Sau khi tra cứu một số tài liệu dược học cổ truyền và tìm hiểu thêm những kinh nghiệm dân gian chính thống, được biết.
Sá sùng là một loài giun biển, thuộc họ sâu đất (Sipunculidae). Loại nhỏ dài khoảng 10cm, nặng 10 – 12g, thân thon tròn như ống, màu hồng nhạt, phần giữa thân có 30 sợi cơ dọc bao quanh, rất linh hoạt. Loại to, còn gọi là sá sùng chuối, có thể nặng đến 120g, thân màu nâu nhạt, cơ dọc giữa thân dưới 30 sợi, hoạt động chậm chạp.
Sá sùng rất giàu dinh dưỡng
Theo phân tích của nhóm nghiên cứu trường đại học Khoa học tự nhiên (TP.HCM), thịt sá sùng có chứa 17 nguyên tố khoáng, 18 loại axít amin, trong đó có tám loại không thể thay thế rất cần thiết cho con người.
Theo tài liệu của Trung Quốc, sá sùng khô có chứa 10,3% axít amin tự do, trong đó có những axít amin có vị ngọt như glycine (3,2%), alanine (2,5%), glutamine (0,25%), succinic (0,35%)… Ngoài ra, sá sùng còn là một trong những loại sinh vật biển giàu taurine (3,2%) và khoáng chất (1,2%).
Điều này lý giải vì sao từ xa xưa, sá sùng đã được xếp vào hàng những loại thực phẩm và thuốc có tác dụng bổ dưỡng cao cấp, thậm chí được mệnh danh là “địa sâm” (sâm đất).
Sá sùng có nhiều ở các bãi cát pha bùn thuộc vịnh Bắc bộ, Nha Trang, Bến Tre, Bạc Liêu, Côn đảo…, trong đó nổi tiếng nhất là sá sùng ở Vân Đồn (Quảng Ninh). Mùa khai thác sá sùng thường diễn ra từ tháng 3 – 7 và cũng là lúc sá sùng có chất lượng tốt nhất. Khi thuỷ triều xuống, dùng mai đào cát để bắt rồi lộn trái thân, bỏ nội tạng và đất cát, đem phơi hoặc sấy khô để ăn hoặc làm thuốc.
Trước đây, khi chưa có bột ngọt, sá sùng được coi là thứ gia vị để chế ra những nồi nước dùng, nồi canh có hương vị thơm ngọt đặc biệt, nhất là nước phở, đến nỗi có người cho rằng loại giun biển này chính là “linh hồn” của phở Bắc.
Người bán phở ngày xưa thường dậy từ 3 – 4g sáng, cho xương bò, tôm he và sá sùng khô vào nồi hầm khoảng hai tiếng. Chất bổ từ sá sùng tan vào nước, chỉ để lại một lớp bọt, vớt hết bọt này đi là có được một nồi nước dùng thật trong nhưng cũng thật thơm và thật ngọt.
Ngày nay, người ta còn dùng sá sùng tươi hoặc khô nướng trên bếp than rồi chấm với muối tiêu ớt chanh, ăn thơm ngon hơn mực hoặc dùng để chế biến thành các món xào chua ngọt hoặc thay tôm nấu các món canh.
Theo dược học cổ truyền, sá sùng vị mặn, tính lạnh, có công dụng bổ dưỡng phần âm và giải nhiệt, làm mát phổi và cải thiện công năng tỳ vị, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như nóng bốc ở tầng sâu bên trong hay sốt về chiều, đổ mồ hôi trộm (thường có ở bệnh lao phổi, lao xương khớp); trong ngực bứt rứt buồn bực không yên; ho khạc đờm nhiều do phế hư; tiểu đêm nhiều; răng lợi sưng đau…
Kinh nghiệm dân gian còn dùng sá sùng phơi hoặc sấy khô rồi nướng giòn, tán thành bột thật mịn, uống mỗi ngày ba lần, mỗi lần 6 – 10g với nước ấm hoặc rượu để bổ thận ích tinh, chữa yếu sinh lý, liệt dương hoặc dùng sá sùng hấp với lá dâm dương hoắc để chế thành món ăn bài thuốc có công dụng bồi bổ ngũ tạng, tư âm tráng dương, tăng cường khí lực (lấy 50g lá dâm dương hoắc cho vào đáy nồi, đổ ngập nước rồi để cái xửng lên trên; sá sùng tươi 200g trộn đều với 50g hẹ và 20g mè rồi xếp đều lên xửng hấp. Đun sôi khoảng 15 phút là có thể ăn được, chấm với nước mắm chua cay hoặc muối tiêu chanh).
Hiện tại, chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu nào nói về khả năng kháng ung với ý nghĩa trực tiếp ức chế sự phát triển và tiêu diệt tế bào ung thư của loài giun biển này. Tuy nhiên, với thành phần dinh dưỡng phong phú, chắc chắn sá sùng có khả năng hỗ trợ trị liệu ung thư, đặc biệt đối với những bệnh nhân phải chịu những tác dụng có hại của hoá trị liệu và xạ trị liệu.