Xôn xao bài thuốc phòng ngừa đột quỵ làm 1 lần duy nhất trong đời
Vừa qua, rất nhiều người thông qua mạng xã hội chia sẻ 1 bài thuốc được cho là có tác dụng phòng ngừa tai biến, đột quỵ.
Theo như chia sẻ, mọi người, đặc biệt là những ai có tiền sử cao huyết áp, tim mạch, chỉ cần đắp loại thuốc này 1 lần duy nhất là có thể ngăn ngừa được bệnh đột quỵ.
Dưới đây là chi tiết bài thuốc được chia sẻ mà chưa rõ tính khoa học như thế nào:
* Nguyên liệu:
- Hạnh nhân: 10g (đã tán sẵn)
- Chi tử: 10g (đã tán sẵn)
- Đào Nhân: 10g ( đã tán sẵn)
* Nguyên liệu phụ kèm:
- Gạo nếp: 10 hạt
- Hạt tiêu sọ trắng : 10 hạt
- Lòng trắng trứng gà: 01 quả
* Cách làm:
- Giã nhỏ 10 hạt gạo nếp cùng 10 hạt tiêu sọ.
- Trộn thật đều nguyên liệu với lòng trắng trứng gà.
- Lấy một miếng nilon vừa bằng gan lòng bàn chân.
- Cho tất cả hỗn hợp trên miếng nilon sau đó đắp vào gan bàn chân.
- Lấy vải (băng y tế) quấn nhiều vòng buộc chặt không để chảy ra.
- Đắp từ buổi tối để qua đêm, đến sáng hôm sau tháo ra. Nữ đắp bàn chân phải, nam đắp bàn chân trái.
Khi tháo ra thấy lòng bàn chân có màu xanh mực Cửu Long là kết quả tốt. Càng xanh đậm càng tốt, một thời gian sau (5 -7 ngày) màu xanh sẽ mờ dần đi.
Các lương y, bác sĩ nói gì?
Tuy nhiên, theo lương y Vũ Quốc Trung – Phòng chẩn trị y học cổ truyền chùa Cảm Ứng, Hà Nội thì bài thuốc trên không có cơ sở khoa học trong phòng ngừa chứng đột quỵ.
Theo ông Trung, sau khi đọc xong tên bài thuốc, ông khẳng định bài thuốc này là "linh tinh", uống vào còn không có tác dụng gì chứ chưa nói đến phòng và ngừa đột quỵ.
Hiện nay, bệnh đột quỵ là một nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, căn bệnh âm thầm phát triển, tỷ lệ tử vong cao vì di chứng nặng nề nên nhiều người dựa vào đặc tính của nó để quảng cáo và bán thuốc.
Theo lương y Vũ Quốc Trung, khi phân tích ra các vị có trong bài thuốc trên không có giá trị nào về mặt phòng tim mạch cả. Cụ thể:
- Hạnh nhân: Có vị đắng, tính bình, quy kinh phế, tác dụng chỉ khái định suyễn, nhuận táo, tiêu đờm. Trong hạnh nhân có chứa hợp chất amygdalin. Khi bị dịch vị thủy phân, chất này sẽ phóng thích ra axit cyanhydric.
Ở nồng độ thấp, axit này có tác dụng làm giảm lượng tiêu hao oxy của tổ chức tế bào, ức chế việc chuyển hoá oxy ở động mạch chủ và động mạch cổ làm cho hô hấp sâu, tăng phản xạ, đờm dễ long, nhờ đó sẽ giảm ho nên được dùng trong bài thuốc trị ho.
- Chi tử: Là hạt của quả dành dành chín, có vị đắng, tính hàn, quy kinh tâm, phế, can, đởm. Quả có chứa chất đắng là gardenin tác dụng thanh can giáng hỏa, lợi tiểu giải độc, chỉ huyết.
Trong Đông y, người ta dùng chi tử để chữa viêm gan, vàng da, sốt cao mê sảng, tiểu ra máu, chảy máu cam.
- Đào nhân: Là vị thuốc lấy từ nhân hạt của trái đào, vị đắng, tính bình quy kinh tâm, can, phế, tác dụng hoạt huyết khử ứ, nhuận trường, chỉ khái, được dùng chữa bế kinh, đau bụng kinh, chấn thương ứ huyết, ho, hen suyễn, táo bón.
Người ta nghiên cứu và thấy: Hạt đào chứa 50% dầu béo, 3,5% amygdalin, 0,4 - 0,70% tinh dầu. Ngoài ra, còn có men emulsion, axit prussic, cholin acetylcholine trong hạt đào.
Đào nhân để nguyên vỏ lụa và đầu nhọn, giã giập dùng sống (có tác dụng phá huyết) hoặc ngâm nước nóng cho tróc vỏ lụa, cắt bỏ đầu nhọn, sao vàng để hoạt huyết. Tuy nhiên, phụ nữ có thai không được dùng vì có thể gây sẩy thai.
- Hạt tiêu: Vị cay, tính nóng, chứa nhiều loại tinh dầu và chất cay, ở liều thấp có tác dụng kích thích sự tiết dịch vị và kích thích hệ thần kinh, kháng khuẩn và diệt trùng, nên được dùng để bảo quản thức ăn.
Còn khi đắp ngoài da, lương y Trung nghĩ không nên vì vị tiêu có tính nóng có thể gây phỏng da, đau rát và đặc biệt nó không liê quan gì đến việc ngừa đột quỵ cả.
Đối với bài thuốc này có thêm 10 hạt tiêu sọ và 10 hạt gạo nếp, lương y Trung khẳng định không có giá trị nào để ngừa bệnh.
Muốn tránh đột quỵ cần có lối sống lành mạnh, kiểm soát tốt các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, huyết áp...
Còn bác sĩ Bùi Long trưởng khoa Can thiệp Tim mạch Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô cho biết bài thuốc này ông chưa nghe thấy khi nào.
Theo bác sĩ Bùi Long, cách tốt nhất để ngừa bệnh đột quỵ đó là có lối sống lành mạnh, kiểm soát tốt các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp và tiểu đường.
Mọi người cần tăng cường tập thể dục, vận động vừa sức; không lạm dụng các chất kích thích (thuốc lá, rượu bia... ); kiểm tra sức khỏe định kỳ, điều trị các bệnh lý đi kèm.
Ngoài ra, bác sĩ Long lưu ý, muốn tránh tai biến, đột quỵ cần không ăn nhiều mỡ, chất ngọt, tinh bột; hạn chế muối; nên ăn nhiều rau, củ, quả; tránh stress, xúc động hay chấn thương tâm lý…