Gào thét, chửi bới, đập phá, đánh vợ con, thậm chí nhìn vợ thành “con ma”, là hành động của những người nghiện rượu. Nhiều người vì rượu mà mang trong mình nhiều căn bệnh nguy hiểm.
Rượu bia quá đà có thể gây xích mích, bất hòa, làm tổn thương tình cảm với người thân, bạn bè. Rượu bia quá đà có thể gây bệnh, thay đổi tâm tính, tiêu tốn tiền bạc, băng hoại đạo đức. Rượu bia quá đà có thể cướp đi mạng sống người vô tội. Rượu ở ta có mặt mọi lúc, mọi nơi, chia vui cũng như giải sầu. Uống thế nào là đủ, là vui?
MINH HỌA : KHỀU.
Cơm chan nước mắt
Ngồi thu mình một góc ở hành lang Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, chị Lương Thị Nga, 27 tuổi kể lại câu chuyện đời đầy nước mắt của mình. Chồng chị, anh Nguyễn Đức Dũng, 30 tuổi, nghiện rượu từ năm 2007.
“Hồi mới cưới, ai cũng mừng cho em vì lấy được chồng Hà Nội, đẹp trai. Nhưng hạnh phúc chả được bao lâu, thì em phát hiện chồng nghiện rượu nặng. Lúc đầu anh ấy còn chối bảo uống cho vui nhưng dần dần không thể chối được rượu, say xỉn suốt ngày, chửi bới mọi người”, chị Nga mở chuyện.
Tết 2008, tết đầu tiên, chị Nga dẫn chồng về quê Hưng Yên ra mắt gia đình, họ hàng. Sau một ngày chúc tụng say sưa, chiều tối 2 vợ chồng lên đường trở về Hà Nội. Do phải đi bộ một đoạn khá xa để ra bến đò, đang say lừng xừng đi được một lúc anh Dũng nằm lăn ra đường ăn vạ, bắt vợ gọi taxi đưa về.
“Ở quê gọi xe ôm còn khó, lấy đâu ra taxi, tôi cố động viên, nịnh nọt anh đứng dậy đi tiếp nhưng tôi càng nói anh càng gào lên chửi bới. Bao nhiêu người qua đường hiếu kỳ nhìn vào, có người thương tình vào dìu anh đứng dậy nhưng anh vẫn nằm lăn ra ăn vạ đến tận đêm, mặc cho tôi lúc đó đang mang bầu đứa con đầu lòng 4 tháng ngồi bên anh nài nỉ”, chị Nga kể lại.
Chị Nga rất đau khổ khi có người chồng nghiện rượu.
Kể từ đó, anh triền miên trong các cơn say, cuộc sống gia đình dần trở thành “địa ngục”. “Anh mua rượu về nhà ngồi tu ừng ực. Say. Anh ấy như người điên. Gào thét. Chửi bới. Đập nát tất cả mọi thứ. Giờ trong nhà tôi chẳng còn thứ gì nguyên vẹn. Bất cứ đồ vật nào, cái thì vỡ, cái sứt, cái gãy ngổn ngang…”, chị Nga nói trong nước mắt. Dường như chả có lúc nào anh tỉnh táo, 2-3 giờ sáng thức dậy, anh lại cầm chai uống, uống xong lại gào thét, chửi bới. Mỗi lần khuyên ngăn chồng là lại cãi lộn. Từ ngày nghiện rượu, cứ nhìn thấy mặt chị là anh “mày”, “tao” gây sự.
Sinh con gái được 4 tháng, vì sợ chồng ở nhà lên cơn say rồi đánh con, chị bế con ra chợ ngồi bán hoa quả. Khi con biết đi, chị không địu nữa cho con chạy theo mẹ cả ngày khắp các góc chợ, ngõ phố. Chị làm nghề bán hoa quả, sáng còn có chỗ ngồi ở góc chợ, chiều gánh bán hàng rong. Do có con nhỏ đi theo nên chị không dám đi xa.
Thời buổi kinh tế khó khăn, mỗi ngày chị kiếm được 50 - 100 nghìn đồng tiền lãi đủ hai mẹ con qua ngày. Còn tiền mua rượu, tiền thuốc thang điều trị bệnh của anh phải nhờ nhà chồng lo liệu. Cả ngày vạ vật ở ngoài đường, đêm về nhà chồng lại chửi bới suốt đêm không cho ngủ. “Đặc biệt mỗi lần ăn cơm là anh ấy chửi, có hôm mâm cơm vừa mới bê ra chưa kịp ăn, anh bê cả hất tung đi, cơm, thức ăn vung vãi khắp nhà. Nhiều lúc bực mình không chịu được tôi cãi lại. Thế là cả nhà om sòm. Con gái đứng thu lu một góc hét lên “thôi bố mẹ đừng cãi nhau nữa”. Tôi sững người đau đớn”, chị Nga kể trong từng tiếng nấc nghẹn.
“Con không cần bố nữa”
Cuộc sống vợ chồng căng thẳng, không thể chịu đựng nổi, sợ con gái ảnh hưởng tâm lý vì phải chứng kiến bố suốt ngày say xỉn, chị Nga bế con về Hưng Yên sống. Mỗi lần chị bỏ đi là anh gọi điện nài nỉ xin hai mẹ con về rồi anh sẽ bỏ rượu, sẽ thay đổi. Nhưng về được vài ngày là anh lại say, lại chửi bới, đập phá. Hè vừa rồi, chị mới ở Hưng Yên lên được mấy hôm, anh lại say, phá đồ xong, anh lôi chị ra đánh chảy máu cả đầu, chị phải đi viện khâu mất 5 mũi. Nhiều lần chị làm đơn ly dị nhưng rồi đành thôi không ra tòa vì thương con.
“Nhưng lần này thì thôi, nốt lần này nữa thôi, mẹ con tôi nhất quyết ra đi (ý chị Nga là sẽ chờ anh ra viện lần này là làm đơn ly dị). Tôi không thể chịu đựng được nữa. Từ khi lấy anh đến giờ anh chỉ có say xỉn, mỗi năm đi viện mấy lần. Cứ đi viện về anh lại uống, uống xong lại đi viện. Riêng năm 2013 này anh đã đi viện 4 lần, mỗi lần kéo dài cả tháng trời. Ai mà chịu nổi”, chị Nga nói.
Rượu đã cướp đi nhiều thứ quý giá của anh Nguyễn Đức Dũng.
Chị Nga kể tiếp: “Tháng 7 vừa rồi, mẹ con tôi ở Hưng Yên, anh gọi điện về nhiều quá, tôi đành bảo con gái “con về ở với bố nhé”. Nó gào lên: “Không. Đó không phải bố của con. Ở lớp con có bạn Đức Anh chưa có bố, con cho bố đi làm bố của bạn ấy đấy. Con không cần bố nữa. Bố gì mà say suốt ngày thế”.
Tim tôi như vỡ thành từng mảnh. Suy nghĩ của con gái tôi mới gần 5 tuổi về bố tồi tệ như thế thì liệu sau này nó sẽ thế nào”, chị Nga khóc nấc từng tiếng. Đúng lúc đó, anh Dũng chồng chị thức giấc lên tiếng gọi vợ. Quệt vội nước mắt, chị lật đật chạy vào. Tôi vào theo cùng.
Uể oải và mệt mỏi, anh Dũng tiếp chuyện. Mắt anh hơi sưng, da vàng, những thao tác của anh chậm chạp. Nói chuyện xưng “em”. Anh nói: “Rượu đã cướp đi nhiều thứ quý giá của cuộc đời em. Gia đình em ly tán, con gái không dám chơi với bố.
Giờ người em mang đầy bệnh tật, trước em bị xung huyết dạ dày, nôn ra không biết bao nhiêu là máu. Giờ em bị xơ gan, thi thoảng bụng lại trướng lên. Chân em cũng đi tập tễnh, vì say rượu em bị tai nạn xe máy gãy chân phải chốt đinh ở đầu gối từ năm 2008 nhưng giờ vẫn chưa lấy ra”.
“Biết vậy sao anh không bỏ rượu đi”, tôi hỏi. Anh im lặng, cúi đầu, đưa tay rứt mấy sợi tóc. “Lần này ra viện anh có quyết tâm bỏ được rượu không”, tôi hỏi tiếp. Anh cười gượng: “Chị hỏi gì mà giống bác sĩ thế. Em đi nhiều bệnh viện lắm rồi. Lần nào ra viện bác sĩ cũng đều lặp lại câu hỏi đó. Thú thực, nhiều lần em cũng quyết tâm lắm nhưng được thời gian ngắn là đâu lại vào đấy. Chỉ cần có vài nghìn đồng trong tay là em đi mua rượu ngay”.
Nhìn vợ thấy “ma”
Dáng vẻ khắc khổ, tiều tụy ngồi cạnh chồng đang sốt li bì phải truyền nước, bà Nguyễn Thị Oanh, 45 tuổi (Đan Phượng, Hà Nội) nói thì thầm: “Khổ lắm, ông nhà tôi nghiện rượu 4 năm nay rồi. Cứ rượu vào là ông ấy nói nhảm, chửi bới ầm ĩ rồi đuổi tôi ra khỏi nhà. Giờ ông ốm quá mới nằm yên, hôm qua đỡ chút, ông cứ xồng xộc đòi ra ngoài để mua rượu”.
Ông Hoàng Trung Hiếu, chồng bà năm nay mới 47 tuổi nhưng nhìn dáng người hom hem, gương mặt nhàu nhĩ, người ngoài dễ nhầm tưởng ông đã ngoài 60 tuổi. Vợ chồng bà làm nghề nông, kinh tế gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng nhưng từ ngày ông nghiện rượu, trong nhà dù không có tiền ông vẫn xách chai đi mua rượu chịu.
Theo bà Oanh, mỗi ngày ông uống khoảng 1 lít rượu, không kể sáng trưa, cứ mở mắt là ông uống. Nhiều hôm ông uống rượu thay cơm. Từ ngày nghiện rượu, tâm tính ông thay đổi, cục cằn, chửi bới vợ con suốt ngày. Đặc biệt, cứ thấy mặt bà là ông xua đuổi. “Nhiều lúc say quá, ông cầm dao đòi đâm tôi. Nhiều khi nhìn tôi ra bóng ma màu đen. May những lần đó tôi đều chạy thoát được”, bà Oanh kể lại.
“Thời gian gần đây, sức khỏe của ông biểu hiện nhiều sự bất thường: Vàng da, tinh thần hoảng loạn, nói nhảm. Thi thoảng ông gào lên bảo có bóng ma màu đen trong nhà đang đuổi theo ông”, bà Oanh chia sẻ. Vào viện Sức khỏe Tâm thần, các bác sĩ cho biết, chồng bà bị men gan cao, tổn thương thần kinh, ảo giác do hậu quả của việc nghiện rượu lâu năm.
Theo các bác sĩ khoa điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, tại đây hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân bị nghiện rượu điều trị. Thường là những bệnh nhân nghiện rượu nặng và có những biến chứng về sức khỏe mới tìm đến điều trị và cai. Có bệnh nhân mới ngoài 30 tuổi nghiện rượu quá nặng, tinh thần hoảng loạn, gào thét suốt ngày. Vào viện điều trị 10 ngày rồi nhưng lúc nào cũng phải có 6-7 người canh trực. Mỗi lần tiêm là phải dùng dây thừng buộc lại nhưng bệnh nhân vẫn giãy giụa đến tứa máu.