như đậu phụ, rau trong món bún đậu mắm tôm chanh.
Bộ phận chế biến và sử dụng làm thuốc được thu hoạch về phơi khô trong râm mát (âm can), tử tô là cành non có mang lá của cây tía tô. Còn tử tô tử là quả chín phơi hay sấy khô của cây tía tô. Tô diệp là lá phơi hay sấy khô của cây tía tô. Tô ngạnh là cành non hay già của cây tía tô phơi hay sấy khô.
Đông y cho rằng Tía tô có vị cay, tính ấm, không độc đi vào các kinh Phế, tâm và Tỳ, làm ra mồ hôi, hạ khí, tiêu đàm mà Đông y xếp vào loại giải biểu, thuộc nhóm thuốc phát tán phong hàn. Có tác dụng chữa hắt hơi sổ mũi do viêm long đường hô hấp trên (cảm mạo), sốt, ho, ra mồ hôi, giúp tiêu hóa. Cành tía tô có tác dụng an thai, quả tía tô có tác dụng chữa ho, trừ đờm, hen suyễn, tê thấp. Lá tía tô non được sử dụng làm gia vị. Hạt làm trà uống là thuốc hạ khí, làm thuốc an thai thay cho cành.
Liều dùng trung bình mỗi ngày cho lá và hạt tía tô từ 6 – 12g, cành tía tô (tô ngạnh) ngày uống 12 – 20g. Được dùng dưới dạng xông hay thuốc sắc.
Cần lưu ý khi sử dụng tía tô nếu như người bệnh đã ra mồ hôi nhiều, da khô nóng thì không dùng. Trong khi sắc thuốc có tử tô không sắc lâu quá 15 phút vì sẽ làm bay mất tinh dầu có trong tử tô ảnh hưởng đến công hiệu trị liệu của thuốc. Lưu ý theo kinh nghiệm không nấu lá tía tô với cá chép vì sợ sẽ sinh nhọt.
Những phương thuốc trị bệnh từ rau tử tô.
Trị cảm nhẹ: Lấy lá tía tô cùng các lá khác như lá chanh, cúc tần, lá tre, lá bưởi…tạo thành nồi xông. Có thể sau xông lấy một bát nước uống. Khi mồ hôi ra cần dùng khăn khô lau sạch và đắp chăn mỏng nằm nghỉ một chốc bệnh sẽ khỏi.
Chữa chứng cảm mạo (hắt hơi sổ mũi, biểu hiện viêm long đường hô hấp trên), bí ra mồ hôi: Lấy lá tía tô tươi từ 15 – 20g, giã nát, sau cho nước sôi khuấy đều, gạn lấy nước uống. Hoặc lấy lá tía tô rửa sạch thái nhỏ sợi, trộn vào cháo ăn nóng, rồi nằm đắp chăn cho ra mồ hôi sẽ khỏi cảm. Khi mồ hôi đã ra cần lưu ý lấy khăn khô lau sạch hết mồ hôi và thay quần áo khác.
Chữa cảm mạo có biểu hiện nôn mửa, đau bụng: Lá tía tô 1 nắm, vỏ quýt lâu năm 1 cái, gừng tươi 3 lát. Khi nước sôi mới cho cả 3 vị trên vào. Đun chốc lát chắt nước ra bát, uống nóng. Có thể cho chút đường phèn vào để dễ uống.
Trị chứng thương hàn về mùa đông, bí ra mồ hôi: Dùng một lượng lớn lá tía tô, cho vào nồi nấu sôi, sau đổ ra chậu, trên chậu úp rá hay rổ, đặt hai bàn chân lên rá hay rổ và trùm chăn lên xông. Khi nước xông còn ấm thì cho hai chân vào chậu ngâm. Rất công hiệu.
Hay sử dụng phương “Hương tô tán” (trị chứng cảm mạo phong hàn biểu hiện sốt, gai rét, đau đầu tức ngực): Gồm lá tía tô 8g, hương phụ 8g, trần bì 6g, cam thảo 4g, gừng tươi 2 lát. Sắc lấy nước uống.
Chữa cảm mạo người mang thai: Tía tô, kinh giới mỗi thứ 1 nắm, cho vào 2 bát nước, sắc còn lại 1 bát uống khi thuốc còn ấm. Có thể sau khi uống ăn cháo đập vào 1 quả trứng gà (được trứng của gà mái đen là tốt nhất).
Chữa thương hàn ho suyễn: Lấy một nắm lá tía tô cho vào nồi đổ vừa nước nấu sôi chừng 10 phút sau gạn lấy nước uống dần là sẽ dứt cơn suyễn.
Làm hóa đàm giáng khí (theo “Thiên gia thực liệu phương” dùng cháo tử tô): Tử tô hạt 20g, xay nhuyễn như hồ, cho nước vào ép gạn lấy nước nấu với 100g gạo tẻ nhừ thành cháo rồi cho đường phèn vào ăn (không sử dụng cho người bị tiêu chảy).
Chữa chứng nấc liên hồi: Bỗng dưng thấy mắc chứng nấc liên hồi suốt ngày đêm sau khi mới khỏi bệnh. Tiếng nấc to đến hàng xóm cũng nghe thấy. Theo Nam Dược Thần Hiệu phải lấy ngay 1 lạng (10 đồng cân) tức khoảng 40g (1 đồng cân ứng với 3,75g lấy tròn 4g) hạt tía tô sao qua, tán nhỏ. Sau đó hòa với nước lọc, gạn bỏ bã lấy nước cho gạo tẻ vào đủ nấu nhừ thành cháo và ăn. Cần ăn thường xuyên sẽ khỏi.
Trị mộng tinh: Mộng tinh do tâm thận suy mà sinh ra. Dùng 100g hạt tía tô tán nhỏ, mỗi lần uống 4g chiêu với rượu trắng, ngày uống 2 lần, sẽ khỏi bệnh.
Trị sưng vú: Khi thấy nhũ hoa sưng đau lấy lá tía tô đủ dùng, sắc đặc lấy nước uống, còn bã đắp vào chỗ sưng đau, rất hiệu nghiệm.
Trị trẻ em ho nặng, thở gấp: Lấy 20g hạt tía tô tán bột, hòa với nước đun sôi để còn hơi âm ấm, gạn bỏ bã cho trẻ uống. Hoặc trộn vào bột nước cháo hồ, hay nước cơm cho trẻ uống sẽ khỏi.
Chữa dị ứng: Khi dị ứng do ăn hải sản hay tiếp xúc lạnh, lấy ngay 1 nắm lá tía tô rửa sạch giã vắt lấy nước cốt uống, còn bã đắp hay xát lên nơi ngứa dị ứng sẽ khỏi. Hoặc sử dụng phương “Tử tô giải độc thang” gồm lá tía tô 10g, gừng tươi 8g, sinh cam thảo 2g. Sắc với 600ml nước còn lại 200ml, chia 2 – 3 lần uống trong ngày. Lưu ý tránh gió và không được dầm nước.
Chữa suyễn người lớn tuổi: Dùng 1 lạng hạt tía tô, sao qua, tán bột mịn, đổ vào 3 bát nước hòa đều lọc bỏ bã, lấy nước cho gạo vào nấu nhừ thành cháo ăn lúc đói. Rất hiệu nghiệm.
Chữa động thai: Dùng 12g cành lá tía tô, 12 bột sắn dây, sắc chung lấy nước uống sẽ khỏi.
Chữa táo bón người già suy nhược: Hạt tía tô và hạt me lượng hai thứ bằng nhau cho nước lã vào lắng lọc lấy nước nấu chin mà uống. Hoặc hạt tía tô 10g, hạt vừng 10g, giã nhuyễn cho nước vào nấu cháo (phương này có thể sử dụng cho cả trường hợp táo bón do ung thư ruột).
Chữa vết mụn trên da (kể cả rụng tóc): Lấy lá tía tô nghiền lấy nước cốt, hoặc đun lá tía tô thành đồ uống, kiên trì một thời gian sẽ hiệu quả.