Sai lầm dẫn tới bệnh trọng
Anh Nguyễn Văn T. (Đống Đa, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng ho nhiều, ra máu. Sau khi khám ở bệnh viện lao phổi, anh được bác sĩ chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Sau khi chụp phim, xét nghiệm, soi đờm, các bác sĩ xác định ông bị sán lá phổi, ổ sán ăn rỗng và tổn thương phổi nặng, ho ra máu, và sốt. Nếu không điều trị tích cực, bệnh có thể nguy hại tới tính mạng của anh.
Theo các chuyên gia y tế, ở Việt Nam, bệnh sán lá phổi lưu hành ở 8 tỉnh phía Bắc (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Nghệ An).
Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương từng tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị sán phổi, nhiều những trường hợp suýt chết vì ho lâu ngày, ra máu.
Nguyên nhân chủ yếu là do cách ăn tôm, cua, ốc chưa đúng cách, nhất là tôm, cua, ốc nướng chưa chín. Bởi vật chủ trung gian truyền bệnh sán lá phổi cho người và súc vật chính là tôm, cua, ốc.
Cách ăn tôm cua chưa nấu chín (cua nướng, gỏi cua, gỏi tôm, ăn gạch cua sống, mắm cua, uống nước cua sống…) cũng đều có nguy cơ nhiễm sán lá phổi.
Khi ấu trùng sán vào cơ thể người, từng đôi một sẽ làm tổ trong nhu mô phổi. Một số ít cư trú tại tim, phúc mạc, gan, thận, ký sinh ở dưới da, gan, ruột, tinh hoàn, não...
Sán ở đâu sẽ bị hoại tử khu trú ở đó để thành nang xơ bao quanh sán trưởng thành.
Sán non sau đó sẽ di chuyển đến các cơ quan nội tạng khác, có thể làm tổ, đẻ trứng ngoài phổi, hoặc đi vào hệ tuần hoàn và làm tổ ở các vùng khác (ở vị trí lạc chỗ có thể gây phản ứng viêm, nang, áp xe, u hạt…).
Ngoài ra còn có các nguy cơ nhiễm bệnh khác khi ăn tôm, cua, ốc nướng như sơ chế bẩn, đựng trong đồ bẩn, nướng chưa chín, hàng ươn, hỏng được “phù phép”.
Dù nướng trên bếp than, than đá, than hoa cũng sinh ra khí CO, kết hợp với các chất trong cơ thể sẽ mắc chứng tê liệt vì không vận chuyển được oxy đi nuôi cơ thể.
Nướng ở nhiệt độ cao sẽ tạo ra khí độc PHA (polycyclic aromatic hydrocarbon) bám vào thức ăn có thể gây ung thư.
Biểu hiện của bệnh sán lá phổi
Theo các bác sĩ, sán lá phổi gây bệnh cho người, động vật (chó, mèo, lợn, cáo, chồn, chuột...). Biểu hiện khi mới mắc là bệnh nhân mệt mỏi, sốt nhẹ, mẩn ngứa.
- Khi ấu trùng di trú trong khoang phúc mạc sẽ thấy đau bụng, đau thượng vị, tiêu chảy.
- Khi ấu trùng xuyên qua cơ hoành, di trú ở màng phổi sẽ gâu đau ngực (hai bên). Sau đó hay ho khan, khạc đờm lẫn máu, hoặc màu đen… hay xảy ra vào buổi sáng, tái diễn nhiều lần và dễ nhầm với lao phổi, ung thư phổi.
- Khi bị nhiễm sán lá phổi, cần tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị tích cực kịp thời. Quản lý chặt và xử lý tốt chất thải của người bệnh để ngăn chặn mầm bệnh lây lan.
- Tuyệt đối không ăn tôm, cua nước ngọt nướng, tái, chưa được nấu chín.
Chú ý khi ăn tôm, cua, ốc nướng
Kinh nghiệm để ăn tôm, cua, ốc nướng trước hết là cần tỉnh táo khi chọn tôm, cua, ốc.
Các loài thủy sản này chết, ươn rất nhanh bị nhiễm khuẩn, do đó khi ăn ở hàng quán vỉa hè nên tìm cách kiểm tra trước khi nướng và giám sát chế biến đúng cách, đảm bảo chế biến vệ sinh, nướng chín… để giảm nguy cơ bị ngộ độc.
- Bọc thực phẩm vào lá chuối, giấy thiếc rồi nướng.
- Chọn vỉ nướng làm bằng gốm, thép không rỉ. Tuyệt đối không dùng vỉ nhôm vì khi nướng sẽ tạo ra chất độc hại. Nên nướng ở nhiệt độ thấp, hoặc vừa phải để hạn chế khói. Thường xuyên quay vỉ để món nướng chín đều.
- Dùng các loại nước ướp gia vị (dầu ôliu, nước cốt cam/quýt) vì làm giảm các yếu tố gây ung thư tới 99%, lại tăng hương vị.
- Hạn chế quét dầu, mỡ vì khi chảy xuống lửa sẽ sinh ra chất độc và bám vào thực phẩm. Khi ăn cần bỏ hết những phần bị cháy sém vì dễ có chất độc.
- Nướng trên than hoa nên để than cháy hết (không còn khói) mới cho tôm cua ốc lên nướng. Có thể dùng lá chuối, giấy thiếc bọc rồi nướng để tránh bị sém, khét.
Nên nướng bằng lò vi sóng, hoặc lò nướng vì dễ điều chỉnh nhiệt độ và thời gian, dịch tiết sẽ không có khói và món ăn không bị ám mùi khói.
- Tuyệt đối không nướng tôm, cua, ốc chết, hoặc sắp chết, hoặc nướng đã lâu vì chúng nhanh bị ô nhiễm, sinh ra độc tố nguy hiểm.
Cũng không nên ăn hải sản sống, tái để tránh mắc sán, một số bệnh về mắt, tiêu hóa, hoặc gây ho ra máu, co giật…
- Một số loài thủy hải sản vào những mùa nhất định trong năm có nguy cơ nhiễm độc (cá nóc, sao biển, sứa…), do đó cần lưu ý về thời gian sinh sản của chúng để tránh bị ngộ độc khi ăn.
- Cách ăn tôm, cua, ốc an toàn nhất, tránh đau bụng là luộc, hoặc hấp trước khi nướng.
Quý độc giả có câu hỏi, thắc mắc hoặc yêu cầu tư vấn về các vấn đề sức khỏe, bài thuốc chữa bệnh xin gửi câu hỏi vào ô Bình luận ở dưới cuối mỗi bài viết.
Chúng tôi sẽ mời những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y tế giải đáp, chia sẻ kinh nghiệm với quý độc giả. Trân trọng!