* Bài viết được Thầy thuốc Ưu tú, Lương y, TS Nguyễn Hữu Khai cho phép đăng tải trên Trí Thức Trẻ. TS Nguyễn Hữu Khai là người sáng lập và gây dựng Tập đoàn Y dược Bảo Long. Tiêu đề trong bài do Tòa soạn đặt.
Chúng tôi vẫn biết tác hại của rượu và hoàn toàn không phủ nhận những tai ương do rượu gây ra.
Thế nhưng là những thầy thuốc có uy tín trong công chúng, với trách nhiệm hàng đầu là chăm lo bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, chúng tôi lại đầu tư nhiều công sức và trí tuệ để pha chế rượu thuốc.
Không đơn giản là chạy theo nhu cầu của đông đảo những người thích uống rượu.
Chúng tôi ý thức rằng: Rượu chẳng có lỗi gì đối với sức khỏe, không những thế rượu còn mang lại nhiều lợi ích đáng kể!
Cũng như cây kiếm, nó chẳng có tội gì. Khi trên tay một trượng phu nó góp phần bênh vực công lý và bảo vệ người lương thiện. Khi trên tay kẻ côn đồ thì nó lại trở thành hung khí gây tang thương thảm khốc.
Vấn đề hoàn toàn là ở bản chất và ý thức của người sử dụng.
1. Rượu với sức khỏe tim mạch
Người xưa vẫn nói: “Nam vô tửu kỳ vô phong”. Rõ ràng rượu là tác nhân làm phấn chấn tinh thần. Sách thuốc cổ có câu: “Tửu năng hành huyết khu phong. Ẩm nhất bôi thiên sầu tận giải ”.
Xin được cắt nghĩa: Rượu có thể làm lưu thông mạch máu và đuổi phong tà. Uống một ly thì ngàn nỗi sầu cũng giải hết.
Vậy là rượu có tác dụng lưu thông mạch máu và cải thiện tinh thần. Có biết bao nhiêu chứng bệnh xẩy ra từ nguyên nhân huyết mạch kém lưu thông. Trong đó có căn bệnh hiểm nghèo với tỉ lệ tử vong cao đó là bệnh tắc nghẽn động mạch vành.
Y lý phương Đông dạy rằng: “Bất thông tác thống, thông tác bất thống” - tức là không thông thì gây đau, thông thì làm hết đau”. Rượu là tác nhân đáng kể trong việc lưu thông nói trên.
Một bài thơ hay của người xưa nói về chăm sóc sức khỏe được truyền bá sâu rộng với nội dung là: “Bán dạ thâm bôi tửu / Bình minh nhất trảng trà / Thất nhật dâm nhất độ / Lương y bất đáo gia”
Nghĩa là: Đêm uống ly rượu, sáng sớm uống một bình trà, bảy ngày quan hệ tình dục một lần thì thầy thuốc không tới nhà.
Với khoa học hiện đại những nghiên cứu về tác dụng của rượu đã được công bố.
Năm 1979 nhà khoa học Cochrane - Một cây đại thụ của nền y học cùng hai đồng nghiệp đã nghiên cứu đề tài “nguyên nhân của tỉ lệ tử vong khác nhau vì bệnh tim trên 18 nước phát triển” gồm cả Mỹ, Anh và Úc.
Đã thấy rằng, có sư liên hệ rõ ràng và đáng kể giữa lượng rượu uống và việc giảm tỉ lệ bệnh thiếu máu cục bộ ở tim.
Năm 1986 các nhà nghiên cứu đã khảo sát một nhóm hơn 50.000 nam bác sỹ ở Mỹ về việc uống rượu và tình trạng sức khỏe trong 2 năm. Họ phát hiện ra rằng uống rượu điều độ và hợp với tửu lượng thì gần như phòng ngừa được bệnh động mạch vành.
Một nghiên cứu qui mô nữa được công bố vào năm 2000 (cũng với nam bác sỹ trong thời gian 5,5 năm) phát hiện quan hệ đồ thị chữ U giữa uống bia rượu vừa phải và cái chết bởi bệnh động mạch vành.
Những người uống 1 ly một ngày thì ít có khả năng chết hơn so với những người uống 1 ly một tuần, hoặc hơn một ly một ngày.
Điều đó cho thấy có một điểm ngọt ngào cho việc uống bia rượu, một mức nằm giữa uống rất ít và uống rất nhiều, ở mức đó cái lợi của rượu cho sức khỏe tim mạch cân bằng rủi ro chết vì mọi nguyên nhân.
Năm 2005 có một nghiên cứu nữa với những người làm trong ngành y tế (32.000 phụ nữ và 18.000 nam giới) nhằm trả lời câu hỏi trên bằng cách xem thói quen uống bia rượu đã ảnh hưởng thế nào.
Những người uống 1 đến 2 ly, 3 đến 4 lần một tuần, có ít nguy cơ đau tim mà các nhà nghiên cứu cho rằng do tác động có lợi của rượu đối với cholesterol HDL (cholesterol có lợi) và với haemoglobin A1c (ghi dấu hiệu tiểu đường) và fibrinogen (giúp đông máu).
Cả 3 yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong hội chứng chuyển hóa, chúng báo hiệu bệnh tim mạch và tiểu đường.
Những nghiên cứu khác cho thấy có dấu hiệu là rượu có thể làm thay đổi sự cân bằng của các yếu tố trên theo chiều hướng tốt, nghĩa là uống bia rượu vừa phải có thể tốt cho sức khỏe.
Rượu được xếp vào một trong các loại chất kích thích, tuy nhiên nếu biết cách sử dụng và dùng đúng liều lượng thì lại có tác dụng phòng tránh và điều trị bệnh rất tốt.
2. Rượu với sức khỏe tình dục
Trong các phương thuốc cổ, những phương mang công dụng tăng cường khả năng sinh lý, hầu hết đều pha chế dạng rượu thuốc.
Rượu không chỉ là dung môi mà chính nó cũng có khả năng thông mạch, đẩy máu dồn vào nơi cần thiết làm cương cứng theo nhu cầu. Đồng thời còn có khả năng tăng cường hưng phấn cho cảm giác tình dục.
Cảm khoái sinh lý tình dục là ân huệ của tạo hóa ban cho loài người. Nó được phát tiết từ tinh hoa của thực lực với tình cảm và phát triển theo quy luật biến thiên của sự trưởng thành rồi giảm dần hài hòa với tuổi đời của sinh thể.
Lẽ ra phải nương theo quy luật của tự nhiên để tận hưởng. Chỉ điều chỉnh khi lâm bệnh.
Nhưng ở đời ít ai làm thế! Người ta thường lạm dụng một cách quá mức, rồi bám theo thị hiếu, các “đại gia” đã miệt mài nghiên cứu và xuất xưởng hàng trăm loại sản phẩm chỉ để cường dương, kích dục!
Thường người ta chỉ quan tâm đến việc bổ thận, tráng dương, chẳng mấy ai quan tâm đến quả tim, lá phổi, lá gan phải làm việc cực nhọc mà chăm lo cho nó.
Chỉ khi nó mang bệnh mới chữa hoặc khi nó quá suy sụp phải nằm liệt giường mới nghĩ đến. Có khi nghĩ tới thì đã muộn!
Thực tế sinh lý tình dục đâu chỉ do ở thận. Dẫu cho thận có khỏe nhưng sinh dục làm sao phát huy, làm sao thực hiện khi bản thể đang tức ngực, khó thở, đang trong cơn hen suyễn hay đang viêm xơ gan nhức nhối hoặc đang cơn rối loạn tim mạch...
Chỉ cần một trong các yếu tố nội tâm bất thường thì hoạt động tình dục đã không hoàn hảo. Vì thế muốn phục hồi và tăng cường khả năng sinh lý là phải chăm lo bồi bổ, cường kiện toàn diện và phải điều hòa các tạng cho ăn ý với nhau.
Với một cơ thể khỏe mạnh, cân bằng thì ắt phải ham muốn đòi hỏi tình dục và tự có cảm khoái tự nhiên tuyệt diệu. Cái tự nhiên là vô cùng cần thiết phải duy trì nó và phải bảo vệ nó.
Trong quan hệ tình dục, khi cái “tự nhiên” làm chủ thì nó còn đem lại cảm khoái thuần khiết quyện với tình yêu thương đôi lứa.
Thực tế cũng có những trường hợp buộc phải kích thích sinh dục bởi quá khứ do quá say mê với một loại hình nào khác, hoặc do quá quan tâm với công việc mà lãng quên.
Những trường hợp cố ý quên đi rồi đến khi muốn nhớ lại mà không được thì cũng coi đó là bệnh và phải dùng biện pháp kích thích để hồi phục.
Trường hợp do bản tạng yếu, do bệnh, do tai nạn hoặc do đã lạm dụng quá độ đến mức bị suy sụp cơ thể và liệt dương, nếu muốn phục hưng và tăng cường khả năng sinh dục thì không nên chỉ đơn phương dùng thuốc kích thích để cường dương.
Cũng như lò lửa muốn bốc lên thì ngoài việc thổi hơi vào còn phải bổ sung thêm nhiên liệu. Nếu không thêm nhiên liệu có thổi bùng lên cũng chỉ được một, hai lần. Khi nhiên liệu kiệt, thổi vào chỉ làm tắt ngấm mà thôi!
Muốn phục hồi chức năng sinh lý, tình dục thì phải phục hồi toàn diện. Chữa chứng “bất lực” phải điều hòa, bồi bổ với chủ trương phục hồi, cường kiện sinh thể, kích thích chỉ là thứ yếu.
Ngoài ra còn cần có ý thức cao trong việc “bảo tồn vốn”. Sử dụng sinh lý tình dục “cân đối thu chi” không phản lại quy luật tạo hóa và không nên lừa dối cảm giác thật để chuốc lấy cảm giác giả suốt đời...!