Thuốc lá và những hệ lụy sức khỏe giật mình ngoài sức tưởng tượng

Chỉ trong hơn một tháng qua, BV Nhân dân 115 đã tiếp nhận 5 bệnh nhân bị xơ vữa động mạch, tắc động mạch ngoại biên và từng bị đoạn chi do hút thuốc lá.

 Theo đánh giá của các bác sĩ, đây là hiện tượng bệnh nhân bị tắc mạch máu đông bất thường.

“Rụng”… chân vì nghiện thuốc lá

Tại khoa Lồng ngực mạch máu, BV nhân dân 115, một cụ già 66 tuổi người gầy còm, liên tục rên la vì đau đớn do căn bệnh tắc động mạch. Ông là L.V.T, ngụ tại xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè. Vợ ông T. kể: Ông đã hút thuốc lá gần 30 năm, cách đây 2 năm thì phát bệnh, các đoạn chi ngày càng đau đớn và hoại tử dần.

Gia đình đã đưa ông đi chữa trị tại nhiều BV. Năm ngoái, BV đa khoa Sài Gòn đã cắt những ngón chân hoại tử của ông. Vài tháng sau, tiếp tục đến BV Chợ Rẫy cắt đoạn chân bên phải và thần kinh giao cảm ở lưng. Đến tháng 10/2009, ông nhập viện tại BV nhân dân 115 với tình trạng chân bên trái đã bị hoại tử, mỏm cụt của chân bên phải bị phình mạch máu. Các bác sĩ đã chụp phim, khảo sát động mạch, kết quả cho thấy các mạch máu của ông bị xơ cứng, tắc rải rác nhiều nơi (đặc biệt là hai chân, hai tay), việc điều trị vô cùng khó khăn (không nối động mạch được). 

Thuốc lá và những hệ lụy sức khỏe giật mình ngoài sức tưởng tượng

Nằm cạnh giường ông T. là ông P.V.T, ngụ Tiền Giang, cũng đang điều trị tắc mạch máu, chân tay bị hoại tử. Mới 45 tuổi nhưng trông ông T. rất hom hem. Theo hồ sơ bệnh án, tháng 4/2009 khi bàn chân bên phải hoại tử đen dần, các bác sĩ chẩn đoán ông bị tắc mạch máu ngoại biên do hút thuốc lá. Do bàn chân và cẳng chân bị hoại tử, bác sĩ đã cắt 1/3 chân ở giữa đùi bên phải của ông. Chân trái ông cũng có biểu hiện tắc mạch, bác sĩ hẹn vài ngày sau tái khám để nối mạch máu bên chân trái. Không hiểu sao ông không tái khám mà để đến đầu tháng 11/2009, khi chân đau đến mức không thể bước đi nỗi, ông mới nhập viện. Lúc này, chân trái của ông đã bị hoại tử, bác sĩ buộc lòng phải cắt đi đoạn chi bên trái.

Những bệnh nhân: T.Xron (sinh năm 1973, Bình Phước), T.M.V (1987, Nhà Bè), N.V.H (sinh năm 1955, Đăng Hải, Bạc Liêu), N.N.Đ (sinh năm 1966, Gò Công, Tiền Giang), hiện điều trị tại BV cũng trong tình trạng tương tự. 

Bác sĩ Cao Văn Thịnh, trưởng khoa Ngoại lồng ngực mạch máu của BV cho biết: Những bệnh nhân này từng bị đoạn dần các ngón bàn tay hoặc chân, 3/5 trường hợp cũng đã điều trị kết hợp bằng phẫu thuật “cắt thần kinh giao cảm” ngực hoặc thắt lưng, nhưng không đỡ. Bệnh tái phát, 4/5 các trường hợp sau những lần phẫu thuật trước (như đoạn ngón, bắc cầu nối, cắt thần kinh giao cảm…).

Khi xuất viện bệnh nhân được tư vấn không nên hút thuốc lá nhưng sau đó vẫn tiếp tục hút với mức độ khác nhau, khiến bệnh tái phát (sau 1 năm, 6 tháng, 3 tháng…). Chỉ có 3/5 trường hợp được can thiệp bằng phẫu thuật mạch máu.

Tổn thương gây tắc mạch

Mỗi một loại tổn thương tắc mạch cấp hay mạn, nhóm nguyên nhân khác nhau, lại có những biểu hiện và tiên lượng khác nhau. Việc hiểu được nguyên nhân, giảm bớt hay loại bỏ nguy cơ mắc bệnh, theo dõi điều trị kịp thời, phòng tránh biến chứng khi đã mắc bệnh… là rất quan trọng.

Nhóm các bệnh lý tắc động mạch ngoại biên ở người hút nhiều thuốc lá, cả nam và nữ; ở người trẻ và cả những người lớn tuổi (hay còn gọi bệnh Burger) cho thấy: tổn thương đặc thù là viêm tắc động mạch, thường xảy ra ở động mạch trung bình và các động mạch nhỏ, phần lớn ở ngọn chi (các ngón hay bàn chân, tay). Về cơ chế gây bệnh cũng còn nhiều tranh luận và chưa rõ ràng nhưng những nghiên cứu lâm sàng cho thấy có sự liên quan giữa bệnh viêm tắc động mạch ngoại biên và tình trạng hút nhiều thuốc lá.

Giai đoạn tiến triển của bệnh

Tiến triển của bệnh cũng trải qua những giai đoạn khác nhau. Ở giai đoạn viêm cấp, lòng mạch có vi huyết khối và hẹp từng đoạn, có thể kéo theo các tổn thương tĩnh mạch, thần kinh kế cận. Giai đoạn bán cấp có hình ảnh huyết khối trong lòng mạch được tổ chức hóa. Giai đoạn cuối có sự xơ hóa thành mạch.

Ở một bệnh nhân trẻ, có thói quen hút nhiều thuốc lá và hút kéo dài, thường xuất hiện tình trạng viêm tắc động mạch ngoại biên, nhất là ở các động mạch trung bình và nhỏ như ở ngọn chi. Các thăm dò cận lâm sàng bằng xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh (siêu âm mạch máu, chụp động mạch có cản quang) không ghi nhận các bệnh lý mạch máu bất thường khác như xơ vữa động mạch… hình ảnh mạch máu tắc hẹp dần ở ngoại biên, có thể nghĩ tới tắc mạch ở người hút nhiều thuốc lá. 

Bác sĩ Thịnh khuyến cáo, bệnh nhân bị đau chi thường có 5 dấu hiệu ở những nơi chi bị tổn thương: đau chi (đau nhức trong khi vận động và đi lại), tê bì (chân tay tê, mất cảm giác), lạnh chân, có dấu hiệu vết loét ở tay chân, teo cơ, đi đau. Khi có những dấu hiệu trên, người bệnh nên đi đến bệnh viện để khám, chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại