Thoát chết nhờ một cây thuốc lạ
Những ngày cuối tháng 6, trong cái nắng sầm sập của miền Bắc, bác sĩ Hoàng Sầm vẫn cố gắng chăm sóc vườn giống cây dong riềng đỏ của mình. Với ông đây là một “kho báu” truyền lại cho bà con nhân dân.
Tâm sự về cơ duyên của mình với cây Dong riềng đỏ, bác sĩ Sầm kể lại: Vào những năm 1994, lúc đó khi ấy tôi tuổi còn đang trẻ, khao khát hiểu biết và cũng được tiếng chữa bệnh mát tay.
Một lần đi khám cho mẹ một người bạn ở xã Sỹ Bình huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn. Từ cơ quan là trường Đại học Y Bắc Thái – nơi tôi đang làm việc đến địa chỉ trên rất xa.
Khi về xã Sỹ Bình đèo heo hút gió, qua suối Pù Cà, chúng tôi tới nhà người bệnh thì trời đã tối. Tranh thủ trước khi ăn cơm tôi hỏi bệnh sử và quá trình mắc bệnh.
Được biết người bệnh mắc bệnh suy tim do hẹp động mạch vành, tuổi đã khá cao. Bà được chạy chữa ở bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên rồi xuống bệnh viện Bạch Mai nhưng bệnh thuyên giảm không đáng kể.
Khám thấy phù 2 chân, khó thở, đau thắt ngực nhiều, tim to, môi lưỡi nhợt nhạt, tiên lượng gần xa đều xấu. Tôi cũng dặn dò, động viên và kê đơn mà trong lòng khiên cưỡng bất an, phần thấy sở học của mình bất lực và thật khiêm tốn”.
Không cứu được người bệnh nhưng đồng bào Dao ở đó vẫn trân trọng và kính quý bác sĩ Sầm. Điều ấy càng khiến cho bác sĩ Sầm thấy day dứt.
Hình ảnh về ca bệnh cứ gặm nhấm ông và nhiều năm sau này ông vẫn tự hỏi tại sao mình lại không giúp được gì bà cụ. Đến năm 2002 trong một lần công tác ở Bắc Cạn, bác sĩ Sầm gặp lại người bạn năm xưa.
Nhớ lại lúc ấy, bác sĩ Cầm kể: "Tôi có chút ngại ngùng vì ngày trước đã không cứu được mẹ anh. Tôi nghĩ bà cụ chắc đã qua đời. Nhưng thật bất ngờ khi người bạn nói mẹ của anh ấy vẫn khỏe và hỏi thăm anh bác sỹ người Dao".
Hỏi ra bác sĩ Sầm mới biết, khi bà cụ thập tử nhất sinh có một ông lang già cũng người Dao cho 1 cây thuốc nam lá hơi giống lá dong, thân đỏ như mía dò, củ nhơn nhớt, tên tiếng Dao là cây Si mun.
Theo hướng dẫn, người nhà đem cây thuốc này nấu với tim lợn, ăn. Trong khoảng hơn 6 tháng, uống tới đâu nhẹ người tới đó và rồi bà dần dần khỏi, đi nương rẫy được.
Là bác sĩ nhưng bản thân bác sĩ Sầm cũng thấy điều đó thật là tuyệt vời, trên cả bất ngờ.
Bẵng đi một thời gian, vào năm 2003, bác sĩ Sầm dạy lớp Bác sỹ chuyên khoa cấp I gia đình. Lớp có 17 người, đều là những bác sỹ học trò cũ, tuổi trên dưới 40, thầy trò rất thân thiện vì chênh lệch tuổi không đáng kể.
Vào giờ giải lao Bác sỹ Nguyễn Quốc Vinh,Trưởng trạm y tế xã Tân Lập, huyện Đồng Hỷ, Hà Giang nói:
Thầy ạ, em có cây thuốc chữa mạch vành hay lắm, trước đây em đau thắt ngực liên tục, tháng nào cũng phải tới gặp bác sỹ chuyên khoa tim mạch ở Thái Nguyên, rồi Hà Nội.
Hai năm trời mà không sao khỏi được, may có ông lang Xướng ở xã Cao Ngạn có cho mấy liều thuốc nam mà nay em ổn định, hết đau ngực hoàn toàn.
Hỏi thêm mới biết đó là một loại củ nhơn nhớt, hơi giống củ dong riềng, ăn chẳng có mùi vị gì nhưng đem nấu với tim lợn cho người bệnh mạch vành ăn cả nước lẫn cái thì rất ổn”.
Bác sĩ Sầm chợt nhớ ra bài thuốc mà người bạn kia kể đã giúp bà cụ từ mức “viện trả về” vẫn qua khỏi và khỏe mạnh đi rẫy được.
Cảm giác về một thứ cây thuốc nhơn nhớt của ông Lang người Dao trên xã Sỹ Bình, Bắc Cạn cứ lấp lửng trong tâm trí của bác sĩ Sầm. Ông bèn tìm hiểu thêm.
Theo Bác sỹ Vinh tiếng Nùng Cao Bằng gọi là cây Slim khỏn; Lạng sơn gọi Slim tàu tẳng, Ông Đại tá Lương Tuấn nguyên chủ nhiệm Cục chính trị Quân khu I và ông Vi Văn Chò, nguyên Trưởng ty Lương thực thì gọi là Si mun; tiếng kinh gọi là cây Dong riềng đỏ.
Slim khỏn là tim đập rộn, khốn; Slim tàu tẳng là tim đập nhanh liên hồi; Si mun tiếng Dao nghĩa là đau tim. Lúc này, bác sĩ Sầm mừng quá vì sự trùng hợp này, mừng vì đây có thể là một phát hiện mới, mừng vì nó sẽ không bị thất truyền.
Cây dong riềng đỏ là thần dược cho tim mạch?
Để chắc chắn hơn về sinh thái, hình thái và tác dụng cây dong riềng đỏ trong dân gian, năm 2004, bác sĩ Sầm tự bỏ tiền túi ra tổ chức đi điều tra, khảo sát ở 16 tỉnh, 26 huyện của toàn Việt Bắc và Tây bắc; làm điện tim cho 2 khu vực khác tỉnh, mà ở đó người dân tộc thiểu số có dùng hoặc không dùng cây dong riềng đỏ để ăn.
So sánh hơn 170 bản ghi điện tim của 2 nhóm người có tuổi, người cao tuổi cho thấy vùng có sử dụng dong riềng đỏ làm thực phẩm tỷ lệ mắc bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ do mạch vành ít hơn tới mức hơn cả mong đợi.
Như vậy, sơ bộ có thể kết luận dong riềng đỏ có tác dụng phòng ngừa bệnh mạch vành.
Để làm sáng tỏ giá trị cây thuốc vô cùng quý mà lại không quá hiếm này, năm 2005 nhóm nghiên cứu của bác sĩ Sầm đã tiến hành đề tài khoa học tên là: “Nghiên cứu dịch chiết cây
Dong riềng đỏ ứng dụng điều trị cơ tim thiếu máu cục bộ”, đây là đề tài trọng điểm cấp Bộ mang mã số: B2005-04-46TĐ do Bộ GD&ĐT cấp kinh phí.
Với sự giúp đỡ, phối hợp nghiên cứu, chỉ dẫn khoa học của hơn 10 giáo sư, tiến sỹ y dược học như Giáo sư Nguyễn Nghĩa Thìn, Giáo sư Trịnh Bình, Giáo sư Nguyễn Trọng Thông, Phó giáo sư Phùng Quốc Việt, tiến sỹ Nguyễn Khang Sơn… đề tài đã được nghiên cứu thành công và nghiệm thu xuất sắc bởi hội đồng khoa học cấp bộ.
Trên thế giới hiếm cây thuốc nào chữa bệnh tim mà tích hợp được 7 trong 1 như cây dong riềng đỏ.
Vì nó vừa chữa suy tim; hạ huyết áp; điều hoà nhịp tim; giãn vi mạch vành; giảm đau ngực nhanh; làm sạch lòng mạch vành và vừa an thần.
Chỉ cần độc vị dong riềng đỏ, bất kể là lá, hay thân hoặc củ đã sao thơm nấu với tim lợn đều có thể chữa bệnh.
BS Sầm từng chứng kiến có bệnh nhân chụp xạ hình gắng sức vùng cơ tim thiếu máu tới 41%; có bệnh nhân hẹp khẩu kính mạch vành tới 82%.
Vậy mà chỉ sau 8-12 tháng vùng thiếu máu chỉ còn 5%; khẩu kính lòng mạch vành cải thiện rõ rệt. Ngay cả những người sau đặt stent nong mạch vành mà vẫn đau ngực cũng hiệu quả.
Hiện nay cây Dong riềng đỏ đã được xác lập quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam và công ước về sở hữu trí tuệ thế giới.
Đây là cơ sở pháp lý để cây thuốc này được tiếp cận với những người Việt Nam không may mắc bệnh mạch vành tim và xa hơn nữa có thể vươn ra thế giới.
Từ 10 hạt giống đầu tiên, cách đây 15 năm, đến nay Viện Y học bản địa Việt Nam đã nhân giống, hướng dẫn bà con nhiều đáng kể.
Vì muốn bà con tự trồng cây dong riềng và dùng nó để phòng ngừa bệnh mạch vành, bác sĩ Hoàng Sầm đã nhân giống một vườn ngay tại viện Y học Bản địa Thái Nguyên và ông sẽ cấp giống miễn phí, hướng dẫn trồng và sử dụng dong riềng đỏ cho bất kỳ người dân nào có nhu cầu trồng để phòng bệnh và tự chữa bệnh.