Mỗi khi nhắc đến giai đoạn đi khắp nơi chữa bệnh, anh em Dũng – Hòa (Khánh Thượng, Ba Vì) vẫn không khỏi rùng mình.
Câu đầu tiên anh Dũng nói là: "Cạch! Cạch đến già, không bao giờ đụng đũa đến đồ ăn sống sít, trong đó có gỏi cá!"
Lý do của việc đoạn tuyệt với món khoái khẩu này là do hai anh đi làm thợ khai thác đá ở Ninh Bình, bị mắc bệnh một thời gian dài, tinh thần kiệt quệ.
“Công việc nặng nhọc, nóng nực nên mỗi chiều đi làm về được uống một cốc bia ăn cùng với gỏi cá (đặc sản vùng này) chấm nước bổi thật là tuyệt.
Vậy là thỉnh thoảng chúng tôi cùng đội thợ đá lại cải thiện. Khoảng hơn một năm làm ở đó, sức khỏe của cả hai đều xuống, người gầy rộc, ăn không muốn ăn, làm cũng không muốn làm.
Chúng tôi cứ ngỡ bị ung thư nhưng khám khắp nơi không tìm ra bệnh” – anh Dũng kể lại.
Chỉ đến khi đến Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương hai anh mới được xét nghiệm và phát hiện ra bị nhiễm sán lá gan nhỏ do ăn gỏi cá. Cả hai không ngờ, chính món khoái khẩu đó đã khiến cho mình bị nhiễm bệnh.
Ths. BS Đỗ Trung Dũng – Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương cho biết: Không chỉ ở Khánh Thượng, Ba Vì mà người dân ở một số địa phương như Nam Định, Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình đều có sở thích ăn gỏi cá.
Người dân ở những địa phương này thường có thói quen dùng thịt cá mè, cá trắm sống trộn với thính ăn kèm rau thơm. Chính thói quen ăn gỏi cá sống này khiến tại những vùng trên tỷ lệ người dân nhiễm sán lá gan nhỏ cao hơn nơi khác.
“Quá trình vệ sinh của con người, trứng sán lá gan nhỏ bị nhiễm vào ao, hồ, đồng ruộng... Sau đó sán lá gan nhỏ nhiễm vào ốc.
Sống tại ốc một thời gian, đến giai đoạn ấu trùng thì sán thoát ra ngoài và tìm đến cá để ký sinh”- Thạc sĩ Dũng cho biết thêm.
95% sán lá gan còn sống sau khi sơ chế gỏi
Theo các bác sĩ thì bệnh sán lá gan nhỏ, sán lá phổi chủ yếu xuất hiện ở người có tiền sử ăn thủy sản chưa chín như gỏi cá, gỏi cua.
Nhiều người nghĩ đơn giản rửa qua nước sạch là các loài ký sinh trùng gây bệnh sẽ bị trôi đi, hoặc ăn gỏi cùng thật nhiều gia vị sẽ giết được sán.
Tuy nhiên, thực tế lại cho kết quả kinh hoàng: trong gỏi cá đã chế biến (trộn với đủ loại gia vị: giấm, mẻ, riềng, lá mơ) và đưa vào sử dụng, ấu trùng sán lá gan còn sống đến 95%, cua nướng đến vàng vỏ ấu trùng sán lá phổi vẫn còn sống 65%, và với cua nướng cháy vỏ ấu trùng này vẫn còn sống 23,3%!
Đáng ngại là bệnh sán lá gan diễn tiến âm thầm, ở giai đoạn sớm hầu hết đều không có triệu chứng lâm sàng, một số bệnh nhân rối loạn tiêu hóa nhẹ.
Ở giai đoạn muộn bệnh biểu hiện bằng trạng thái đầy bụng, cảm giác như bị đau dạ dày, ăn mỡ thì mức độ đau tăng, khi lao động nặng người bệnh có cảm giác đau tức hạ sườn phải và vùng gan.
Ngoài ra, sán lá gan ký sinh trong đường mật, làm đường mật dày lên, xơ hóa, thoái hóa mỡ gan, cổ trướng với kích thước gan to gấp 2-3 lần bình thường.
Bệnh gây sỏi mật, thậm chí nó chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến ung thư đường mật.
GS. TS Nguyễn Văn Đề, nguyên chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, trường ĐH Y Hà Nội cho biết thêm, tỷ lệ ấu trùng có trong một con cá không phụ thuộc vào trọng lượng và kích thước lớn nhỏ của cá, có con nhiễm đến 603 ấu trùng sán.
Vì thế, GS Đề khuyến cáo người dân không nên ăn gỏi cá. Khi ăn gỏi phải chọn cá thật tươi, nhìn thớ thịt cá có bất thường hay không để tránh các ổ sán.
Trước khi ăn, cá phải ngâm với nước chanh. Rau sống ăn kèm gỏi cũng phải chọn rau sạch, ngâm rửa cẩn thận.
Theo kết quả thống kê của Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương, tại một số địa phương ở miền Trung có tới 60-70% người dân ăn gỏi cá.
Theo một kết quả nghiên cứu khác của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên – môi trường đánh giá, tình trạng ô nhiễm ký sinh trùng trên thủy sản tại các chợ và trong hồ nuôi cá nước ngọt thì hiện có 24 tỉnh, thành phố có bệnh sán lá gan nhỏ lưu hành.
Cao nhất ở Nam Định, Phú Yên (37%), Hà Nội (tỉ lệ nhiễm Hà Tây cũ là 40,1%)...
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước lượng có tới 40 triệu người trên thế giới đang bị nhiễm ký sinh trùng vì ăn cá sống.
Tại Việt Nam, có hơn 5 triệu người có nguy cơ nhiễm sán lá gan do tập quán ăn gỏi cá, hiện tại đã có khoảng 500.000 người bị nhiễm ký sinh trùng này.
Quý độc giả có câu hỏi, thắc mắc hoặc yêu cầu tư vấn về các vấn đề sức khỏe, bài thuốc chữa bệnh xin gửi câu hỏi vào ô Bình luận ở dưới cuối mỗi bài viết.
Chúng tôi sẽ mời những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y tế giải đáp, chia sẻ kinh nghiệm với quý độc giả. Trân trọng!