Thực tế, ngay cả việc nấu cơm cũng cần có những quy chuẩn nhất định để cơm chín kỹ, thơm ngon và giữ lại được tối đa chất dinh dưỡng.
Không ít người mắc phải những sai lầm khiến cho sản phẩm không đảm bảo được nguồn dinh dưỡng vốn có của cơm.
Sai lầm lớn nhất và nhiều người mắc phải nhất là nấu cơm bằng nước lạnh. Theo thống kê, có đến 9/10 bà nội trợ thường sử dụng nước lạnh để nấu cơm.
Nếu bạn nghĩ rằng việc cho nước nóng hay nước lạnh vào gạo để nấu thành cơm không quan trọng thì đó là một sai lầm cơ bản. Nếu dùng nước lạnh, gạo sẽ bị trương lên, chất dinh dưỡng bị tan ra trong nước.
Hơn nữa, nấu bằng nước lạnh cũng khiến cơm bị nát ăn không ngon miệng.
Theo PGS, TS Nguyễn Văn Hoan (nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa - ĐH Nông nghiệp Hà Nội), việc nấu cơm bằng nước sôi sẽ khiến cho thời gian nấu cơm ngắn đi, hạt gạo nhanh chín hơn đồng thời chín đều và dẻo hơn.
Nếu nấu cơm bằng nước nóng, lớp ngoài của hạt gạo sẽ nhanh chóng co lại tạo thành 1 lớp màng bảo vệ giúp gạo không bị trương, nứt vỡ, từ đó các chất dinh dưỡng sẽ không bị hòa tan trong nước hoặc bay hơi.
Theo ông Hoan, nhờ việc nấu cơm bằng nước sôi, đậy kín vung để giữ nhiệt và tránh không cho gạo tiếp xúc với không khí sẽ giúp cho lượng vitamin B1 được giữ lại nhiều hơn 30% so với cách nấu bằng nước lạnh.
Ngoài ra, những sai lầm khi nấu cơm sau cũng khiến cho chất lượng cơm bị ảnh hưởng nghiêm trọng:
- Sử dụng gạo xay xát quá kỹ: Nhiều người thích ăn gạo được xát trắng vì nghĩ rằng nhìn chúng đẹp mắt và ngon hơn.
Tuy nhiên, loại gạo này đã bị lấy mất lớp cám bao bên ngoài hạt gạo khiến cho nguồn dinh dưỡng tốt nhất cũng bị mất.
Thứ bạn ăn còn lại chỉ là cái lõi bột đường của gạo. Đó chính là nguồn tinh bột khiến bạn có nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, huyết áp cao, phù thũng... nếu ăn quá nhiều.
- Vo gạo quá kỹ: Tương tự với việc xay xát gạo quá trắng, việc vo gạo quá kỹ cũng là một sai lầm khiến cho bạn đánh mất một lượng lớn vitamin B, glucid, protein, lipid, chất khoáng… trong gạo.
Việc bạn nên làm chỉ là khuấy nhẹ gạo trong nước để bụi bặm và tạp chất hòa tan vào nước, đồng thời nhặt sạch sạn có trong gạo là đủ.