TPHCM: Sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân nhiễm MERS – CoV

An Nhiên |

Chiều 4/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đi kiểm tra công tác phòng chống MERS – CoV tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.

Sẵn sàng các phương án phòng dịch

Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh viện thực hiện tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên để có biện pháp cách ly, thu dung, điều trị kịp thời;

Đồng thời xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về giám sát, chẩn đoán, điều trị, thực hiện điều tra dịch tễ ca bệnh, nguồn lây truyền để có kế hoạch, biện pháp phòng chống thích hợp.

Củng cố hoạt động của đội cấp cứu chống dịch, tổ chức chống dịch 24/24 giờ trong thời gian có dịch; sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân MERS – CoV; đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, thuốc vật tư, thuốc cấp cứu cho bệnh nhân nặng.

Thành lập “Nhóm theo dõi điều trị hội chứng MERS – CoV” để đảm bảo chẩn đoán, xử trí nhanh, chính xác và sẵn sàng góp ý, hỗ trợ về chẩn đoán và điều trị cho tuyến dưới.

Trong tình huống có bệnh nhân nghi ngờ MERS – CoV từ ngoài bệnh viện chuyển đến, Khoa cấp cứu chịu trách nhiệm tiếp nhận, cách ly tại chỗ, hội chẩn các chuyên khoa liên khoa: Phòng khám bệnh nhiệt đới, hô hấp, tai mũi họng.

Bộ phận tiếp nhận bệnh nhân của khoa Khám bệnh và các phòng khám khi có bệnh nhân nghi ngờ MERS – CoV thì lập tức chuyển ngay đến phòng Khám bệnh nhiệt đới để được chẩn đoán kịp thời.

Khoa Bệnh nhiệt đới chịu trách nhiệm chuẩn bị khu cách ly, sẵn sàng điều trị bệnh nhân MERS – CoV nội trú.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long kiểm tra khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM

Các khoa lâm sàng sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân khi số lượng bệnh nhân vượt quá khả năng tiếp nhận của khoa Bệnh nhiệt đới.

Khoa cận lâm sàng (vi sinh) chịu trách nhiệm lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, ưu tiên lấy mẫu bệnh phẩm đường hô hấp dưới, bảo quản và vận chuyển mẫu xét nghiệm đến Viện Pasteur TPHCM.

Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn hướng dẫn các khoa lâm sàng về các biện pháp phòng bệnh, cách ly phòng ngừa MERS – CoV và các biện pháp phòng bệnh chủ động cho nhân viên y tế; hỗ trợ các khoa thực hiện tốt công tác chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Bệnh viện Chợ Rẫy hiện đang có 110 máy thở và trong thời gian tới sẽ có thêm 30 máy theo phương thức xã hội hóa, đủ để đáp ứng tình trạng có dịch xảy ra.

Kiểm tra khu vực cách ly tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã sẵn sàng ứng phó trong trường hợp có nhiều bệnh nhân MERS – CoV nhập viện ồ ạt. Theo đó, bệnh viện đã dành khoa Nhiễm D với 50 giường để cách ly và thu dung bệnh nhân.

Trường hợp số bệnh nhân vượt quá khả năng của khoa Nhiễm D thì sẽ sử dụng cả khoa Nhiễm A để tiếp nhận. Tại khoa Nhiễm D có các phòng cách ly cho bệnh nhân nhẹ, bệnh nhân nặng và bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã chuẩn bị hơn 1.000 trang phục bảo hộ cho cán bộ y tế và 36 máy thở.

Đồng thời, bệnh viện cũng có một phòng xét nghiệm sinh học cấp 3 có thể chẩn đoán được MERS – CoV trước khi chuyển mẫu bệnh phẩm sang Viện Pasteur.

Chú trọng yếu tố dịch tễ và công tác truyền thông

Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy lo ngại trước tình trạng quá tải hiện nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.700 bệnh nhân, nếu có trường hợp mắc MERS – CoV thì rất dễ xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, MERS – CoV có thời gian ủ bệnh lâu (từ 2 đến 14 ngày) với các triệu chứng hoàn toàn giống các bệnh cúm, viêm đường hô hấp thông thường nên rất dễ chẩn đoán nhầm.

Vì thế, yếu tố dịch tễ là vô cùng quan trọng. Khi tiếp nhận bệnh nhân có các triệu chứng trên, bác sĩ phải hỏi ngay xem bệnh nhân có đi về từ vùng dịch hay không để khoanh vùng chẩn đoán.

Trước tình trạng lây nhiễm giữa người và người quá nhanh tại Hàn Quốc, Bộ Y tế Việt Nam đã rất quan ngại việc lây nhiễm hoàn toàn có thể xảy ra tại Việt Nam do mỗi ngày có khoảng 3.000 hành khách từ Hàn Quốc đến Việt Nam.

Vì thế, Bộ Y tế đã nâng mức độ sàng lọc lên cao hơn: Toàn bộ bệnh nhân đi về từ vùng dịch phải nằm trong đối tượng sàng lọc, xét nghiệm tất cả các bệnh nhân có triệu chứng viêm đường hô hấp có liên quan đến vùng dịch chứ không đợi đến khi bệnh nhân bị nặng mới xét nghiệm.

Nếu phát hiện có bệnh nhân mắc MERS – CoV, lập tức tiến hành hành lang cách ly riêng, tránh trường hợp lây chéo trong bệnh viện.

Bộ Y tế đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống MERS – CoV như ban hành phác đồ điều trị, kích hoạt các đội phản ứng nhanh, cảnh báo người dân cân nhắc khi đến các vùng có dịch…

Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các hành khách đến từ Hàn Quốc và Bahrain cùng 9 quốc gia khu vực Trung Đông phải thực hiện tờ khai y tế khi nhập cảnh vào Việt Nam.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh, công tác truyền thông là vô cùng quan trọng.

Bộ Y tế không giấu diếm bất cứ thông tin gì về tình hình MERS – CoV, đồng thời luôn cập nhật và cảnh báo chung trên phạm vi toàn quốc.

Có một khó khăn không nhỏ đối với các bệnh viện khu vực phía Nam là chưa hề có kinh nghiệm đối phó, điều trị những bệnh như thế này, trong khi khu vực phía Bắc đã từng có kinh nghiệm đối phó với dịch SARS xảy ra năm 2003.

Vì thế, các bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh Nhiệt đới phải tiếp tục trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm để đối phó nếu có dịch MERS – CoV xảy ra.

Tính đến ngày 3/6, thế giới có 1.179 người nhiễm bệnh này, trong đó 442 trường hợp đã tử vong.

Đây là dịch bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Bệnh lây từ người sang người qua đường tiếp xúc gần hoặc nước bọt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại